Thứ Sáu, 29/11/2024 04:29 SA
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ nhận khuyết điểm và nhìn thẳng vào bất cập, yếu kém
Chủ Nhật, 01/06/2008 10:30 SA

Chiều 31/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thành viên Chính phủ cuối cùng lên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Trong hơn 1 giờ đồng hồ, báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa kết hợp trả lời chất vấn của 46 đại biểu dành cho Thủ tướng, vừa kết hợp cập nhật những thông tin mới về các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm: cơ sở của việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng và lạm phát; tiết kiệm chi tiêu ngân sách, cắt giảm đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư; giảm nhập siêu; chính sách tiền tệ và quản lý ngân hàng thương mại; làm rõ việc các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước đầu tư kinh doanh ngoài chức năng chính; việc bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống nông dân; điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu; việc bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội cho người nghèo, người lao động và cán bộ, nhân viên có thu nhập thấp; cải cách hành chính và chống tham nhũng; vấn đề tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các thành viên Chính phủ.


Thu-tuong-080601.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

 

Trong báo cáo giải trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tiếp thu những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội và của nhân dân cả nước; nhấn mạnh với nỗ lực phấn đấu cao nhất Chính phủ sẽ thực hiện có kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội thông qua.


Giảm chỉ tiêu tăng trưởng phù hợp với xu thế của thế giới

 

Về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống khoảng 7%, Thủ tướng phân tích, tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu tổng hợp, đo lường kết quả phát triển kinh tế trong kỳ kế hoạch. Đây là chỉ tiêu định hướng, nhưng là căn cứ quan trọng để xác định chính sách, phân bổ nguồn lực và để tính toán các chỉ tiêu khác trong kế hoạch phát triển, do vậy là cơ sở quan trọng trong điều hành kinh tế - xã hội của đất nước.


Thực hiện nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, chúng ta phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt (hạn chế mức tăng của tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng); rà soát điều chỉnh đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và tiết kiệm chi tiêu ngân sách; dành thêm ngân sách cho các nhiệm vụ an sinh xã hội. Những biện pháp này làm giảm nguồn lực cho tăng trưởng. Ngoài ra, do giá cả thị trường thế giới tăng cao làm chi phí đầu vào tăng lên trong khi giá đầu ra chưa tăng tương ứng; kinh tế của các đối tác thương mại chính của Việt Nam suy giảm làm cho xuất khẩu của ta gặp khó khăn, đầu tư gián tiếp từ nước ngoài có phần giảm sút..., cũng làm giảm mức tăng trưởng. Mặc dù GDP quý I tăng 7,4% nhưng tốc độ tăng đã chậm lại và thấp hơn nhiều so với nhiệm vụ kế hoạch. Từ tình hình trên, việc giảm tốc độ tăng trưởng là một yêu cầu thực tế và cần thiết.


Thủ tướng cũng cho biết, để xác định cụ thể chỉ tiêu tăng trưởng năm 2008 theo tinh thần kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng bền vững, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương) phối hợp với một số cơ quan trong nước và tổ chức quốc tế tính toán các khả năng tăng trưởng theo 3 phương án. Kết quả: mức tăng trưởng theo phương án cơ bản là 7,2%, phương án cao là 7,6% và phương án thấp là 6,7%.


Sau khi cân nhắc các mặt, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét chấp nhận mức tăng GDP năm 2008 khoảng 7%. Mức tăng này cũng tương đương với dự báo của một số tổ chức quốc tế về tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước ta năm 2008 và phù hợp với xu thế giảm chỉ tiêu tăng trưởng ở nhiều nước trên thế giới từ 0,5 đến 2% trước tình hình lạm phát và giá cả thế giới tăng cao như hiện nay.


“Không thể giảm nhanh lạm phát chỉ với những nỗ lực chủ quan”

Về xác định chỉ số lạm phát năm 2008, Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận các vấn đề đại biểu đặt ra như tại sao cùng chịu tác động của thiên tai dịch bệnh, của tăng giá dầu mỏ, tăng giá lương thực, giá các nguyên liệu khác… nhưng lạm phát ở Việt Nam lại cao hơn so với nhiều nước khác; hay vì sao Chính phủ đề nghị kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá bằng các giải pháp tổng hợp đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần mà không xác định con số cụ thể... là những câu hỏi quan trọng và xác đáng. Thủ tướng đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến lạm phát và vì sao lạm phát ở nước ta cao hơn nhiều nước. Một trong số đó là do đầu tư kém hiệu quả, làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế thấp. Đây là nguyên nhân sâu xa gây lạm phát và đã tồn tại nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.


Bên cạnh đó là các nguyên nhân về giá lương thực thực phẩm có tác động rất lớn, rất trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng ở nước ta; kim ngạch nhập khẩu nước ta gần bằng 90% GDP nên sự biến động của giá thị trường thế giới tác động đến giá trong nước sâu rộng hơn; việc điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước còn trực tiếp quản lý trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Việc điều chỉnh này là cần thiết nhưng mỗi lần điều chỉnh như vậy làm cho giá thị trường trong nước tăng lên; Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu lên 20% liên tục từ năm 2003 đến nay cũng tạo sức ép và gây tâm lý tăng giá…


Về lý do không đưa ra con số cụ thể về lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, ngoài những nguyên nhân thuộc chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và những nguyên nhân nội sinh khác, còn phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bên ngoài: giá lương thực thế giới đang tăng cao kéo theo giá trong nước tăng lên, đây là việc khó tránh, không chỉ đối với các nước nhập khẩu mà ngay cả đối với nước xuất khẩu như nước ta; thiên tai dịch bệnh còn diễn biến bất thường; giá xăng dầu, giá đồng đô la Mỹ đang biến động mạnh, rất khó dự báo; ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng tác động đến việc hình thành mặt bằng giá trong nước. Các yếu tố này đang diễn biến phức tạp và tác động đan xen trong khi thời gian đến cuối năm chỉ còn 7 tháng, rất khó có đủ căn cứ vững chắc để trình Quốc hội con số cụ thể về tốc độ tăng giá. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp nhận mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2008 là: “tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các biện pháp tổng hợp, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần” tạo cơ sở để đưa tốc độ tăng giá xuống một con số trong vài năm tới.

“Chúng ta không thể giảm nhanh lạm phát chỉ với những nỗ lực chủ quan. Mặt khác, để tránh những tác động bất lợi khác cho nền kinh tế cũng không nên giảm lạm phát một cách đột ngột”, Thủ tướng nhấn mạnh. 


Sẽ kiểm soát chặt chẽ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản

Một vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu Quốc hội, đã được gửi đến các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn kỳ này đó là vấn đề hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng cho biết, hiện nay cả nước có 8 tập đoàn kinh tế, 96 tổng công ty nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty chủ yếu hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, trong đó 74% công ty con là công ty cổ phần, đa sở hữu. Tuy hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh còn thấp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu; thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng mà khả năng thu hồi vốn chậm và các nhiệm vụ công ích ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Một số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và xây dựng được đội ngũ lao động kỹ thuật cao; đảm nhiệm được nhiều công việc trước đây vẫn phải thuê hoặc mua của nước ngoài.


Tính đến ngày 31/12/2007, tổng vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính, góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, công ty chứng khoán, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản là 7.370 tỷ đồng. Thủ tướng cho rằng đây là con số không nhỏ nhưng không cao so với vốn chủ sở hữu và tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.


Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận thức rõ rằng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, nắm giữ một khối lượng lớn tài sản quốc gia, chiếm tỷ trọng cao nợ nước ngoài và nợ các ngân hàng trong nước của khối doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước có ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì thế, hoạt động của khối doanh nghiệp này cần phải được giám sát chặt chẽ, đánh giá một cách đầy đủ, nghiêm túc, minh bạch thông qua kiểm toán độc lập, tin cậy nhằm nắm chắc thực trạng, có giải pháp kịp thời, phù hợp để khắc phục các yếu kém, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này trong công cuộc phát triển đất nước. Điều quan trọng là phải khẩn trương xác định rõ hơn các nội dung cụ thể về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, mà lực lượng quan trọng là doanh nghiệp nhà nước, để tránh sự mâu thuẫn, thậm chí tự mâu thuẫn khi sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong quá trình thực hiện đường lối của Đảng.


Chính phủ đang chỉ đạo chuẩn bị sơ kết việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế và xây dựng nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước. Trước mắt, kiểm soát chặt chẽ việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Đồng thời đẩy mạnh việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, trong đó biện pháp cơ bản là thực hiện có hiệu quả công tác cổ phần hoá, hình thành đa sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực và cơ chế quản lý năng động, tăng cường sự giám sát của cổ đông và xã hội, làm cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt nhất vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.


“Chính phủ hiểu và chia sẻ với khó khăn của xã hội”

Về trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Giá cả tăng cao làm cho đời sống của đại bộ phận dân số nước ta vốn đang thấp lại khó khăn thêm, nhất là những người nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Mỗi gia đình, mỗi người đang phải giảm bớt chi tiêu, vất vả lo toan cho cuộc sống hàng ngày. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với đồng bào và càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, càng phải ra sức phấn đấu quyết liệt để kiềm chế lạm phát”.


Những biến động vừa qua giúp Chính phủ nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tính phức tạp trong quản lý một nền kinh tế đang chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế; càng thấy rõ hơn những bất cập, yếu kém của mình; mỗi thành viên Chính phủ cũng có thêm những bài học mới, kinh nghiệm mới.


Chính phủ nhận thức rằng: thái độ nhận khuyết điểm tích cực và có trách nhiệm nhất là nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào những bất cập, yếu kém của mình với tinh thần thực sự cầu thị, kiên quyết khắc phục khuyết điểm, đồng thời phát huy ưu điểm, khẩn trương hành động với trách nhiệm cao nhất để đem lại những kết quả thiết thực trong cuộc sống. Việc Quốc hội đồng tình với báo cáo của Chính phủ đã tạo thêm niềm tin và quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra.


Sau 2 ngày tiến hành phiên họp xem xét việc giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, kết hợp với việc nghe trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, chiều nay hoạt động chất vấn của Quốc hội đã kết thúc. Phát biểu kết thúc 2 ngày chất làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra trong một không khí công khai, dân chủ, trách nhiệm và thẳng thắn theo đúng quy định của pháp luật và Nội quy của kỳ họp. Với 304 chất vấn của 133 đại biểu Quốc hội cùng với 1.008 ý kiến kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 2 gửi đến Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ, là rất đúng và rất trúng, đề cập thẳng vào những vấn đề bức xúc, quan trọng đang nổi lên, tác động đến đời sống kinh tế xã hội và sự quan tâm của nhân dân cả nước. Phần trả lời chất vấn của các vị Bộ trưởng và trưởng ngành cũng như của Thủ tướng Chính phủ cũng đã thẳng thắn và rất trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “đề nghị tất cả những gì chúng ta đã nói, đã hứa, cố gắng theo tinh thần "nói cố gắng đi đôi với làm" nếu nói ít làm nhiều càng tốt. Hy vọng sau kỳ họp này, sau phiên chất vấn này, chúng ta sẽ có bước tiến mới trong hành động thực tiễn, trong công việc cụ thể, thu được kết quả rõ rệt”.


Ngày thứ hai (2/6), Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe và thảo luận về Dự án Luật Đa dạng sinh học.

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek