Thứ Năm, 28/11/2024 06:38 SA
Trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác Hồ
Chủ Nhật, 10/02/2008 07:00 SA

Trong cuộc hội thảo khoa học, nhân kỷ niệm 60 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác Hồ tổ chức tại Hà Nội vừa qua, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Vì ai mà làm? Đối ai phụ trách? Hồ Chí Minh đã đặt nhân dân là đối tượng trọng tâm của việc “Sửa đổi lối làm việc”.

 

Bac-Ho.jpg

Bác Hồ với các cháu thiếu - Ảnh: TL

 

Điều này cũng có nghĩa là Hồ Chí Minh nêu rõ trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân khi làm bất cứ một việc gì. Đây cũng chính là tư tưởng quan trọng xuyên suốt toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân, vì nước của Người, là một yêu cầu đặt ra đối với người cán bộ, đảng viên trong mọi thời kỳ, ở từng công việc. Nhất là hiện nay khi chúng ta đang triển khai sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì điều này càng phải nhận thức đầy đủ và được thể hiện trong thực tiễn”.

 

Trách nhiệm trước nhân dân của người cán bộ, đảng viên điều tưởng như bình thường, nhưng lại hết sức quan trọng, bởi lẽ:

 

Đây là vấn đề liên quan đến từng tổ chức, từng cán bộ, liên quan đến nhận thức và hành động hằng ngày, ở mọi nơi, mọi lúc. Nếu nhận thức không đầy đủ vấn đề này thì trước sau cũng sẽ phạm sai lầm, quần chúng sẽ xa lánh, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân, thậm chí còn dẫn đến những căn bệnh như: kiêu ngạo, coi thường quần chúng, chủ nghĩa cá nhân, trở thành “quan cách mạng”… rất nguy hại như Bác Hồ nói.

 

Đây cũng là vấn đề, mà Bác Hồ đã từng chỉ rõ bởi “một lẽ giản đơn, rõ ràng”: Đã là cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng, Nhà nước thì phải làm việc cho dân, cho nước, phải có trách nhiệm đối với dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi, công sức của dân làm ra. Vì vậy, chúng ta có trách nhiệm phải đền bù một cách xứng đáng. (Bác Hồ).

 

Sau khi giành được chính quyền cách mạng, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên đều phấn đấu vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân, xác định được trách nhiệm của mình trước nhân dân, nhưng cũng còn không ít cán bộ, đảng viên không hiểu và không làm được điều “giản đơn, rõ ràng” nói trên. Họ luôn nói: “Bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm”, nhưng thực tế họ chỉ nghĩ tới bản thân, gia đình, họ hàng mình trước; nghĩa là họ chỉ lo thu vén cho cá nhân, không hề quan tâm tới lợi ích của nhân dân, tập thể và cách mạng. Bởi vậy, để trả lời câu hỏi Bác nêu: Vì ai mà làm? Đối ai phụ trách? Đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm trước nhân dân. Câu Bác nêu lên trong “Sửa đổi lối làm việc”, cách đây đã 60 năm nhưng hiện nay vẫn có ý nghĩa thiết thực và mang tính thời sự sâu sắc.

 

Mặt khác, chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng đắn trách nhiệm trước nhân dân thì mới tìm được những biện pháp thực hiện đúng, tránh được những khuyết điểm, sai lầm mà người cán bộ, đảng viên thường mắc phải như: bệnh quan liêu, mệnh lệnh, hình thức, xa rời quần chúng, mất dân chủ…

 

Thực tiễn cách mạng mấy chục năm qua ở nước ta đã cho thấy rõ bài học và kinh nghiệm này. Tình hình phức tạp ở một số địa phương xảy ra vừa qua càng cho ta thấy thấm thía điều đó.

 

Nêu lên tư tưởng quan trọng của Bác Hồ về trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân, được thể hiện trong “Sửa đổi lối làm việc” và trong nhiều tài liệu, bài nói của Người chính là để mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn, nhất là thực hiện đúng và hiệu quả hơn trách nhiệm của mình đối với công việc được Đảng và nhân dân giao phó, góp phần ngăn chặn những mặt trái của cơ chế thị trường đang hằng ngày, hằng giờ tác động vào mỗi người.

 

Một điều quan trọng nữa là: Xác định rõ trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng chính là thể hiện lòng tin tuyệt đối vào quần chúng. Bởi quần chúng nhân dân không chỉ là lực lượng cách mạng to lớn mà còn là nguồn trí tuệ dồi dào, sáng suốt nhất. Bác Hồ từng chỉ ra rằng: “Có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Nghĩa là:

 

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

 

Tóm lại, theo tư tưởng của Người: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì chúng ta phải có gan đề nghị cấp trên bỏ đi hoặc sửa lại”. Và do đó, mỗi cán bộ, đảng viên làm việc gì, ở đâu, cũng phải có trách nhiệm trước nhân dân.

 

Điều này Bác Hồ đã nói từ lâu, và nói nhiều lần. Nêu lên những nội dung được Bác Hồ viết trong “Sửa đổi lối làm việc” để chúng ta hiểu rõ thêm tầm quan trọng của vấn đề này trong tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó làm tốt trách nhiệm “người đầy tớ” của dân, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu như Người từng căn dặn và mong muốn.

 

XUÂN THÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek