Thứ Năm, 26/09/2024 00:27 SA
Thông cáo phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII
Thứ Hai, 03/03/2008 14:42 CH
Từ ngày 25/2 đến 1/3/2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thứ sáu tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Tham dự phiên họp có thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 Luật, cho ý kiến 10 dự án Luật; xem xét, cho ý kiến một số báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; các báo cáo giám sát chuyên đề; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo kết quả chất vấn của đại biểu Quốc hội và một số vấn đề quan trọng khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, sớm có kế hoạch để triển khai các công việc chuẩn bị cho kỳ họp; khắc phục mọi khó khăn để kỳ họp được thực hiện đúng tiến độ; bảo đảm chất lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các dự án: Luật công vụ, Luật bảo hiểm y tế, Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam(sửa đổi), Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và một số vấn đề lớn của dự án Luật năng lượng nguyên tử.

Về dự án Luật Công vụ: Chế độ công vụ, công chức là nội dung quan trọng trong hoạt động của nền hành chính quốc gia. Công vụ, công chức vừa là đối tượng của quá trình đổi mới, cải cách, vừa là thước đo của quá trình đổi mới, dân chủ hóa đời sống xã hội

Qua hơn 20 năm đổi mới, hoạt động công vụ, công chức đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền hành chính nhà nước, tạo tiền đề cho việc hội nhập sâu rộng trên lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động này còn một số hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, nhất là ở các cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của nhân dân và doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến, chế độ tiền lương chưa phản ánh đúng giá trị và đóng góp của cán bộ, công chức. Do đó, việc ban hành Luật là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao đời sống cán bộ, công chức, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho nền công vụ.

Về dự án Luật Bảo hiểm y tế: Bảo hiểm y tế là một trong những loại hình bảo hiểm xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chủ yếu là diện bắt buộc; chính sách bảo hiểm y tế tự nguyện chưa sát với thực tiễn, thiếu tính ổn định; mức đóng không được điều chỉnh kịp thời so với mức độ gia tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật cao, chưa tương xứng với việc điều chỉnh mức đóng, nhất là đối tượng được ngân sách nhà nước bảo đảm, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về chính sách bảo hiểm y tế chưa được coi trọng; tính chuyên nghiệp; chuyên môn hóa cao về bảo hiểm y tế chưa cao. Trước những yêu cầu đó, cần có văn bản có hiệu lực pháp luật cao để thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo vệ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, đẩy mạnh quá trình bảo hiểm y tế toàn dân; đáp ứng yêu cầu khách quan của sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tiến tới hoàn thiện bảo hiểm y tế toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi đề đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về dự án Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi): Qua hơn 7 năm thực hiện, Luật hiện hành đã có bước đi sát với thực tiễn và cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dưng đội ngũ sĩ quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số vấn đề còn chưa phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ sĩ quan quân đội trong thời kỳ mới; đảm bảo chế độ, chính sách, tính hợp pháp và nhất quán với các văn bản bản luật hiện hành...

Về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: Pháp lệnh hiện hành đã tạo khung pháp lý tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh về xử lý vi phạm hành chính, góp phần quan trọng trong đảm bảo trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội và hiệu lực trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước, quản lý xã hội. Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân, đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong xử lý nhanh chóng, công minh, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập về áp dụng các biện pháp ngăn chặn vào bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Do đó, cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh để kịp thời khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trong tình hình hiện nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ số vượt thu ngân sách năm 2007 so với báo cáo Quốc hội; về phương án phân bổ, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008.

Về phương án phân bổ số vượt thu ngân sách năm 2007: Năm 2007 vừa qua, nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, thu ngân sách tuy chưa bền vững nhưng vẫn vượt dự toán so với báo cáo Quốc hội. Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án phân bổ số vượt thu ngân sách năm 2007 tập trung vào thưởng vượt thu dự toán và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù; ưu tiên cho hỗ trợ đền bù, tái định cư cho các tỉnh sau phân giới cắm mốc biên giới; hỗ trợ cho các địa phương bị giảm thu cân đối ngân sách và các tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển... Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo an toàn chung của nền tài chính quốc gia.

Về phương án phân bổ, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008: Tính chất nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nước ta là vốn vay để đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở đặc biệt quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành nguyên tắc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008 như Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, năm 2008 tập trung vốn để sớm hoàn thành các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, bệnh viện tuyến huyện... Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư các tuyến đường tuần tra biên giới. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá chất lượng đầu tư các công trình; khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, phân tán manh mún, gây lãng phí; điều chỉnh bố trí vốn và thanh toán; tiếp tục nghiên cứu sử dụng cơ chế vốn trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia để đầu tư cho giáo dục và y tế...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch triển khai thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ bảy (3-2008) của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, Ban công tác đại biểu có trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp và lựa chọn nội dung chất vấn; chủ động dự kiến nội dung và danh sách người trả lời chất vấn để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan Quốc hội. Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Quốc hội là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Quốc hội. Qua 4 năm thực hiện, Quy chế mới chỉ dừng lại ở những quy định chung, chưa bao quát và giải quyết được các vấn đề cụ thể trong quá trình triển khai hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và của Văn phòng Quốc hội.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số công việc khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek