Lòng yêu nước là một phạm trù đạo đức chung của nhân loại. Đối với dân tộc ta, một dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm bị nước ngoài đô hộ, suốt chiều dài lịch sử đã phải hàng chục lần đứng dậy chiến đấu chống xâm lược, mà cuộc kháng chiến nào lúc đầu lực lượng cũng kém hơn kẻ địch, nhưng cuối cùng dân tộc ta đều chiến thắng, quốc gia, dân tộc vẫn trường tồn.
Đoàn viên thanh niên ngày càng có nhiều hoạt động vì cộng đồng. Trong ảnh: Các bác sĩ trẻ Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Phú Yên khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số – Ảnh: L.VĂN
Vì vậy lòng yêu nước của dân tộc ta trở thành chủ nghĩa yêu nước, nó không chỉ là một tình cảm bình thường mà là tình cảm thiêng liêng, là ý chí sắt đá, sức mạnh vô địch của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một di sản vô cùng quí giá của dân tộc, được phát huy từ đời này qua đời khác; từ ngày có Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thêm một nội hàm mới: yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn liền nhau.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đối với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặt vấn đề giáo dục lòng yêu nước lên hàng đầu. Mới đây, phát biểu trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nói: “Trước hết, các đồng chí phải thường xuyên coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí chiến thắng đói nghèo, lạc hậu để xây dựng đất nước phồn vinh...”.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Đại hội Đoàn lần thứ IX, đã nêu mục tiêu chung của công tác Đoàn và phong trào thanh niên, thiếu niên là: Tăng cường bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức công dân, lý tưởng và đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, xây dựng Đoàn vững mạnh, tích cực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh, thiếu nhi; phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam, xung kích sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Giáo dục, nâng cao lòng yêu nước, lý tưởng và đạo đức cách mạng cho thanh niên là việc làm thường xuyên, lâu dài, nhưng trong tình hình hiện nay lại trở thành cấp bách vì thanh niên đang bị nhiều luồng tư tưởng sai trái, lệch lạc và lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, sống sa đọa trụy lạc... tác động vào làm cho một bộ phận xa rời truyền thống dân tộc, thờ ơ với chính trị, đua đòi theo lối sống thực dụng ích kỷ. Đoàn cần phối hợp với gia đình, nhà trường và toàn xã hội, bằng nhiều hình thức sinh động, phù hợp với từng đối tượng, để giáo dục và bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước. Vừa qua, trong thanh niên học sinh, sinh viên có tình trạng sai lầm, lệch lạc là coi nhẹ các môn văn học, lịch sử, chỉ chú trọng các môn khoa học tự nhiên, tin học, ngoại ngữ. Bác Hồ kính yêu đã từng dạy:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt
Không hiểu lịch sử dân tộc, không thấm đẫm những trang sử hào hùng của cha ông từ trong máu thịt, thì làm sao có thể nâng cao được lòng yêu nước để sẵn sàng bảo vệ chủ quyền dân tộc, vượt qua mọi thách thức xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai cùng các nước trên thế giới?
Cách đây mấy hôm, một “cậu tú” - tốt nghiệp lớp 12 bà con ở quê gọi là đỗ tú tài – bỗng hỏi tôi: Trong bài “Ba người lính già và Tết Mậu Thân 1968” của nhà báo Xuân Luật (báo Phú Yên thứ sáu 22/2/2008) có 2 câu thơ: “Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong”, chuyện Nguyên Phong là chuyện gì vậy chú? Không có sách vở, tôi đành trả lời “cậu tú” theo trí nhớ: Nguyên Phong là quốc hiệu nước ta thời nhà Trần. Đây là thời kỳ oanh liệt trong lịch sử, dân tộc ta đã ba lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông, giữ vững nền độc lập, tự chủ. Các người lính già, mấy chục năm sau, đầu đã bạc, vẫn không thể nào quên những năm tháng anh dũng ấy, và kể lại cho con cháu nghe.
Vị vua thứ bảy đời Trần là Trần Dụ Tông có bài thơ rất hay như sau:
Đường, Việt khai cơ lưỡng Thái Tông
Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong
Kiến Thành tru tử, An Sinh tại
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.
Tạm dịch:
Đường, Việt mở mang sự nghiệp, bởi hai vua hiệu Thái Tông
Đường xưng Trinh Quán, Việt xung Nguyên Phong
Kiến Thành bị giết, An Sinh sống
Miếu hiệu (của 2 ông vua) tuy đồng, nhưng đức chẳng đồng.
Kiến Thành (em ruột Đường Thái Tông) bị giết vì Đường Thái Tông sợ em cướp ngôi. Còn ở ta An Sinh vương Trần Liễu (anh ruột Trần Thái Tông) nổi lên chống lại triều đình, bị bắt, Trần Thái Tông không giết, trái lại còn cấp cho một vùng đất rộng lớn để lập thái ấp riêng. Chủ nghĩa yêu nước Việt
Năm nay, mở đầu việc nghiên cứu và triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn lần thứ IX, tuổi trẻ có thuận lợi là cùng với các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng trước đây như “Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20”, “Làm theo lời Bác”..., chúng ta sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân đưa cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu trong mọi tầng lớp thanh niên, đạt hiệu quả to lớn hơn thiết thực hơn. Năm nay là dịp nhân dân ta tiến hành kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, Đoàn ta cũng sẽ có điều kiện để giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước, lập nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, lao động sản xuất, góp phần quan trọng cùng toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, xứng đáng với tổ chức được mang tên Bác Hồ vĩ đại.
BẰNG TÍN