Thứ Tư, 02/10/2024 00:31 SA
Đại hội đoàn kết của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
Thứ Ba, 28/03/2006 15:22 CH

Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Các cấp các ngành phải nhận thức được vị trí chiến lược quan trọng của Tây Nguyên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời phải quán triệt sâu sắc đường lối chỉ đạo của Đảng là quyết tâm xây dựng Tây Nguyên thành một khu vực giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng và là vùng kinh tế động lực của miền Trung.

 

 

Sáng nay 28/3, tại Hội trường 2/9, thành phố Pleiku (Gia Lai), Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên đã khai mạc trọng thể với sự tham dự của Chủ tịch nước Trần Đức Lương; bà Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam cùng lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên.

 

Tham dự Đại hội lần này có 372 đại biểu chính thức đại diện cho 35 dân tộc đang sinh sống ở 5 tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai và Kon Tum. Trong đó, có 83 đại biểu là nữ, 44 đại biểu là chức sắc và tín đồ tôn giáo. Đại biểu cao tuổi nhất là cụ Blốc Êban (87 tuổi), người dân tộc Êđê của đoàn Đắc Lắc và đại biểu ít tuổi nhất là em H’ Rất (16 tuổi), người dân tộc M’Nông của đoàn Đắc Nông.

 

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hà Sơn Nhin – Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Gia Lai nhắc lại việc cách đây tròn 60 năm vào ngày 19/4/1940, chính tại nơi đây, hàng ngàn đại biểu đến từ các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam Trung bộ, đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam đã xúc động nghe đọc bức thư do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi đến Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam.

 

Ông nêu rõ, Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, người có tín ngưỡng tôn giáo với người không có tín ngưỡng tôn giáo.

 

 

Tại lễ khai mạc, ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam đã nêu rõ: Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã cùng với  người dân cả nước sát cánh cùng nhau tham gia kháng chiến chống lại kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội.

 

Tuy nhiên, trong thời bình, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ một thủ đoạn nào nhằm phá hoại cách mạng, chia  rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, xây dựng và sử dụng nhiều tổ chức phản động. Chúng tổ chức kích động quần chúng gây bạo loạn, tổ chức người trốn đi nước ngoài, lập ra cái gọi là Tin lành Đề Gia, nhà nước Đề Gia tự trị. Song những âm mưu, hành động tội ác đó đều bị thất bại trước tinh thần đoàn kết, yêu nước của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên...

 

Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là sau 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của Tây Nguyên.

 

Trong những năm qua, Tây Nguyên đã là một trong hai trung tâm sản xuất thuỷ điện lớn nhất của cả nước và trở thành vùng kinh tế cây công nghiệp lớn như: Cao su, cà phê, trà, hồ tiêu, hạt điều nổi tiếng ở trong nước và thế giới. Người dân Tây Nguyên đã thực hiện hai cuộc vận động lớn: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và Cuộc vận động Ngày Vì người nghèo do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Các cuộc vận động này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được cải thiện rõ rệt.

 

Các đại biểu tham dự đại hội

 

Chủ tịch Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn, sau Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên lần này, người dân Tây Nguyên tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương VII, khoá IX và Nghị quyết về các vấn đề phát triển Tây Nguyên.

 

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nêu rõ: Bên cạnh những thành tích đã đạt được của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong thời gian qua đối với công tác phát triển kinh tế-xã hội hiện nay ở Tây Nguyên, đặc biệt ở vùng miền núi, kinh tế vẫn còn chậm phát triển; tập quán canh tác ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn lạc hậu, vẫn còn tình trạng định canh, định cư chưa ổn định; kết cấu hạ tầng ở một số vùng, miền, vùng căn cứ địa cách mạng còn rất nhiều việc phải làm. Tỷ lệ đói nghèo ở Tây Nguyên vẫn còn cao hơn so với bình quân chung của cả nước; chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp, đặc biệt là đào tạo nghề; công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn… Hệ thống chính trị tuy đã được củng cố nhưng vẫn còn nhiều yếu kém, đội ngũ và chất lượng cán bộ dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu. Ở một số nơi còn hiện tượng truyền đạo không theo mục tiêu tín ngưỡng, không tôn trọng pháp luật. Các thế lực thù địch vẫn lợi dụng nhân dân để kích động, lôi kéo vào các hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho rằng: Để khắc phục những yếu kém và tiếp tục đưa Tây Nguyên phát triển hơn nữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc các tỉnh Tây Nguyên cần quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan ở trung ương và các tỉnh lân cận, tập trung làm tốt một số vấn đề cụ thể sau: Thứ nhất, các cấp các ngành phải nhận thức được vị trí chiến lược quan trọng của Tây Nguyên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời phải quán triệt sâu sắc đường lối chỉ đạo của Đảng là quyết tâm xây dựng Tây Nguyên thành một khu vực giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng và là vùng kinh tế động lực của miền Trung. Trên cơ sở đó, tập trung các nguồn lực để xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền trong cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện tốt chủ trương chính sách đại đoàn kết, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận từ trung ương đến cơ sở. Đây là nền tảng cơ bản cho sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên và của cả nước. Thứ hai, đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đồng bào vùng sâu, vùng xa.

 

Trong những năm trước mắt, Tây Nguyên cần tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, các dân tộc còn đặc biệt khó khăn, giải quyết ngay những vấn đề bức xúc về thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở… và tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường cơ sở khám chữa bệnh, cán bộ y tế cho các xã, bản, nâng cao công tác khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc. Thứ ba, chăm lo toàn diện hơn nữa cho sự nghiệp phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Thứ tư, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, buôn làng; kiên quyết khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân của một số cán bộ. Thứ năm, các địa phương Tây Nguyên phải thường xuyên nâng cao cảnh giác trước âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh tại chỗ để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tăng cường đảm bảo công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường yên bình cho nhân dân. Thứ sáu, tiếp tục xây dựng sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc Tây Nguyên đồng thời thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng và tôn giáo; kiên quyết ngăn chặn việc lợi dụng chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng để hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở đất nước ta.

 

Cũng trong sáng nay đã khánh thành công trình Cụm biểu tượng ghi tạc thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được hoàn thành đúng vào dịp khai mạc Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên.

 

Tối nay (28/3), tại Sân vận động Pleiku (Gia Lai) diễn ra Lễ đón Bằng công nhận “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” là kiệt tác truyền khẩu, Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại của UNESCO, do Bộ Văn hoá-Thông tin và UBND tỉnh Gia Lai tổ chức.

 

Theo VOV

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek