Hôm nay (10/5), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII làm việc tại Hội trường, thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2006; Thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và việc thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.
Đại biểu Hoàng Thị Hạnh (đoàn Bắc Giang) phát biểu ý kiến
Hôm qua, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về các Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2007; triển khai nhiệm vụ kế hoạch và tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm 2008 và kết thúc với nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, tích cực trên tinh thần xây dựng.
Thảo luận tại Hội trường, phần lớn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn với nội dung xin giảm chỉ tiêu tăng trưởng; vấn đề tăng đầu tư cho người nghèo, vùng khó khăn; vấn đề lạm phát gia tăng chóng mặt; hay hoạt động của các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty thời gian qua còn nhiều bất cập…
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã bao quát trên các lĩnh vực, thể hiện được ý chí nguyện vọng cũng như ý kiến của cử tri và nhân dân ở mọi vùng, miền đất nước. Các đại biểu Quốc hội cho rằng khi đánh giá tình hình cần chú ý đầy đủ, sâu sắc, thực chất và toàn diện cả hai mặt: yếu tố tích cực và những tồn tại, yếu kém, không tích cực, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, như thế mới đưa ra được những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tế cuộc sống.
Cụ thể, phải tổ chức có chất lượng hệ thống cung cấp thông tin cả tình hình đã qua và dự báo một cách có hệ thống, bảo đảm chính xác. Dự báo có tầm nhìn xa sẽ là những căn cứ quan trọng để quyết định các chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu và các giải pháp đúng. Bên cạnh đó, cần xác định rõ nhiệm vụ phân công cụ thể đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với việc xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, rất cần có sự kết hợp giữa các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, đề cao ý thức chấp hành chủ trương trong chỉ đạo, điều hành, nói phải đi đôi với làm; làm hết trách nhiệm và làm đến cùng. Khi đã nhận thức đúng, kịp thời ban hành và thực thi kiên quyết các giải pháp, các cơ chế chính sách, đảm bảo các cơ chế chính sách sớm vào đời sống thực tiễn, khắc phục tình trạng chậm trễ trong tổ chức thực hiện.
Trong phần thảo luận chiều nay, các đại biểu tiếo tục đóng góp nhiều ý kiến về việc tổ chức, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008 của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật; mặt tích cực, tồn tại yếu kém và nguyên nhân trong chỉ đạo điều hành việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch được giao của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong những tháng đầu năm 2008; cho ý kiến về việc Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh theo hướng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung ưu tiên chống lạm phát, phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp, bảo đảm an sinh xã hội; 8 nhóm của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát; điều chỉnh một số chỉ tiêu cơ bản…
CẤN CÓ CƠ QUAN CHUYÊN TRÁCH LÀM CÔNG TÁC DỰ BÁO
Đưa ra những dẫn chứng về cơn sốt giá gạo gần đây, giá dầu thế giới tăng cao, rồi sự mất giá của đồng USD…, các đại biểu bày tỏ thái độ bức xúc đối với công tác dự báo của Chính phủ. Các đại biểu cho rằng sở dĩ có sự yếu kém đó là do sự chủ quan và thiếu sự quan tâm đúng mức đối với công tác dự báo.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) cho rằng qua cơn sốt gạo vừa rồi có thể thấy rõ sự kém cỏi của công tác dự báo, sự lúng túng của cơ quan chuyên ngành. Trong tình hình giá cả thế giới đang xáo trộn bất thường, mùa mưa đến có thể sẽ kéo theo thiên tai, dịch bệnh trong nước, tình hình đó sẽ dẫn đến một hay vài cơn sốt nào đó. Nếu công tác dự báo, quản lý thị trường và sự phối hợp hành động của các lực lượng chức năng tốt sẽ phòng tránh được các cơn sốt như cơn sốt gạo vừa qua. Hoặc để hành động hạ sốt thật nhanh gọn, bảo đảm bình ổn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hoà) quan tâm tới vấn đề thời gian tới những yếu kém trong công tác dự báo sẽ được khắc phục ra sao khi mà Chính phủ đã nhìn nhận ra những yếu kém đó. Cụ thể, cuối tháng 6 này sẽ hết thời hạn áp dụng lệnh của Chính phủ không tăng giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, điện…) vậy diễn biến thị trường sẽ ra sao, khả năng xấu nhất và tốt nhất, ảnh hưởng của những khả năng đó sẽ như thế nào.
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên- Huế) cho rằng không chỉ Chính phủ mà cả Quốc hội đều coi trọng không đúng mức công tác dự báo trong phát triển kinh tế. Đồng thời dẫn chứng, giữa năm 2007 một số lượng tiền lớn được bỏ ra để mua đô la, nhưng điều đáng nói là khi tung ra một lượng tiền lớn nhưng lại không có một dự báo nào về khả năng lạm phát, nên không có giải pháp thích hợp để thu hồi về trong thời gian đó. Đến khi lạm phát gia tăng, các ngân hàng ban hành nhiều biện pháp cứng rắn nhưng dù sao thì lạm phát đã tăng cao và gây nhiều thiệt hại cho kinh tế, xã hội. Điều này cho thấy chúng ta chưa thật sự quan tâm đến công tác dự báo trong điều hành phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt trong điều hành biến động giá cả.
“Để làm tốt công tác dự báo, cần có sự đánh giá về thực trạng, xem xét công tác dự báo còn yếu kém ở khâu nào và sử dụng thông tin dự báo như thế nào để rút kinh nghiệm”. Đưa ra ý kiến này, đại biểu Đồng Hữu Mạo cho rằng cần có một cơ quan thực sự chuyên trách để làm công tác dự báo, có đội ngũ nhân lực đủ khả năng dự báo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ các giải pháp để chủ động trong đối phó với những tình hình phức tạp và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về chất lượng công tác dự báo của đơn vị mình.
CẢ QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ ĐỀU PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) thắng thắn thừa nhận chưa làm hết trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng bản thân 492 Đại biểu Quốc hội cũng cần thấy rõ trách nhiệm của bản thân mình trong tình hình kinh tế- xã hội trong 4 tháng vừa qua. Bởi khi đã giơ tay biểu quyết kế hoạch của Chính phủ đưa ra thì đại biểu Quốc hội cũng phải có trách nhiệm bởi quyết định của mình chứ không thể đổ hết cho Chính phủ.
Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cho rằng, việc Chính phủ đã nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ yếu kém, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, coi đây là nguyên nhân chủ quan trực tiếp dẫn đến những ảnh hưởng xấu của tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua là rất tốt, tuy nhiên Chính phủ cần chỉ rõ cá nhân, tập thể, Bộ ngành nào chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, yếu kém đó để tìm cách khắc phục, tức là cần phải có địa chỉ cụ thể của cơ quan, ban, ngành chịu trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) mong muốn Chính phủ phê bình thẳng thắn hơn nữa, cụ thể hơn nữa, tức là chỉ rõ đâu là trách nhiệm của tập thể Chính phủ, đâu là trách nhiệm của một số thành viên Chính phủ. Cử tri cũng đòi hỏi Quốc hội, Ủy ban thẩm tra của Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội phải tự nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của mình trước cử tri về việc tham gia biểu quyết những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không sát với thực tế.
H.K (tổng hợp)