Ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Chí Thanh đã âm thầm khắc lên kèo nhà dòng chữ: “PHỤNG SỰ TỔ QUỐC!” bằng tiếng Pháp – đó như lời tự thề với chính lòng mình. Danh ngôn nhân loại có câu: “Những chính nhân không bao giờ chết” - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người như thế.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Matxcơva
Trong hàng ngũ tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vị tướng lừng danh cả về tài năng quân sự, tài năng chính trị và cả về đức độ của một bậc quân tử. Trải qua Cách mạng tháng Tám 1945 và hai cuộc trường chinh của toàn dân tộc, Nguyễn Chí Thanh đã dâng hiến trọn vẹn tài năng, trí tuệ và cuộc đời của mình cho đất nước; để lại một huyền thoại trong nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Năm 1967, tôi có một may mắn về tận nhà Đại tướng tại làng Niêm Phò, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đó là một ngôi làng thuần nông, hết sức hiền hoà, sau những luỹ tre và bờ cây không thật rậm rạp, bên tả ngạn sông Bồ. Gia đình ông thuộc lớp trung lưu ở nông thôn, có nề nếp gia phong lâu đời. Bản thân ông học đến bậc trung học Pháp - Việt thì phải nghỉ, trở thành một ông giáo làng.
Ngay từ thuở đó, Nguyễn Chí Thanh đã âm thầm khắc lên kèo nhà dòng chữ: “PHỤNG SỰ TỔ QUỐC!” bằng tiếng Pháp. Đó là lời thề với chính lòng mình. Nhà thơ Vĩnh Mai lúc bình sinh, cũng như nhiều người dân Phù Lai và Niêm Phò cùng thế hệ với Nguyễn Chí Thanh đã kể với tôi rằng, trước 1945, thỉnh thoảng người ta lại thấy ông áo quần nâu rách, nón cời, ngang lưng buộc cái giỏ bắt cua, lội hết cánh đồng nọ đến cánh đồng kia. Ai cũng tưởng là ông đi bắt cua. Hoá ra, sau này họ mới hiểu ra rằng, đó là những ngày người thanh niên Nguyễn Chí Thanh bí mật đi tuyên truyền và phát triển các cơ sở cách mạng.
NGUYỄN CHÍ THANH - TỐ HỮU: TÌNH ĐỒNG HƯƠNG, ĐỒNG CHÍ SÂU ĐẬM
Nguyễn Chí Thanh, tên thật, tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, hoạt động cách mạng bí mật trước Tố Hữu một thời gian dăm năm. Nhưng, do tính chất bắt buộc tuyệt mật của hoạt động cách mạng lúc đó, hai người hoàn toàn không biết về công việc của nhau. Thậm chí, đôi khi, người nọ còn lo rằng người kia là “Tờ-rốt-kít” theo dõi mình! Nhưng đến lúc cả hai cùng bị vào tù ở Buôn Ma Thuột, thì Tố Hữu mới biết là Nguyễn Chí Thanh chẳng những cùng hoạt động cách mạng, mà còn là cán bộ lãnh đạo cấp trên của mình nữa.
Trong tù, Tố Hữu có bài thơ “Nhớ đồng”, đề là “Tặng Vịnh” (“Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò…”) - đó chính là bài thơ tặng Nguyễn Chí Thanh. Một bài thơ nói lên nỗi da diết của tác giả lúc ở trong tù nhớ về những ngày còn tự do hoạt động với bạn (là Vịnh). Nhưng để cho ý tứ kín đáo, lọt qua mắt mật thám Pháp dày đặc nên tác giả phải để là “Nhớ đồng”. Bởi vậy, tình đồng chí, đồng hương; tình anh em giữa Tố Hữu và Nguyễn Chí Thanh là vô cùng sâu đậm và vô cùng đặc biệt.
Năm 1967, sau khi ở chiến trường miền Nam ra Hà Nội, cùng với Bộ Chính trị, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn soạn kế hoạch tác chiến mới xong, chuẩn bị trở lại chiến trường miền Nam, Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời ở tuổi 53. Nhà thơ Tố Hữu đã khóc bạn thật thống thiết, thật bi hùng:
“Thanh ơi! Anh mất thật rồi sao?
Mới hôm qua câu chuyện ra vào
Anh hăm hở như cờ lên mặt trận
Giọng say sưa như gió thổi ào ào !
Tưởng lại đưa Anh ra chiến trường
Đường về - vó ngựa thẳng dây cương
Ngay mai. Ai biết chiều nay phải
Vĩnh biệt anh, nằm dưới bóng dương...”
“NGUYỄN CHÍ THANH” - TÊN ĐẶT CỦA HỒ CHỦ TỊCH
Bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng yêu quý, và tin tưởng tuyệt đối Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ngay từ năm 1946, khi Nguyễn Chí Thanh gặp Bác lần đầu, Người đã đặt cho ông cái tên mới (để dễ dàng cho công tác hoạt động cách mạng lúc bấy giờ) là Nguyễn Chí Thành. Nhưng Nguyễn Chí Thanh (bấy giờ còn là chàng thanh niên Nguyễn Vịnh) thưa với Người là gia đình đã có một người tên Thành. Người bảo: “Vậy thì lấy tên Thanh - Nguyễn Chí Thanh!”. Cũng chính đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đãi cơm thân mật Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để tiễn ông trở lại chiến trường miền
NGƯỜI TRỌNG VĂN CHƯƠNG - HIỀN SĨ
Là một danh tướng lừng lẫy, oai phong lẫm lẫm như vậy, nhưng bản chất Nguyễn Chí Thanh là một người vô cùng giản dị, dễ gần và giàu lòng nhân ái. Điều này, nếu ai từng ở trong giới văn học - nghệ thuật lâu năm, hẳn đều đã rõ. Năm 1954 - nhà thơ Hoàng Cầm nhớ lại, sau chiến thắng vang dội, chấn động địa cầu ở mặt trận Điện Biên phủ, cấp trên yêu cầu nhà thơ Hoàng Cầm, Trưởng đoàn ca múa nhạc của quân đội tổ chức một đêm liên hoan Văn nghệ mừng chiến thắng.
Là một nhà thơ có bề dày văn hoá truyền thống của dân tộc, lại là một người con của đất Kinh Bắc, Hoàng Cầm suy nghĩ rằng, đêm văn nghệ này phải nên là một đêm thật trữ tình, thật “mềm mại” để tương phản lại cái khốc liệt của chiến tranh vừa qua, để nói với thế giới rằng Việt Nam chúng tôi chỉ thích hòa bình, không ưa gì chiến tranh cả; cái đáng quý, đáng trọng nhất là những tinh hoa văn hoá lâu đời của các dân tộc trên Trái đất này – trong đó có Việt Nam chúng tôi… Nhưng không ngờ, buổi diễn vừa xong thì có một người thương binh tên Th. đứng phắt dậy hô vang: “Đả đảo! Đả đảo những viên đạn bọc đường”. Cả Hội trường như sôi lên phản đối chương trình văn nghệ đêm ấy do Hoàng Cầm thiết kế, một cách quyết liệt. Hoàng Cầm run lên vì quá lo sợ về sự “ngây thơ” và “dại dột” của mình. Bỗng có một cán bộ điềm đạm đứng lên và nói mạch lạc, rõ ràng với người thương binh và nhiều người đang a-dua theo anh ta:
- Các đồng chí hãy trật tự! Các đồng chí đã chiến đấu dũng cảm, và đã có công với đất nước, thì các đồng chí sẽ được tặng thưởng Huân chương. Nhưng chúng ta, không ai được phép công thần!
Thế là tất cả lại giữ nghiêm trật tự như lúc đầu. Người đứng lên nói đó, chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Và, sau này, nhà thơ Hoàng Cầm cũng chỉ được nhắc nhở hết sức nhẹ nhàng, chứ không hề có sự trù dập hay định kiến này nọ trong cái vụ “ngây thơ chính trị” ấy cả. Ai đã từng làm ở Tạp chí Văn Nghệ quân đội cũng rất hiểu rằng, ít có một vị Tướng nào có tầm nhìn, tầm nghĩ và cách ứng xử với văn nghệ sĩ sâu sắc, dài rộng như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Chính nhờ có tầm nhìn cỡ chính khách như thế, nên khi ông làm Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, ông đã mở rộng vai trò, chức năng của tờ Tạp chí Văn nghệ quân đội thành ra hai mảng rõ rệt: Một bộ phận làm báo, một bộ phận sáng tác văn học. Nhờ thế, tờ tạp chí mới trở nên lớn mạnh, có uy tín trong cả nước. Cũng nhờ sự quan tâm đúng mức của ông, Tạp chí Văn nghệ quân đội mới có trụ sở tại số 4 Lý
SÁT SAO THỰC TẾ
Hẳn rằng, ai cũng biết ông chính là tác giả của “Gió Đại phong” trong phong trào Hợp tác nông nghiệp - một phong trào đã góp phần quyết định sự đoàn kết và thống nhất ý chí ở nông thôn Việt Nam, giúp sức đắc lực cho sự huy động sức người và của cải cho cuộc kháng chiến chống Mỹ trước đây. Ông cũng đồng thời là tác giả của phong trào “Sóng Duyên Hải” trong sự phát triển Công nghiệp của miền Bắc chúng ta thời chiến tranh. Rồi cũng chính ông là tác giả “Cờ ba nhất” trong phong trào thi đua toàn quân…Sự gần gũi, sát sao với thực tế và nhìn xa trông rộng của ông là một bài học về công tác lãnh đạo cho hôm nay trong xây dựng đất nước. Phải thật lâu, đất nước mới xuất hiện con người có thể vươn đến sự toàn tâm, toàn tài như thế!
Những câu chuyện nhỏ mà làm nên huyền thoại về ông vẫn lan truyền và sống mãi trong nhân dân. Danh ngôn nhân loại có câu: “Những chính nhân không bao giờ chết”. Với tôi, đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người như thế trong lịch sử dân tộc. (VNN)
HOÀNG CÁT