Thứ Sáu, 27/09/2024 22:22 CH
Kỷ niệm 35 năm ngày Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết (27/1/1973 – 27/1/2008)
Hiệp định Paris - Một thắng lợi ngoại giao tuyệt vời
Chủ Nhật, 27/01/2008 10:01 SA

Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968-1973) là một cuộc đấu tranh ngoại giao lớn và dài ngày nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta, với tổng cộng 202 phiên họp chính thức, 14 phiên trù bị và 22 cuộc gặp riêng của các cố vấn đặc biệt các bên. Riêng hội nghị toàn thể 4 bên có 174 phiên. Ông Lý Văn Sáu, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris là người phát ngôn của Phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp định Paris, ông đã trả lời phỏng vấn báo chí.

 

080125ongsau1.jpg

Ông Lý Văn Sáu tại Hội đàm Paris 1973

 

* Thưa ông, Hiệp định Paris đạt được kết quả sau hơn 4 năm 8 tháng. Nếu có thể nói vắn tắt về thắng lợi này, ông sẽ nhận xét gì?

 

- Hiệp định Paris đạt được sau 4 năm, 8 tháng và 16 ngày. Hiệp định ký lúc 11g30 ngày 27/1/1973 tại Paris.

 

35 năm trước, cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến tranh lớn duy nhất, dài nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Đối với Mỹ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà nước Mỹ dính vào một cuộc chiến tranh lớn, xa đất nước mình. Đây là cuộc chiến tranh sa lầy đầu tiên trong lịch sử mấy trăm năm của nước Mỹ. Cuộc chiến tranh ấy đã trở thành tiêu điểm của dư luận thế giới, mối quan tâm của loài người lúc bấy giờ. Người ta gọi cuộc chiến tranh ấy là cuộc chiến tranh bẩn thỉu. Đối tượng của cuộc chiến tranh ấy là một dân tộc nhỏ bé, là dân tộc Việt Nam, lúc bấy giờ đã trở thành lương tri của loài người, trái tim của nhân loại. Người ta nhìn về cuộc chiến tranh ấy như cuộc chiến đấu giữa chàng bé con David và người khổng lồ Goliath. Cuộc chiến tranh nào rồi cũng kết thúc, bên thắng bên bại. Cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam kết thúc bằng Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Mục đích của những người đứng ra thương lượng là chấm dứt cuộc chiến tranh đó, lập lại hòa bình ở một đất nước đã quá đau khổ vì chiến tranh. Hiệp định này đạt được sau một thời gian dài, không thua gì một cuộc chiến tranh.

 

Cuộc đàm phán Hiệp định Paris là cuộc đấu tranh ngoại giao lớn nhất, dài nhất trong thế kỷ XX. Mục đích của nhân dân Việt Nam là quyết tâm giành cho được độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình, quyền lợi thiêng liêng của dân tộc. Mỹ thì cũng cố gắng để đạt được mục đích của họ là đặt Việt Nam trong ảnh hưởng của họ. Và trên bàn đàm phán ở Paris, với cách đàm phán công khai và bí mật đã diễn ra cuộc đấu tranh kiên quyết, lâu dài, giữa hai bên. Điều đạt được là chấm dứt được cuộc chiến tranh đó, lập lại được hòa bình. Nhưng cuối cùng, Mỹ vẫn duy trì ở miền Nam một chế độ do họ dựng lên, tiếp tục chia cắt đất nước Việt Nam, tiếp tục chống lại nguyện vọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

 

Thắng lợi ở Hội nghị này vô cùng to lớn. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói, đây là một thắng lợi ngoại giao tuyệt vời, bởi nó đạt được tất cả những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra, là ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh, quân Mỹ rút khỏi Việt Nam hoàn toàn, để cho nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc của mình. Đạt được như vậy là một thành tựu rất là to lớn, rất vĩ đại của một dân tộc nhỏ bé, chiến đấu chống lại một cường quốc hùng mạnh.

 

* Thưa ông, chúng tôi được nghe kể rằng: Khi ông Henry Kissinger đến Hà Nội vào cuối năm 1972, có đến thăm Bảo tàng lịch sử Việt Nam, khi nghe hướng dẫn viên đọc và giới thiệu về bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, trong đó có câu: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư” ông ấy đã nói luôn: “Điều 1, khoản 1, Hiệp định Paris”.  Vậy, với tư cách là người tham gia sự kiện ông có nhận xét gì về chi tiết này?

 

- Thực tế thì tôi cũng có nghe câu chuyện này. Khi ông Kissinger sang Hà Nội, tôi đang ở Paris, nhưng mà quả thật nếu ông Kissinger nói như vậy thì điều đó là cũng trùng với điều 1 của Hiệp định Paris. Điều 1 nói rằng: “Mỹ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” như Hiệp định Geneva năm 1954 đã công nhận.

 

Phải nói rằng đấy là điều cao nhất mà chúng ta đòi hỏi và Mỹ cũng đã phải công nhận như vậy. Bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt mà chúng ta hay gọi đó là bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất ấy thì cũng đã nói đất Việt Nam vua Nam ở, ai mà động đến thì sẽ bị đánh bại tơi bời. Việc đó được thể hiện một cách rất rõ ràng trong Điều 1 của Hiệp định Paris và cũng được thực hiện trong toàn bộ Hiệp định này, trong đó quy định Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam trong vòng 60 ngày và đặt tất cả những điều kiện để đảm bảo hòa bình đó. Phải nói rằng ông Kissinger là người rất dí dỏm, và ông ta có nói thế thì tôi nghĩ đó cũng là điều đúng.

 

* Thưa ông, trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 được coi là điểm nhấn có tính chất quyết định đến thắng lợi của Hiệp định Paris. Các nhà nghiên cứu đã nói rằng: Mỹ ngừng ném bom để đàm phán rồi ngừng đàm phán để ném bom. Vậy thì với tư cách là người phát ngôn của phái đoàn ta tại Hiệp định Paris, ông đánh giá vai trò của sự kiện này như thế nào?

 

- Cho tôi được nói như thế này, trước hết là việc Mỹ lật lọng, tung ra cuộc không kích chưa từng có trong lịch sử  về quy mô, tốc độ, thời gian, đó là một hành động xấu xa, hiếu chiến. Hai phái đoàn Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố về nước để xin ý kiến cuối cùng. Tổng thống Mỹ Nixon lúc bấy giờ nói rằng coi những điều đã thỏa thuận được là hoàn toàn chấp nhận được, và người Mỹ nói rằng việc ký hiệp định là trong tầm tay. Vậy mà lại nổ ra cuộc ném bom như vậy. Việc nhân dân ta đánh bại được cuộc không chiến đó mà nhân dân ta gọi là Điện Biên Phủ trên không, là ngoài mong muốn của họ. Chúng tôi lúc đó ở Paris một mặt lên án cuộc tấn công tàn bạo này, một mặt phát huy thắng lợi của mình, đồng thời khẳng định không gì thay đổi được về quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam. Trận Điện Biên Phủ trên không góp phần đánh bại âm mưu của Mỹ muốn lật lọng, làm thay đổi tình hình, thay đổi mục tiêu mà nhân dân Việt Nam đã cố gắng phấn đấu.

 

*  Xin cảm ơn ông!

 

BÍCH ĐÀO - (VOV)

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek