Thứ Ba, 01/10/2024 22:29 CH
Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV vào cuộc sống, hướng đến Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng:
Một số tồn tại cần tháo gỡ để Phú Yên phát triển nhanh và vững chắc hơn(*)
Thứ Tư, 29/03/2006 08:41 SA

LTS: Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, đại biểu Đảng bộ thành phố Tuy Hòa đã trình bày bản tham luận hết sức tâm huyết và thẳng thắn với mong muốn không chỉ “Phú Yên phát triển nhanh và vững chắc hơn” mà còn vì “Đảng ta mạnh, dân ta giàu, chế độ ta mãi mãi tồn tại”. Nhân dịp cả tỉnh náo nức kỷ niệm 395 năm Phú Yên - 31 năm giải phóng quê hương và hướng đến Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng sẽ tiến hành tại Thủ đô Hà Nội từ 18 đến 25/4/2006, Báo Phú Yên xin trân trọng giới thiệu những nội dung chính của tham luận này.

 

Chủ trương đổi đất lấy cơ sở hạ tầng của tỉnh Phú Yên đem lại thành công lớn - Trong ảnh: Đường Hùng Vương một trong nhữn con đường đẹp nhất của TP Tuy Hòa được xây dựng từ chủ trương đúng đắn này - Ảnh: D.T.X

 

I- NHỮNG THÀNH TỰU ĐÁNG PHẤN KHỞI:

 

Phú Yên là một trong những tỉnh còn nghèo, thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, lại xa các trung tâm kinh tế lớn cả nước và khu vực. Thêm vào đó, thời gian qua tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, có lúc tình hình Tây Nguyên kém ổn định đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số huyện miền núi của chúng ta. Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh cũng thường xuyên xảy ra, gây nhiều tổn thất cho nhân dân, cho Nhà nước. Dù nhiều khó khăn như thế, nhưng nhiệm kỳ Đại hội 5 năm vừa qua (2001-2005) Phú Yên đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu:

 

- Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 19,6%; giá trị các ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,6%; nhịp độ tăng trưởng bình quân các ngành dịch vụ 12,1%; giá trị mặt hàng địa phương tham gia xuất khẩu 56,8 triệu USD; thu ngân sách địa phương năm 2005: 501 tỷ đồng; giải quyết việc làm bình quân 2,2 vạn người/năm; 3 năm cho 43.105 hộ nghèo vay 191 tỷ 290 triệu đồng…

 

Đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân ở nông thôn, miền núi, thành phố của tỉnh có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ búa, cơ sở văn hóa được xây dựng, nâng cấp. Nhà cửa phố xá được sửa sang, xây mới nhiều tầng, chẳng những ở thành phố, thị trấn mà ngay ở nông thôn, miền biển, miền núi cũng đang xuất hiện nhà nhiều tầng. Chính vì thế, nhân dân rất phấn khởi, yên tâm bỏ vốn ra sản xuất kinh doanh làm ăn thật sự; ngày càng có nhiều hộ kinh doanh lớn như: Thuận Thảo, Đức Tín, Hiệp Hòa v.v…

 

Đặc biệt, tỉnh đã hình thành 3 khu công nghiệp sản xuất kinh doanh có vốn đầu tư trong nước, ngoài nước ngày càng tăng. Các tuyến đường dọc, ngang mới, nối liền với các tỉnh bạn đã được mở ra: Sông Cầu - Quy Nhơn; Đông Tác – Vũng Rô – Bắc Khánh Hòa; Phú Lâm – Sông Hinh – Đắc Lắc, Tuy Hòa – Củng Sơn – Gia Lai; các tuyến ngang nối các huyện miền núi, đồng bằng, ven biển thông suốt nhau, tạo thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán, làm ăn, khắc phục được tình trạng thâm căn cố đế cứ đến mùa mưa lũ thì ách tắc giao thông giữa đồng bằng – miền núi, giữa huyện này và huyện khác. Những con đường này đã tạo ra một quỹ đất đai lớn, có giá trị kinh tế cao ở những vùng đất lâu nay hoang hóa, bãi cát trắng, đồi núi trọc như Bãi Ngà - Vũng Rô – Đông Tác, Sông Hinh – Cầu Đắc Phú, Sông Cầu – Xuân Hải – Bình Nông, Tuy Hòa, Long Thủy, An Hải – An Ninh… Đồng thời cũng tạo ra nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ mát vui chơi giải trí, tắm biển có cảnh quan đẹp, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư du lịch; tạo thêm nhiều khu dân cư mới đẹp, tạo nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, miền biển; làm thay đổi cả tập quán lâu đời ăn - ở chật chội mất vệ sinh của người dân ven biển; góp phần bảo vệ được an ninh tuyến biển, tuyến núi.

 

Những thành tựu quan trọng trên, không chỉ nhân dân cán bộ địa phương phấn khởi, khách qua lại gần xa đến Phú Yên đều khen ngợi, mà ngay các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương, Bộ Chính trị về thăm, làm việc với Phú Yên đều đánh giá cao những thành tích, những thay đổi mà Phú Yên đạt được.

 

Có được những thành tựu đó là do đường lối, chủ trương đổi mới đúng đắn của Đảng, sự lãnh đạo chỉ đạo sáng suốt của Trung ương, các bộ; sự hợp tác giúp đỡ của các địa phương láng giềng; sự đồng thuận và nỗ lực của nhân dân trong tỉnh, bỏ công bỏ của ra xây dựng quê hương, ngay những “đồng hương” Phú Yên ở khắp mọi miền đất nước cũng tham gia góp tiền, góp trí tuệ để xây dựng quê hương. Rất đáng kể là có sự lãnh đạo điều hành quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí chủ chốt.

 

Bên cạnh những thành tựu nói trên, trong nhiệm kỳ qua, Phú Yên cũng có không ít khuyết điểm cần được đánh giá một cách nghiêm khắc để khắc phục.

 

II- NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM TỒN TẠI CẦN KHẮC PHỤC

 

1- Về phát triển các khu công nghiệp và đổi đất lấy công trình:

 

Đây là một chủ trương lớn, mới, rất cần thiết, nhưng bắt đầu đã có hiện tượng phát triển tràn lan: Khu công nghiệp tỉnh, cụm công nghiệp huyện; cái đã có quản lý không nổi, dùng chưa hết, còn bỏ đất trống vì chưa có nhiều chủ đầu tư, lại bỏ công, bỏ sức, bỏ tiền của ra xây dựng khu công nghiệp mới, dẫn đến không phải san ủi những vùng đất cát, đất trống đồi núi trọc, mà cứ lấp cả ruộng lúa nước 2-3 vụ ổn định nhiều năm về thủy lợi, giao thông, thời vụ, đảm bảo chắc ăn sản lượng 5-7 tấn/vụ.

 

Đổi đất lấy công trình gì? Cách làm cũng dàn trải, tràn lan; mạnh huyện huyện làm, mạnh xã xã làm, cùng thi nhau lấp ruộng 2-3 vụ lúa nước, loại ruộng nhất đẳng điền dọc theo quốc lộ, tỉnh lộ, xã lộ… Trước đây lấp một ha ruộng phải được Thủ tướng ký cho phép, bây giờ cứ mệnh danh là “Đổi đất lấy công trình”, xã cũng lấp ruộng lúa nước được. Rồi cũng chính các huyện lấp ruộng lúa nước, phải vay vốn, xin vốn để mày mò khai hoang vỡ hóa, đào đất, lấp từng ổ nước trâu nằm, làm hồ chứa nước, làm đập, làm trạm bơm để lấy ruộng lúa nước cấp cho dân có làm ăn, mới cân đối đủ lương thực.

 

Thực tế cho thấy, nhân dân Phú Yên vẫn còn thiếu ruộng lúa nước, lương thực chỉ mới đắp đổi lúc mưa thuận gió hòa, còn khi có thiên tai thì Chính phủ phải lấy lương thực dự trữ cứu đói. Nếu không có số gạo dự trữ đó, thì tình hình thiếu đói sẽ diễn ra như thế nào? tình hình an ninh lương thực sẽ diễn ra ra sao? Nhân dân Việt Nam vốn quen ăn cơm, mắm cá chưa quen ăn bánh mì, bơ, sữa, thịt… chúng ta thi nhau lấy ruộng lúa nước 2-3 vụ để làm công nghiệp. Mà công nghiệp gì? Hiệu quả ra sao? giải quyết bao nhiêu lao động? Nuôi bao nhiêu người dân? cần phải tính toán kỹ lưỡng. Việc xây dựng nhà máy nước đá, nhà máy tiểu thủ công nghiệp, làm trụ sở, làm trường học, trạm xá,… chỗ này không làm được, ta làm chỗ khác; chúng ta còn biết bao nhiêu đất trống, đồi núi trọc có cần thiết làm trên ruộng lúa nước không? Tỉnh ta vừa có miền núi, trung du và ven biển, nên đồng bằng và ruộng lúa nước đâu nhiều như đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Hơn nữa trong tình hình hiện nay vấn đề nông nghiệp nông dân, nông thôn vẫn phải coi trọng…

 

2- Về xây dựng cơ bản:

 

Hội nghị nào cũng kiểm điểm, Trung ương, địa phương, đều nói như nhau: Đầu tư dàn trải, đầu tư tràn lan, đầu tư không hiệu quả, thu hồi vốn cũ chưa được… Nhưng càng nói, dàn trải càng nhiều, cái này chưa đủ vốn để dứt điểm, lại tiếp tục đầu tư công trình mới, có công trình kéo dài nhiều năm như cảng Vũng Rô, hồ chứa nước Đồng Tròn (Tuy An), hồ chứa nước Xuân Bình (Sông Cầu). Chủ đầu tư thiếu vốn vẫn cứ cho khởi công công trình mới; nhà thầu không có vốn, không có kỹ thuật, không đủ khả năng cứ đấu thầu, trúng thầu, đi vay không được vốn, cứ kéo dài công trình, bao nhiêu cũng được; khi không đủ khả năng làm nữa thì thay chủ thầu mới, bổ sung vốn.. Làm chắp vá như thế nên công trình làm chưa xong đã xuống cấp phải sửa chữa, hoặc công trình đang thi công đã bị rút ruột, hư hỏng, làm không đúng thiết kế, ăn bớt, ăn xén…

 

Cứu cho các công trình loại này là nhờ… trời. Năm qua Phú Yên lụt to, gió lớn, nên công trình nằm ỳ ra đó nham nhở, có lý do đổ cho trời làm nên không hoàn thành như: kè Bạch Đằng, cửa Đà Nông, đường Phước Tân – Bãi Ngà…

 

Vì sao duyệt thiết kế, duyệt công trình, duyệt vốn, cho đấu thầu có quy định ngày khởi công, sao không có quy định ngày hoàn công? Riêng thời gian ai chịu trách nhiệm cũng không rõ ràng. Cử ban quản lý, người quản lý công trình không chú trọng chất lượng, khi sai đổ cho trình độ năng lực cán bộ bất cập… Khi phát hiện khởi tố, truy tố để xử lý thì người nói đúng, kẻ nói sai, người nói nặng kẻ nói nhẹ, dẫn đến “mất đoàn kết nội bộ”: Đã mất tiền, mất cán bộ, mất thêm “đoàn kết nội bộ”.

 

3- Công tác xây dựng Đảng:

 

a- Công tác chính trị tư tưởng:

 

Lâu nay không phải ta không biết công tác chính trị tư tưởng là rất quan trọng. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, trong mỗi bước ngoặt, mỗi giai đoạn chuyển sang cái mới, đều phải thật chú ý công tác tư tưởng. Nhưng mấy năm gần đây ta làm công tác chính trị tư tưởng sơ sài, đơn giản, không đến nơi, đến chốn. Mỗi khi có chủ trương, có nghị quyết mới, lấy hình thức báo cáo nhanh để thay thế cho việc tổ chức học tập nghị quyết. Không có thảo luận, tranh luận, không liên hệ tình hình thực tế địa phương, đơn vị, không kiểm điểm, giải đáp thắc mắc, ai hiểu sao mặc kệ. Một nội dung nghị quyết, mỗi người hiểu khác nhau, già hiểu khác, trẻ hiểu khác, cán bộ đương chức hiểu khác, cán bộ về hưu hiểu khác, kẻ nói đúng, người nói sai, kẻ đi tới, người kéo lui, làm sao toàn Đảng, toàn dân đồng tâm hiệp lực, tạo ra sức mạnh tổng hợp được? Trong Đảng như thế, ngoài nhân dân làm sao hiểu đường lối chủ trương của Đảng.

 

Nhiều đảng viên cán bộ 40, 50, 60 tuổi Đảng họ hiểu chủ nghĩa xã hội khác, nói khác, làm khác – bây giờ đổi mới nói khác, làm khác, giải thích như thế nào? Đổi mới như thế nào? Ai nói với họ! Làm sao qua báo, qua đài, qua báo cáo nhanh giải quyết được những tư tưởng tồn tại, những băn khoăn lo lắng của họ. Những thông tin chính thống không ai cung cấp cho họ, hằng ngày lại đầy rẫy những thông tin vỉa hè, thông tin quán cà phê, thêm mặt trái của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, lối sống đồi bại, diễn ra hằng ngày ngang trái trước mắt họ, họ càng bực bội, nôn nóng, thiếu bình tĩnh, phát ngôn bằng cách này hay cách khác… Đảng đâu có nghe!

 

Cán bộ trẻ, cán bộ đương chức được học tập, bồi dưỡng đào tạo, họ hiểu được cái mới, nhưng họ ngại không gần cán bộ hưu trí, cán bộ lão thành cách mạng. Cán bộ cấp trên thì quá nhiều việc, mỗi lần về địa phương chỉ đủ thì giờ tiếp xúc với Thường trực, làm việc với Thường vụ… Đảng viên già vẫn hiểu theo cái cũ, làm theo cái cũ, làm sao thống nhất ý chí hành động. Trong Đảng như vậy, ngoài nhân dân còn khó khăn hơn nhiều, đây là vấn đề còn mắc mứu lâu dài.

 

b- Vấn đề chống tham nhũng, chống lãng phí:

 

Phải xác định ai tham nhũng, lãng phí? Nếu không xác định rõ đối tượng tham nhũng, lãng phí, thì ta chống chung chung và chỉ hô hào, chỉ bắt được con tôm, con tép, không bắt được cá lớn! Ban Nội chính với các ngành Trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học, tổng hợp lại tình hình từ trước đến giờ, để chỉ ra được đối tượng cơ quan nào, ngành nào tham ô nhiều, lãng phí nhiều; Nhưng đi sâu hơn, cụ thể hơn một tí nữa, theo tôi người tham ô, lãng phí lớn là người có chức, có quyền, nắm tiền. Nhưng nếu ai có chức, có quyền, nắm tiền đều tham ô, lãng phí hết, thì đất nước này, chế độ này không còn tồn tại. Phải xác định là chỉ một số người, một bộ phận nhỏ trong số đó (cấp càng cao tham nhũng càng lớn, lãng phí càng lớn, càng tinh vi và phức tạp). Do đó cấp nào phải quyết tâm chống cấp đó. Cấp trên nói và hướng dẫn cho cấp dưới chống thì hay, thì nhiều, thì dễ, nhưng nhìn cấp mình thì không ra sao, cho nên nói càng nhiều, nghị quyết càng nhiều, tham nhũng càng to, lãng phí càng lớn. Nói thì hay, làm thì dở, nên không ai sợ! Trụ sở ai đầu tư? Xe ô tô ai cấp? Điện thoại di động đủ kiểu ai thanh toán, ai trang bị? Đầu tư cơ bản ai duyệt? Cái này thiếu vốn không dứt điểm được, đầu tư cái khác ai làm, mỗi tỉnh hàng chục công trình dở dang, xin vốn làm dứt điểm không có, lại xin cái mới thì duyệt ngay; trụ sở vừa làm xong, thấy không đẹp làm lại, trang bị nội thất lỗi thời thay ngay… Cái đó mới lãng phí hàng tỉ này, tỉ nọ chứ huyện xã nếu có thì cũng không nhiều.

 

Việc tìm ra tham ô, lãng phí đã khó, nhưng khi đã tìm ra được rồi, xử lý lại càng khó. Cái này khởi tố, truy tố được, cái khác khởi tố, truy tố không được, cái này nặng, cái kia nhẹ, người thương kẻ ghét, làm sao chống tham nhũng, chống lãng phí, lại sinh ra vấn đề nội bộ: “mất tiền, mất người, mất đoàn kết nội bộ”.

 

Tham nhũng lãng phí là số ít, họ là người trong Đảng, của Đảng, trong cấp ủy, trong cơ quan, nhất cử nhất động cán bộ, chi bộ, cấp ủy đều biết, đảng viên đều biết, sao họ không dám đấu tranh, không dám nói, họ sợ gì? Sức chiến đấu trong Đảng quá kém, thì ngoài nhân dân làm sao chống tham nhũng, dám xây dựng Đảng?

 

d- Vấn đề cán bộ và luân chuyển cán bộ:

 

Đây là một chủ trương đúng, làm đúng là rất tốt, có lợi cho Đảng; cán bộ trưởng thành vừa nhanh vừa chắc. Trước đây nhiều lần muốn làm, nhưng làm chưa được, lần này Đảng quyết tâm làm là tốt, tôi hoàn toàn nhất trí.

 

Nhưng xem việc tổ chức thực hiện có tràn lan không? Làm theo yêu cầu, mục đích, có nghiên cứu một cách đầy đủ khách quan hay làm theo kiểu rập khuôn, máy móc? Làm để gọi là chấp hành chủ trương, nghị quyết, mục đích hay làm để ăn cánh, dẫn đến mất cán bộ, rối tổ chức? Một cán bộ chưa đầy một nhiệm kỳ đã điều chuyển 3-4 chức vụ, đến cơ quan chưa biết mặt hết cán bộ, đến huyện chưa biết hết tên thôn, tên xã đã luân chuyển đi nơi khác. Cán bộ đào tạo mặt này, giỏi mặt này điều đi làm mặt khác; cán bộ kỹ thuật điều đi làm hành chánh, làm quản lý, cán bộ thạo quản lý lại điều đi làm khoa học kỹ thuật, làm văn hóa, thông tin, làm tuyên huấn… Rốt cuộc sau một thời gian, kẻ nói này, người nói nọ, không biết bố trí làm việc gì… dẫn đến mất uy tín, mất cán bộ, có khi phải nghỉ hưu non. Cho nên, đánh giá cán bộ, tuyển chọn cán bộ phải thật dân chủ, công bằng, dùng cán bộ có đức có tài, loại bỏ cho được mọi quyết định độc đoán, áp đặt, chỉ chọn người thân quen để tạo ra bè cánh trong Đảng.

 

e- Vấn đề đoàn kết nội bộ:

 

Đây là vấn đề quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng. Qua kiểm điểm nhiệm kỳ, tất cả các đơn vị, địa phương trong tỉnh và ngay trong bản Báo cáo Chính trị của Đại hội này đều xác định nguyên nhân số I để đạt được những thành tích trên là do sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, sự đồng tâm hiệp lực giữa Đảng với dân. Đúng là như vậy!

 

Qua các cấp Đại hội, cá biệt một vài đơn vị, một vài đồng chí do cấp ủy dự kiến, nhưng Đại hội Đảng cấp đó bầu không trúng là việc bình thường. Xem xét thật khách quan, đúng mức, có khi việc bầu không trúng là đúng, ta cần rút kinh nghiệm, không được chủ quan.

 

Đến Đại hội cấp tỉnh hôm nay thì sao? Đúng gần 5 năm là đoàn kết nội bộ tốt, nên làm được những thành tựu quan trọng trên, nhưng gần đây lại nảy ra việc mất đoàn kết nội bộ, không phải trong Tỉnh ủy, cũng không phải trong Thường vụ Tỉnh ủy, mà mất đoàn kết thuộc các đồng chí chủ chốt, đang giữ vai trò quan trọng trong Đảng. Trung ương phải kiểm điểm đi lại nhiều lần, dẫn đến chậm trễ Đại hội Đảng bộ tỉnh so với các tỉnh bạn xung quanh và so với cả nước ta là một trong hai tỉnh cuối cùng.

 

Người ta nói “Nhà dột từ nóc dột xuống”. Dột chỗ nào thì sửa dễ, chỉ cần thay miếng ngói, miếng tranh là được, nhưng dột từ nóc dột xuống, nó ướt cả ruôi, mè, cột, kèo, có khi thấm cả nền nhà, không thể sửa chữa từng bộ phận được, mà phải dỡ cả nhà làm lại nhà mới. Xây dựng lại nhà mới ta phải thật quan tâm chất lượng cả ngôi nhà, nhưng phải đặc biệt chú ý đến việc xây dựng “nóc nhà” vừa thật đẹp, đồng thời phải vững chắc.

 

Qua vấn đề này, chúng ta phải rút ra một bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là không được chủ quan, tự mãn, xem thường nhân dân, xem thường đảng viên, cán bộ, đặc biệt là cán bộ hưu trí, cán bộ lão thành cách mạng. Chính các đồng chí về hưu, các đồng chí lão thành cách mạng mới biết nói, dám nói khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo, để sửa chữa ngay từ đầu, vì các đồng chí đó sắp đi theo Bác Hồ, các đồng chí đó không còn ham muốn gì hơn, chỉ ham muốn “Đảng ta mạnh, dân ta giàu, chế độ ta mãi mãi tồn tại”.

 

III- ĐỂ PHÚ YÊN PHÁT TRIỂN NHANH VÀ VỮNG CHẮC HƠN

 

… Từ những thành tựu đạt được trong 5 năm qua, 5 năm tới tiếp tục phát huy tác dụng sâu hơn, rộng hơn, tốt hơn, đặc biệt các dự án, các công trình mới hoàn thành năm 2005 và các dự án công trình sẽ hoàn thành, hoàn chỉnh năm 2006 – 2007 như: Thủy điện Sông Ba Hạ, Thủy điện Krông Hnăng, Thủy điện Đá Đen, cầu Hùng Vương, cầu Sông Ba, đường dọc tuyến biển từ Vũng Rô đến An Ninh, đến Xuân Thọ 2 (giáp Gành Đỏ quốc lộ 1). Hoàn chỉnh các thị trấn: Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa.

 

Khởi công xây mới khu phố mới Nam sông Đà Rằng (Phú Lâm), hoàn thành các khu du lịch sinh thái Núi Thơm, Mũi Điện, Gió Chiều,… đưa vào hoạt động các nhà máy mới xây dựng như: Nhà máy đóng tàu Đông Tác, Nhà máy lắp ráp ôtô An Mỹ… thì diện mạo và bộ mặt Phú Yên sẽ thay đổi, thu ngân sách của Phú Yên sẽ tăng nhanh; đời sống, công ăn việc làm, học hành, chữa bệnh cho nhân dân Phú Yên sẽ có bước phát triển đáng kể.

 

Những bài học đắt giá 5 năm vừa qua đã được đại hội kiểm điểm sâu sắc và sẽ rút kinh nghiệm sửa chữa. Cho nên các mục tiêu, chỉ tiêu của đại hội đề ra là có cơ sở, có căn cứ để đạt được. Tôi đồng ý với bản dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ.

 

Nhưng vấn đề quyết định cho sự thành công và thắng lợi của đề án đó là: “Bộ máy tổ chức, bộ máy lãnh đạo, người lãnh đạo phải có đầy đủ đức tài, kinh nghiệm lãnh đạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết gắn bó với nhân dân, với cán bộ, với Đảng bộ, với đồng hương, với bạn bè láng giềng để hợp tác giúp đỡ cùng làm ăn, cùng có lợi, biết tranh thủ sự chỉ đạo giúp đỡ của cấp trên, của Chính phủ, của các bộ. Không được chủ quan, tự cao, tự phụ cho mình là “thánh”, cái gì cũng hiểu, cũng giỏi, không cần tranh thủ ý kiến người khác; sống buông thả, phớt lờ, xem thường dư luận. Phải gắn bó với dân, thương yêu nhân dân, giúp đỡ nhân dân, không tiêu xài phung phí tiền của của nhân dân, các đồng tiền đóng góp của dân là mồ hôi, nước mắt, là máu thịt của dân nên khi sử dụng phải tính toán, cân nhắc như sử dụng đồng tiền của chính mình.

 

Những bài học, những kinh nghiệm, những vấp váp vừa qua phải thật sự nghiêm túc sửa chữa, không đổ lỗi người khác. Phải xây dựng một Đảng bộ, một Ban chấp hành, một Ban thường vụ thật sự đoàn kết, chân thật mà các đồng chí đứng đầu phải mẫu mực, một lòng một dạ với nhân dân, vì Đảng bộ, không được vì cá nhân, cục bộ địa phương, phe cánh; chống mọi biểu hiện mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, hoặc co mình không dám quan hệ với ai, để gọi là mình  “trong sạch” thì cũng không lãnh đạo được ai và cũng không biết gì để mà lãnh đạo.

 

Trong lúc đất nước đang hội nhập, đang mở cửa, đang tranh thủ kêu gọi vốn đầu tư trong nước, ngoài nước, đang huy động mạnh mẽ nội lực của nhân dân; co mình lại là “ép xác”, là chấp nhận đói nghèo. Người lãnh đạo phải thông thoáng, thông minh, tự chọn gạt bỏ cái không tốt, tìm cái tốt để làm ăn, để phát triển đó là người lãnh đạo khôn ngoan.

 

Trên đây là những lời tâm huyết, từ đáy lòng của người đảng viên cộng sản vừa đúng 60 tuổi Đảng phát biểu trước Đại hội Đảng bộ, thông tin hạn chế có gì chưa sát, mong đại hội thông cảm và chắt lọc cái đúng.

_____________________

(*) Đầu đề và các tít con do Tòa soạn đặt

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek