Thứ Sáu, 29/11/2024 23:37 CH
Sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí: Càng sớm càng tốt
Chủ Nhật, 18/05/2008 15:32 CH

Chiều 16/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí.

 

080517-qh.jpg


Đa số ý kiến đại biểu cho rằng cần nghiên cứu một cách tổng thể, sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí để phát triển ngành dầu khí nước ta trên các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh sản phẩm từ dầu khí hoặc có thể sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí nhưng tập trung vào khâu tìm kiếm thăm dò khai thác và nếu được thì cả khâu chế biến (kết hợp sửa đổi, bổ sung năm 2000 với sửa đổi, bổ sung lần này thành Luật Dầu khí (sửa đổi); như vậy sẽ phù hợp với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, khắc phục tình trạng luật sửa đổi nhiều lần trong khoảng thời gian không dài.


Cũng có ý kiến cho rằng, thực tế phát triển ngành dầu khí những năm qua nảy sinh một số
bất cập cần sớm được khắc phục, như: việc gia hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt, vướng mắc trong đấu thầu hợp đồng dịch vụ dầu khí, thẩm quyền quản lý nhà nước về dầu khí... Do vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí để phù hợp với công tác quản lý nhà nước đối với ngành kinh tế đặc biệt nhạy cảm và quan trọng này trong tình hình mới.


Tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội cũng đã có một ngày thảo luận tại tổ về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí. Các đại biểu đều nhấn mạnh việc cần thiết phải sửa đổi luật này, bởi nguồn thu nhập từ dầu thô chiếm một tỷ lệ rất lớn đối với nguồn thu ngân sách hàng năm của Nhà nước. Trong khi đó, trên thế giới, dầu khí luôn là vấn đề nóng và thời sự hàng ngày. Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Viết Ngoạn (đoàn Khánh Hoà), dự kiến Việt Nam chỉ khai thác dầu đến năm 2020, nếu công tác xây dựng luật không tiến hành nhanh thì đến thời điểm đó trữ lượng dầu không còn nhiều, khi đó luật ra đời cũng ít ý nghĩa.


Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, cho đến nay mới chọn những vấn đề trên để sửa đổi, bổ sung vào Luật Dầu khí là muộn và không đủ, chỉ giải quyết được một số bất cập, cần phải chỉnh sửa ngay cho phù hợp với tình hình phát triển ngành dầu khí. Đại biểu kiến nghị, nếu trong kỳ họp này chưa thể sửa toàn diện được luật thì không nên tiếp tục kéo dài nữa mà phải dừng lại và suy nghĩ cách làm để hoàn chỉnh luật, trong đó có việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả khâu trung nguồn (vận chuyển, tàng trữ dầu khí) và thậm chí hạ nguồn (chế biến, kinh doanh sản phẩm xăng dầu).

                                                                                                                             
Về một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung khác của Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí, đại biểu Nguyễn Thúc Kháng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu ý kiến, để tránh có những cách hiểu khác nhau về nội dung đấu thầu trong lĩnh vực dầu khí, đề nghị bổ sung vào Điều 26 nội dung “Chính phủ sẽ quy định về đấu thầu và ký kết hợp đồng dịch vụ và mua sắm hàng hóa dầu khí”.


Về nội dung cho phép tiếp tục kéo dài thời gian tìm kiếm thăm dò hoặc thời hạn hợp đồng dầu khí, Dự thảo luật quy định trong trường hợp đặc biệt, việc cho phép tiếp tục kéo dài thời gian tìm kiếm, thăm dò hoặc thời hạn hợp đồng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đ
ại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng Quốc hội đã và đang đổi mới nhiều và đề nghị giao quy định này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chứ không phải Thủ tướng Chính phủ. Hay quy định chuyển thẩm quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ, cũng nên giao cho Quốc hội quyết định. Hợp đồng dầu khí có hiệu lực sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội cần giám sát những công việc này và thể hiện trách nhiệm của mình. Trong trường hợp cần thiết, phải đảm bảo thời hạn, có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Đại biểu đặt vấn đề,  những vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên của quốc gia, liên quan trực tiếp đến nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Quốc hội cần có sự giám sát, quản lý. Nếu đặt niềm tin vào Chính phủ, sau này trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Đại biểu tha thiết đề nghị Quốc hội cần đảm nhiệm trách nhiệm này để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật đã giao cho.


Về vấn đề này, đại biểu Cao Sỹ Kiêm lại cho rằng, đây là hướng đi đúng vì nếu giao thẩm quyền cho tập thể thì đối với những vấn đề cấp bách sẽ không thể đưa ra bàn thảo được sớm mà phải chờ có cuộc họp; nếu giao việc quyết định cho Thủ tướng sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện công việc.


Ngày thứ 2 (19/5), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội cùng một số tỉnh khác.

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek