Thứ Tư, 25/09/2024 04:24 SA
Chống hai chứng bệnh “chủ quan” và “hẹp hòi”
Thứ Hai, 17/03/2008 13:22 CH

Tháng 10/1947, trước những nhiệm vụ to lớn và bức thiết của những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác củng cố và xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước trong sạch vững mạnh. Người đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để giáo dục cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

 

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi... Đó là hai chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, T5-NXBCTQG, H 1995, tr 233).

 

Bệnh chủ quan: Chủ quan đối lập với khách quan, là cái thuộc về ý thức, ý chí của con người. Chủ quan còn có nghĩa là con người tự khẳng định mình bởi năng lực nhận thức quy luật, nhận thức hiện thực khách quan, trên cơ sở đó mà cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội, cải tạo chính bản thân mình. Nhưng quá đề cao ý chí, quá đề cao suy nghĩ một chiều của cá nhân, chỉ dựa vào ý chí, dựa vào tình cảm, không tôn trọng quy luật, bất chấp quy luật khách quan để hành động, thì đó là “bệnh chủ quan”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”. (Sđd tr233).

 

Kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông, đó là những biểu hiện và là một thực tế không chỉ tồn tại trong cán bộ, đảng viên trước cách mạng ở nước ta, mà trong công cuộc đổi mới hiện nay, tình trạng đó vẫn còn tồn tại. Lý luận suông sẽ dẫn đến tác hại là nói không đi đôi với làm; hoặc nói nhiều làm ít. Cán bộ, đảng viên mà lý luận suông là không làm tròn vai trò tiền phong gương mẫu của mình, sẽ làm mất uy tín của Đảng, giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

 

Bệnh hẹp hòi: Theo Bác Hồ, bệnh hẹp hòi là: “Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân” (Sđd – tr 236). Biểu hiện của bệnh hẹp hòi là chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, của cá nhân mình, không thấy lợi ích chung của tập thể, chỉ muốn đem lợi ích của tập thể phục vụ cho bộ phận mình, cho cá nhân mình. Từ bệnh hẹp hòi mà sinh ra nhiều thứ bệnh khác như chủ nghĩa cục bộ địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa độc đoán, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi; đố kỵ với người trung thực, thẳn thắng, bệnh hủ hóa, dối trá... Sinh thời, Người thường nói: “Hiện nay chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.

 

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phân tích: “Bệnh hẹp hòi đối ngoại”, đó là thứ bệnh đảng viên xa rời quần chúng, cách ly với quần chúng, vì những cán bộ, đảng viên đó có “bệnh tự tôn, tự đại, tự cao, khinh rẻ người ta; không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác”. Đó là “bệnh hẹp hòi hạng nặng”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước... Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy, ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được xa rời dân chúng, rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên không làm nổi. Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết xử trí khôn khéo các hạng đồng bào (Sđd tr238).

 

Lịch sử không chấp nhận bất kỳ một biểu hiện nào của chứng “bệnh chủ quan” và “bệnh hẹp hòi”; nhưng hai chứng bệnh nguy hiểm trên vẫn đã và đang xuất hiện trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thành quả của cách mạng và uy tín của Đảng ta, Nhà nước ta.

 

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây 61 năm, nhưng vẫn còn tính thời sự nóng hổi. Vì vậy, việc đấu tranh chống “bệnh chủ quan” và “bệnh hẹp hòi” là việc làm thường xuyên của mọi cán bộ, đảng viên, nhằm làm cho Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch vững mạnh, bảo đảm hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng như mong muốn của Bác Hồ.

 

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek