Thứ Bảy, 28/09/2024 14:25 CH
Lịch sử và ý nghĩa của Ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam
Thứ Tư, 02/01/2008 07:34 SA

Ngày 17/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg về việc lấy ngày 3/1 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam. Đây là dịp để toàn xã hội cùng nhìn nhận, nâng cao nhận thức trong việc “Bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ”.

 

080102-luu-tru.jpg

Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức lễ họp mặt nhân Ngày lưu trữ Việt Nam Ảnh: VĂN THÁI

 

Sau khi giành chính quyền năm 1946, một hiện tượng phổ biến xảy ra ở các công sở là hồ sơ, tài liệu của chế độ cũ để lại đã bị tùy tiện tiêu hủy hoặc đem bán. Vì vậy, ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/VP gửi các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời. Đây là văn bản chỉ đạo của Chính phủ nhằm ngăn chặn ngay tình trạng hủy bỏ tài liệu của chính quyền cũ.

 

Trong thông đạt này, với nhận thức sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về tính kế thừa những giá trị văn hóa quá khứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa to lớn của tài liệu lưu trữ là “Có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”. Người nghiêm khắc phê phán hiện tượng tùy tiện tiêu hủy tài liệu và coi đó là hành động “có tính cách phá hoại”. Người đã chỉ thị nghiêm cấm những hành động đó, đồng thời định rõ trách nhiệm của mỗi người đứng đầu cơ quan, mỗi công chức trong việc giữ gìn an toàn tài liệu. Ở văn kiện quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao giá trị của tài liệu lưu trữ và phê phán nghiêm khắc hiện tượng tùy tiện loại hủy tài liệu, mà còn nêu lên những nguyên tắc, chế độ đối với công tác lưu trữ. Đối với những hồ sơ, tài liệu thực sự không có giá trị, muốn tiêu hủy phải tuân thủ theo một quy định nghiêm ngặt là: “Cấm không được hủy những công văn tài liệu ấy nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ”. Thông đạt còn đưa ra phương thức về quản lý hồ sơ tài liệu của quốc gia: “Xin nhắc rằng, hồ sơ hoặc công văn không cần dùng, sau này sẽ gửi về những Sở Lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để tàng trữ”. Với quy định này, thông đạt thực sự đã đặt nền móng cho sự ra đời và nêu lên nội dung cơ bản nhất của nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ trong hệ thống lưu trữ của các nước XHCN. Định ra nguyên tắc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sức mạnh của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và ý chí quyết tâm làm chủ đất nước, trong đó có quyền làm chủ của nhân dân ta đối với tài liệu lưu trữ.

 

Thông đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện chỉ đạo đầu tiên hết sức quan trọng của Nhà nước ta về công tác lưu trữ. Văn kiện đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng tùy tiện tiêu hủy hồ sơ tài liệu trong các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân ta về ý nghĩa, tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ. Vì vậy, Thông đạt thực sự là một văn kiện có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển công tác lưu trữ ở nước ta.

 

Ngày 4/9/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP về việc thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng. Đây là cơ quan có chức năng giúp Nhà nước quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Nhà nước trong việc ban hành các chế độ, quy định về công tác lưu trữ… Việc thành lập Cục Lưu trữ - cơ quan quản lý toàn quốc về công tác lưu trữ - đã khẳng định một bước tiến quan trọng về xây dựng tổ chức của ngành lưu trữ Việt Nam. Từ đây, nước ta có một cơ quan quản lý cao nhất về công tác lưu trữ, tạo điều kiện xây dựng ngành lưu trữ nước ta với hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ, hệ thống các văn bản pháp lý và cơ sở lý luận khoa học nghiệp vụ ngày càng hoàn chỉnh hơn.

 

Ngày 11/12/1982, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia. Pháp lệnh ra đời có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành lưu trữ nước ta. Đây là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác lưu trữ từ trước đến nay.

 

Với việc ban hành Pháp lệnh, lần đầu tiên trong lịch sử, công tác lưu trữ Việt Nam, những quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo chủ yếu của Đảng đã được thể chế hóa bằng một văn bản pháp luật, trong đó đã quy định những vấn đề cơ bản nhất về tổ chức, quản lý tài liệu lưu trữ và công tác lưu trữ. Chính vì vậy, Pháp lệnh đã có tác dụng chỉ đạo rất to lớn và toàn diện đối với quá trình xây dựng công tác lưu trữ Việt Nam. Pháp lệnh ra đời cũng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác lưu trữ; đánh dấu một bước tiến vượt bậc của lưu trữ nước ta trong lĩnh vực xây dựng pháp luật lưu trữ và tổng kết các vấn đề lý luận, thực tiễn trong công tác lưu trữ ở Việt Nam.

 

Việc chọn ngày 3/1 hằng năm làm “Ngày Lưu trữ Việt Nam” có một ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác lưu trữ Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, tài liệu lưu trữ được Nhà nước khẳng định là của nhân dân và toàn dân phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản chung của dân tộc. Vì vậy ngành Lưu trữ cần có ngày truyền thống nhằm những mục đích cơ bản sau: Góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ; Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và các cá nhân đối với bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Giáo dục truyền thống cho những người làm việc trong ngành; động viên phong trào thi đua lao động; biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lưu trữ.

 

NGUYỄN HỒNG VIỆT

Phó Chánh VP UBND tỉnh Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek