Theo thông báo chính thức của Quân khu 5, năm 2008, Phú Yên tuyển chọn 1.400 thanh niên nhập ngũ, tăng 40 thanh niên so với năm 2007. Đối tượng nào nhập ngũ và công tác này được triển khai như thế nào? Trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên, đại tá Nguyễn Như Trí, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS), Phó Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) tỉnh Phú Yên, cho biết:
Năm 2008, tỉnh Phú Yên sẽ giao quân 2 đợt, mỗi đợt 50% chỉ tiêu. Để bảo đảm tỉ lệ dân số, khoanh vùng động viên lâu dài, nên giao quân đợt 1 và đợt 2 năm 2008 có hai huyện là Sông Cầu và Sơn Hòa thay đổi thời gian so với đợt 1 và đợt 2 năm 2007.
Đối với công tác tuyển chọn, giao quân đợt 1, đến tháng 10/2007, các địa phương đã hoàn thành việc xét duyệt chính trị, chính sách 2 cấp; hoàn thành khám sức khỏe trong tháng 12. Hiện các đơn vị đang chốt danh sách, tiến hành thâm nhập, thực hiện “3 cử , 4 công khai”, “3 gặp, 4 biết” và chuẩn bị phát lệnh gọi nhập ngũ.
* Tiêu chuẩn gọi thanh niên nhập ngũ năm nay như thế nào, thưa đại tá?
Đại tá Nguyễn Như Trí
- Về tiêu chuẩn chính trị, tiếp tục thực hiện theo Thông tư liên tịch số 76/2006/TTLT-BQP-BCA của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ngày 3/5/2006; Thông tư liên tịch Hướng dẫn tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc, thủ tục tuyển chọn công dân vào phục vụ trong quân đội.
Về tiêu chuẩn sức khỏe, thực hiện theo thông tư số 14/TT-LT ngày 20/11/2006/BYT-BQP của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, chỉ tuyển chọn những công dân đã được Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện, thành phố kết luận đạt loại 1, 2, 3 và 4 về răng.
Về tiêu chuẩn văn hoá, học lực, chỉ tuyển những thanh niên có trình độ học vấn từ lớp 8 trở lên. Riêng các huyện miền núi và vùng ven biển có thể tuyển chọn 15% lớp 7 trở lên.
Độ tuổi thanh niên nhập ngũ là từ 18 đến 25, trong đó tuyển chọn từ độ tuổi thấp đến cao.
* Theo đại tá, để bảo đảm về số lượng, chất lượng và an toàn, công tác gọi công dân nhập ngũ, cần phải được tổ chức thực hiện như thế nào?
- Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; đồng thời phải phát huy tinh thần trách nhiệm đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, Hội đồng NVQS các cấp giúp UBND cùng cấp tổ chức, thực hiện đồng bộ các bước trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình và thanh niên trong diện gọi nhập ngũ xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ Tổ quốc. Để phát lệnh người nào đi chắc người đó, không có trường hợp đào, bỏ ngũ, phải thực hiện tốt “3 cử, 4 công khai” và “3 gặp, 4 biết” ở cơ sở.
Nữ sinh trung học tiễn thanh niên TP Tuy Hòa lên đường nhập ngũ - Ảnh: X.HIẾU
Cơ quan quân sự là cơ quan thường trực của Hội đồng NVQS, vì vậy phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, giúp Hội đồng NVQS, tham mưu UBND thực hiện việc gọi thanh niên nhập ngũ đúng luật; đồng thời thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình công tác tuyển quân, kịp thời báo cáo cho Hội động NVQS cùng cấp biết, có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, các cơ quan thành viên Hội đồng NVQS phải phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, nhất là thanh niên trong diện gọi nhập ngũ xác định rõ trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ Tổ quốc.
Một biện pháp không kém phần quan trọng là phải xử lý kiên quyết, dứt điểm số thanh niên chống đăng ký, chống khám và số chống lệnh gọi nhập ngũ; đồng thời có biện pháp quản lý tốt số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ đang làm ăn xa phải về lại địa phương, sẵn sàng thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.
* Xin cám ơn đại tá!
Đợt 1/2008 sẽ có 700 thanh niên của 4 huyện, thành phố lên đường nhập ngũ. Trong đó, Tây Hòa 215, Tuy An: 225, Sơn Hòa: 30 và TP Tuy Hòa: 230 thanh niên. Đợt 2 có 700 thanh niên của các địa phương còn lại lên đường nhập ngũ. Trong đó, Đông Hòa 200, Phú Hòa: 200, Sông Cầu: 140, Đồng Xuân: 100 và Sông Hinh: 60 thanh niên. |
XUÂN HIẾU (thực hiện)