Thứ Sáu, 25/10/2024 09:28 SA
Chuyện thời chiến tranh của một người lính
Chủ Nhật, 04/03/2018 08:44 SA

Hơn 20 năm anh mới có dịp trở về thăm Tuy Hòa. Thời gian và công cuộc kiến tạo, dựng xây đã làm thay đổi biết bao. Màu xanh của lúa, của cây, màu son của ngói mới và biết bao công trình xây dựng đã xóa đi hầu hết vết tích bom đạn chiến tranh. Người thân, bạn bè, đồng đội năm xưa mất đi cũng khá nhiều. Thế nhưng những kỷ niệm của một thời chiến tranh, ở một chiến trường vô cùng ác liệt không hề phai nhòa trong ký ức của anh, người chiến binh gan dạ của Tiểu đoàn 14 năm xưa. Nay anh đã trở thành cựu chiến binh ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.

 

Đồng chí Nguyễn Thành Quang

Anh còn thuộc lòng những tên đất, tên sông, tên làng, tên núi. Anh nhớ như in từng khuôn mặt của bạn bè, đồng đội và những bà con nhân dân đã từng cưu mang, che chở, giúp đỡ anh trong những giờ phút khó khăn nhất của cuộc chiến tranh. Cứ tưởng như anh sẽ quên theo thời gian thế nhưng anh đều nhận ra họ ngay từ lần gặp đầu tiên.

 

Anh nói: Cuộc hành hương về quê hương thứ hai lần này của tôi thật ý nghĩa. Đi đến đâu, tôi cũng được đón nhận nhiều tình cảm dạt dào yêu thương và đầy xúc động. Đây cũng sẽ là một kỷ niệm không bao giờ phai nhòa trong tâm khảm tôi.

 

Cuộc gặp mặt “mini” của một số cựu chiến binh Tiểu đoàn 14 theo sáng kiến của đồng chí Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa nhằm tạo điều kiện để các anh có dịp gặp lại bạn chiến đấu năm xưa. Ngày nay, tuy được sống trong hòa bình, nhưng sau khi rời quân ngũ các anh trở về với gia đình, sống giữa đời thường lo công cuộc mưu sinh, các anh khó có cơ hội để gặp nhau. Mọi người đều hiểu ý đồng chí bí thư là muốn tạo điều kiện tối đa cho các anh cơ hội được sum vầy, nhen nhóm lại ngọn lửa tình yêu rực rỡ của một thời chiến chinh, máu lửa mà thời trai trẻ họ đã trải qua.

 

Ngồi quây quần bên nhau hôm nay, trong các anh, các chị, nhiều mái đầu tóc bạc, những khuôn mặt sạm vết thời gian. Nhưng tuổi tác và chiến tranh đã không khuất phục được các anh. Họ gặp nhau, vẫn máu lính, hiên ngang, khí phách. Những cái bắt tay chắc nịch đầy chất lính. Những nụ hôn và những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má cằn khô là giây phút thiêng liêng, hạnh phúc của tình đồng đội, của những người lính.

 

Cuộc gặp mặt đã đánh thức trong các anh bao nhiêu là cảm xúc, kỷ niệm. Các anh ôn lại cho nhau nghe về lịch sử của tiểu đoàn; về những ngày quần nhau với Mỹ và Nam Triều Tiên ở chiến trường Tuy Hòa 1; về chiến dịch Mậu Thân 1968; về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975; về từng khuôn mặt, đôi mắt, lời nói của người đồng chí trước lúc hy sinh, gửi gắm lại yêu thương cho đồng đội và người thân trước lúc vĩnh biệt; về từng nấm mồ của những đồng đội đã ngã xuống.

 

Tôi nhận thấy trong mỗi câu chuyện của các anh mang cả tâm huyết cuộc đời người lính. Mỗi câu chuyện của các anh mang cả mầm sống lý tưởng, tình yêu, khát vọng và ý chí của thế hệ. Tôi ghi lại câu chuyện dưới đây là một trong muôn ngàn câu chuyện của các anh để bày tỏ lòng kính yêu, khâm phục tinh thần và ý chí chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh dũng cảm của các anh. Đồng thời để ngợi ca tình đồng đội, đồng chí, đồng bào gắn bó quân dân chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương.

 

Hôm ấy là chiều 30 Tết Mậu Thân (1968). Tiểu đoàn của chúng tôi tập kết ở bìa rừng Hóc Nhum (xã Hòa Tân) để chờ trời tối là hành quân luồn sâu vào vùng hậu cứ địch. Nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi là tập kích tiêu diệt chi khu Phước Lộc, căn cứ tiền tiêu của địch án ngữ bảo vệ quận lỵ Hiếu Xương và khu căn cứ sân bay Đông Tác. Sau đó, đơn vị có nhiệm vụ cơ động về phía làng Phước Lộc tổ chức lực lượng chiến đấu đánh địch phản kích và hỗ trợ quần chúng nổi dậy.

 

Từ vị trí tập kết quân, chúng tôi phải hành quân vượt hơn chục cây số, băng qua những cánh đồng hoang trong vùng vành đai trắng, băng sình lầy, vượt qua nhiều sông, suối. Nhưng phải đảm bảo thời gian đưa quân ém sát hàng rào căn cứ địch chờ tới giờ giao thừa là giờ “G” nổ súng.

 

Tôi nhìn đồng hồ mới khoảng 4 giờ chiều, như vậy là phải chờ 2 tiếng nữa, trời tối hẳn đơn vị mới có thể xuất phát. Tôi tranh thủ xuống các đại đội để kiểm tra công tác chuẩn bị hành quân và cũng để động viên tinh thần quyết tâm của chiến sĩ. Vì trận này là trận chiến đấu rất đặc biệt: Đơn vị không những chỉ đánh địch ban đêm, mà phải tổ chức trận địa đánh địch cả ban ngày. Quân ta phải đương đầu, đọ sức với lực lượng quân địch mạnh hơn gấp hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn lần. Địch không những hơn ta về quân số, có pháo binh, xe tăng các loại, mà còn có đủ cả hải, lục, không quân hùng mạnh. Rõ ràng đây là một cuộc chiến không cân sức.

 

Sở trường, điểm mạnh của bộ đội đặc công là lấy ít thắng nhiều, bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh trúng tiêu diệt địch xong rồi lặng lẽ rút lui, bảo toàn lực lượng. Nay đơn vị luồn sâu, tiêu diệt xong cứ điểm của địch là phải tổ chức trận địa đánh địch phản kích giữa ban ngày với vũ khí bộ binh nhẹ là đem điểm yếu của ta chọi với điểm mạnh của địch.

 

Một khó khăn nữa là khi bộ đội luồn sâu đánh địch như vậy, công tác tiếp tế sẽ rất khó khăn nên đơn vị phải chuẩn bị trước cho cán bộ, chiến sĩ mang thêm nhiều cơ số đạn và thực phẩm, lương khô.

 

Bộ đội hành quân đêm, mang vác nặng, tốc độ hành quân có thể bị chậm. Tuy nhiên có điều rất mừng là tinh thần của anh em cán bộ, chiến sĩ đều rất lạc quan và quyết tâm đánh địch rất cao.

 

Tôi đến “đài quan sát” là một tảng đá cao được một cây si cổ thụ vươn mình ôm bóng mát. Tôi leo lên điểm cao, cùng các đồng chí trinh sát xem, xác định hành lang mà đơn vị sẽ hành quân đêm. Chúng tôi cố gắng xác định hướng đi, đặc điểm địa hình từng khu vực để dễ định hướng mục tiêu trong đêm tối.

 

Đứng ở điểm cao nhất của đài quan sát, hướng tầm mắt nhìn bao quát khoảng giữa, từ bìa rừng đến lũy tre làng ở tận phía chân trời xa là một cánh đồng hoang, không một bóng người.

 

Có ai hình dung ra ở nơi đó, trước đây, mùa này là cánh đồng lúa chín vàng, trải dài bát ngát. Những làng quê thanh bình, trù phú, nên thơ. Vậy mà chỉ sau 3 năm thực hiện chính sách vành đai trắng, Mỹ - ngụy đã dùng chất độc hóa học màu da cam, bom đạn tối tân hủy diệt tất cả để giờ đây trong tầm mắt của chúng tôi chỉ còn lại cảnh hoang vắng đến rợn người. Cụm từ “vành đai trắng” để ám chỉ đó là khu vực do quân Mỹ và tay sai thiết lập cái gọi là dải phân cách để tách VC (Việt cộng) tiếp xúc, trà trộn với dân chúng. Nó còn gọi là chiến thuật tách cá ra khỏi nước. Cá không có nước thì cá sẽ chết. “vành đai trắng”, cũng có nghĩa là vùng mà quân đội Mỹ và Đại Hàn được tự do oanh kích, càn quét, bắn giết. Mỗi khi chúng thấy bóng người xuất hiện trong khu vực này, không phân biệt, bất kể là thường dân hay đối phương, không phân biệt là trẻ em hay người lớn, là phụ nữ hay nam giới, thấy bóng người xuất hiện là bắn, giết.

 

Phương châm hành động của quân địch trong khu vực “vành đai trắng” là: “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”.

 

Nhìn cảnh tượng đau lòng, trong mỗi chúng tôi đều trào dâng căm thù và uất hận muốn xông lên xả thân tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương.

 

Tiết tháng Chạp, gió bấc heo may se lạnh. Mặt trời đã gác núi, những đám mây ở phía trời tây từ màu tím đã chuyển sang màu xám, cảnh hoàng hôn nơi đây trông thật cô tịch. Dưới những tán cây rừng che phủ lá ngụy trang, toàn đơn vị chúng tôi lặng lẽ chuẩn bị hành quân xung trận. Có lẽ, chỉ có 2 chiếc trực thăng HU-1A của địch đang quần đảo phành phạch trên cánh đồng hoang là có vẻ hối hả của chiều 30 Tết.

 

Trời đã tối hẳn, ban chỉ huy ra lệnh cho đơn vị bắt đầu xuất phát hành quân về hướng căn cứ địch.

 

Đêm tối mịt mùng, đoàn quân của chúng tôi vẫn lặng lẽ, rón rén từng bước chân trong sình lầy trơn trượt, trong đồng nước, cỏ lác mênh mông. Theo hiệp đồng hành quân tác chiến, các đồng chí xã đội Hòa Tân đã chuẩn bị sẵn mấy chiếc sõng nang để chở bộ đội vượt sông Hà Gừa và sông Bánh Lái. Nhưng số sõng huy động được chỉ có vài chiếc sõng câu, chỉ đủ ưu tiên để chở vũ khí và những đồng chí không biết bơi qua sông, còn lại những anh em biết bơi phải tự bơi vượt sông để kịp thời gian.

 

Đồng chí Nguyễn Thành Quang chụp ảnh lưu niệm với bộ đội địa phương Phú Yên - Ảnh: CTV

 

Khoảng 10 giờ đêm, toàn đơn vị đã tập kết quân tại xóm Phường (Hòa Thành), chúng tôi bắt liên lạc được với tổ trinh sát chuẩn bị chiến trường và các đồng chí mũi công tác địa phương. Ban chỉ huy hội ý chớp nhoáng để nắm tình hình di biến động của địch. Nói chung đến lúc này, địch vẫn chưa biết kế hoạch T25 (bí danh của chiến dịch) của ta. Yếu tố bất ngờ của chiến dịch vẫn bảo đảm.

 

Theo kế hoạch tác chiến, tiểu đoàn chia làm 2 mũi tiến công. Mũi 1 do đồng chí tiểu đoàn trưởng chỉ huy có các đồng chí mũi công tác thị trấn Phú Lâm dẫn đường thọc thẳng vào đánh quận lỵ Hiếu Xương (Phú Lâm). Mũi 2 do tôi - chính trị viên phó tiểu đoàn và đồng chí tiểu đoàn phó chỉ huy, có các đồng chí mũi công tác xã Hòa Thành dẫn đường hướng thẳng vào chi khu Phước Lộc.

 

Tổ chức vượt sông thành công, an toàn cho cả người và vũ khí là một thắng lợi. Gió mùa đông bắc miệt mài thổi từng cơn, phả hơi lạnh lên da thịt ướt sũng của đội quân mới vừa trầm mình vượt sông bước lên bờ. Một số đồng chí bị lạnh quá chân tay run lẩy bẩy, hai hàm răng đánh lập cập. Chúng tôi duyệt lại đội hình, đôn đốc bộ đội hành quân khẩn trương để kịp ém quân sát mục tiêu trước giờ “G”.

 

Xóm Phường nằm ở phía tây chi khu Phước Lộc, từ đây đến chi khu Phước Lộc đường chim bay hơn 2km, nhưng phải vượt qua cánh đồng lúa rộng mênh mông. Địa hình trống trải, lại bị hệ thống đèn điện chiếu sáng và hệ thống đèn pha sân bay Đông Tác chiếu sáng cả một vùng rộng lớn, bao trùm cả căn cứ chi khu Phước Lộc. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối, yêu cầu bộ đội hành quân phải đi lom khom, thậm chí có đoạn phải bò trườn, vượt chướng ngại, tránh để bị địch phát hiện.

 

Khoảng 11 giờ 30, toàn đội hình chiến đấu đã áp sát hàng rào kẽm gai lớp ngoại cùng của chi khu. Bộc phá ống mở rào đã chuẩn bị xong. Các đơn vị hỏa lực và toàn lực lượng tiến công đã chuẩn bị xong đang đợi giờ “G” đến, phát lệnh tiến công.

 

Bọn địch trong căn cứ hoàn toàn không hay biết điều gì sắp xảy ra với chúng. Trong lớp ngụy trang nằm ép mình sát gần cửa mở,chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng nói của bọn lính trong lô cốt. Có lẽ bọn chúng đang chuẩn bị đón giao thừa. Chúng cười nói, chúc tụng nhau, cả bọn đồng thanh hô “zdô” một tiếng thật to, xé toang màn đêm sâu lắng trong tiếng rả rích của lũ côn trùng. Im bặt một lúc… Rồi nổi lên có một vài giọng nữ nghe có vẻ nhõng nhẹo, cả bọn cười rân.

 

Đèn pha phía sân bay Đông Tác bật sáng quét qua quét lại nhiều lần sáng rõ như ban ngày. Tôi vừa ém mình bất động tránh ánh đèn pha lùng sục, vừa tranh thủ lợi dụng ánh sáng đèn pha quan sát các mục tiêu bên trong lớp rào. Hai tên lính từ vọng gác, có lẽ nghe đồng bọn vui vẻ… muốn chạy vào kiếm chút. Một giọng đầy uy quyền quát to từ bên trong vọng ra: “Ê, sao tụi bay giám bỏ nhiệm vụ vào đây? Đ.m. coi chừng lơ là canh gác, cộng sản nó tập kích vào là chết cả nút đó nghe chưa con. Đây, cầm lấy, rồi biến”.

 

- Dạ.

 

Hai tên lính quay trở ra, miệng nói lầu bầu, có vẻ miễn cưỡng chấp hành lệnh của thượng cấp.

 

Tôi vạch tấm khăn cột ở cổ tay liếc nhìn đồng hồ, còn khoảng 10 phút nữa. Một số nơi đã có nhiều tiếng súng nổ. Tôi thầm nghĩ chẳng lẽ có mũi tiến công của đơn vị nào đó bị lộ rồi sao? Không, Đó là tiếng súng đón giao thừa của đồn địch.

 

Bất thình lình, khẩu đại liên của địch bên trong hàng rào nổ mấy tràng dài, đạn lửa bay qua trên đầu đỏ rực, tiếng rít của làn đạn liên thanh nghe như ma hú.

 

Chết cha, lộ rồi, tôi vừa nghĩ thầm trong bụng. Không. Chúng đã ngừng bắn. À, bọn này ngứa tay đón giao thừa đây mà. Tôi thoáng nghĩ thế và ra hiệu cho đơn vị tiếp tục chờ lệnh. Một đợt đèn pha nữa quét qua, sáng rực. Chúng tôi quan sát, bên trong hàng rào, bọn địch vẫn ồn ào, cười nói, cụng ly bù khú, chúc tụng nhau. Ở lô cốt bên trái có một bọn đang tụm nhau chơi bài, sát phạt nhau. Chúng chửi thề, cãi nhau về một ván bài bị gian lận. Vậy là chúng hoàn toàn không biết gì về số phận đang chờ chúng. Tôi nghĩ và cười thầm, tí nữa chúng tao cho bọn bay một tá bánh chưng để đón giao thừa nhé (loại thuốc nổ được gói lại như chiếc bánh chưng).

 

Kim dạ quang trên mặt đồng hồ nhích dần, nhích dần một cách chậm chạp. Trong cuộc đời lính chiến của mình, tôi đã tham gia hàng chục lần, đã quen cái khoảnh khắc, không gian yên lặng nín thở nằm chờ nổ súng. Vậy mà đêm nay, tôi cảm thấy hồi hộp lạ thường. Bao nhiêu hồi ức, những kỷ niệm êm đẹp của một thời hòa bình, thoáng hiện lướt qua. Tôi mơ màng, mông lung về cái đêm giao thừa cuối cùng được chung vui cùng vợ và con gái để lên đường vào Nam sao mà đầm ấm, thân thương. Tôi đang nghĩ đến giao thừa đêm nay, mọi người sẽ đón… Bỗng một tia chớp, kèm theo là một tiếng nổ lớn từ hướng TX Tuy Hòa (hướng mặt trận chính của chiến dịch) cắt ngang dòng suy nghĩ. Tôi liếc nhìn đồng hồ, vẫn chưa tới giờ “G” mà. Phải chăng mũi tiến công nào đã bị lộ, buộc phải nổ súng trước giờ “G”.

 

Nghe tiếng nổ lớn, bọn địch nháo nhác. Từ hầm chỉ huy của địch bên trong hàng rào, tiếng chúng liên lạc gọi nhau qua bộ đàm, chúng tôi nghe không được rõ lắm. Nhưng khi viên sĩ quan trực ban nói to: Báo cáo thiếu tá: Trên tiểu khu vừa thông báo, Việt Cộng đang tấn công TX Tuy Hòa. Các chi khu báo động sẵn sàng chiến đấu, đề phòng Việt Cộng tấn công.

 

Tôi nhìn mũi Phú Lâm, Phú Lâm vẫn chưa nổ súng. Bọn địch bên trong chi khu đã nhốn nháo bỏ cuộc vui để trở về vị trí công sự. Tình thế không cho phép chờ, dù chỉ một, hai phút. Vì một hoặc hai phút đó là những phút chết người, quyết định thành công hay thất bại của trận đánh. Là giây phút sinh tử.

 

Tôi phất tay ra hiệu tấn công. Đùng, đùng… tiếng nổ xé màn đêm, bộc phá đã phá rào, cửa đã mở. Cả đơn vị lập tức xông lên. Tiếng tiểu liên AK, tiếng thủ pháo, lựu đạn, tiếng B40, B41 nổ tới tấp, tập trung vào hầm chỉ huy trung tâm và lô cốt bên hai mạn sườn và các ụ công sự. Bọn địch la hét, trốn chạy nháo nhào, một số ngoan cố chúng xả súng loạn xạ. Từ phía lô cốt chỉ huy, tên chỉ huy hò hét, ra lệnh cho quân lính tử thủ và liên lạc về tiểu khu xin cứu viện. Một quầng lửa phụt ra từ khẩu B41 ở phía bên phải tôi, kèm theo tiếng nổ trầm. Có lẽ quả B41 đã trúng cửa lô cốt, xuyên vào nổ ở bên trong hầm nên tiếng nổ nghe đục. Hầm sở chỉ huy im bặt. Ở các ổ đề kháng khác bọn địch vẫn ngoan cố kháng cự, nhưng đều bị quân ta tiêu diệt. Chỉ sau hơn 30 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Chi khu Phước Lộc. Quân ta hoàn toàn không có thương vong.

 

Là một đơn vị bộ binh đặc công, chúng tôi đã đánh nhiều cứ điểm của địch, nhưng cách đánh thì đều theo cách “xuất quỷ,nhập thần” của đặc công. Còn đánh theo kiểu đánh cường tập, lấy yếu tố bất ngờ của kỹ thuật đặc công, sử dụng hiệu quả tối đa của hỏa lực bộ binh được trang bị, đánh gần, tấn công áp đảo, tiêu diệt địch nhanh, gọn như trận này quả là một trận đánh đẹp.

 

(Còn nữa)

 

NGUYỄN THÀNH QUANG

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - một trong những chứng nhân lịch sử

cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek