Thứ Sáu, 25/10/2024 09:28 SA
Chủ trương của Trung ương và nhiệm vụ của Phú Yên trong cuộc tổng tiến công
Chủ Nhật, 04/03/2018 08:26 SA

Lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh trước khi tiến công vào TX Tuy Hòa mùa xuân 1968 - Ảnh: Tư liệu

Từ ngày 20-24/10/1967, Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) quyết định một phương hướng tiến công, một cách đánh chiến lược mới, đó là: Bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam. Cũng tại hội nghị này, Bộ Chính trị chủ trương: Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa trong dịp Tết Mậu Thân. Tháng 12/1967, Bộ Chính trị họp chính thức hạ quyết tâm mở Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (tháng 1/1968) ngay sau đó đã thông qua nghị quyết này.

 

Phát huy sức mạnh tổng hợp

 

Năm ngày sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14, ngày 18/1, Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) quyết định thời điểm mở cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa. Bộ Chính trị quyết định thời gian mở màn cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa là vào lúc giao thừa Tết Mậu Thân 1968.

 

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân khu 5 chủ trương trong Tết Mậu Thân năm 1968: Phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, từ đồng bằng ven biển lên miền núi, phối hợp nhịp nhàng với quân và dân toàn miền giành thắng lợi quyết định.

 

Đối với chiến trường Phú Yên, kế hoạch tổng công kích của quân khu xác định rõ: “Ở Phú Yên, Trung đoàn 10 đánh cắt đường số 1 ở khu vực đèo Cù Mông tạo thế chia cắt giữa Bình định và Phú Yên, ngăn không cho quân địch từ Phú Yên theo đường số 1 ra phản kích vào lực lượng khởi nghĩa tại Quy Nhơn. Nhiệm vụ giải phóng TX Tuy Hòa do lực lượng địa phương và nhân dân kết hợp công kích và khởi nghĩa để giải quyết”. Quân khu chủ trương mục tiêu chiến trường Phú Yên là: làm tan rã quân ngụy tại chỗ; diệt một bộ phận quân Nam Triều Tiên; thu hút và kiềm chế một phần quân Mỹ; đánh phá, cắt giao thông Bắc - Nam và lên Tây Nguyên; không cho địch tiếp ứng ra Quy Nhơn. Trọng điểm là TX Tuy Hòa. Tại TX Tuy Hòa, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng tại chỗ và từ nông thôn vào để tiêu diệt địch, giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Cùng với củng cố lực lượng vũ trang, quân khu chỉ đạo tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị mạnh, sẵn sàng cho tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền. Mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương và nhân dân vùng căn cứ, vùng địch hậu khẩn trương chuẩn bị mọi mặt vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc… kịp cho ngày nổ súng.

 

Trên chiến trường Phú Yên lực lượng địch đến tháng 1/1968 có: Lữ đoàn dù Mỹ 173 gồm 2 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo. Căn cứ lữ đoàn ở Hòa Hiệp, Tuy Hòa 1. Sau ngày 18/1, Lữ đoàn dù 173 chấm dứt càn ở Sơn Hòa rút xuống chốt dọc khu vực gò Sân, giếng Gia, gò Chợ, bằng Gia Lạnh. Quân Nam Triều Tiên có Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn Bạch Mã, hậu cứ ở Tân Hải (Hòa Hiệp Nam), trung đoàn này chốt giữ từ gò Đá vào đèo Cả; Trung đoàn 26 thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ, hậu cứ ở Đồ Đò (Sông Cầu), chốt đóng từ núi Hùng (Tuy An) - Chí Thạnh, La Hai (Đồng Xuân), Sông Cầu. Quân ngụy có Trung đoàn 47 (gồm 4 tiểu đoàn), 25 đại đội bảo an, 8 đại đội biệt kích, 24 trung đội biệt kích, 54 tổng đoàn dân vệ. Ngoài ra còn 2 đại đội cảnh sát dã chiến, 2 đại đội cảnh sát. Pháo binh địch có 2 tiểu đoàn của Nam Triều Tiên, một tiểu đoàn của Mỹ, 10 khẩu pháo 105 ly của các quận và 4 khẩu pháo 175 ly ở Xuân Phước và Củng Sơn. Sâu bay Đông Tác có từ 13-15 chiếc F100 và F105 lúc cao điểm càn quét tăng lên từ 20-30 chiếc, sân bay ở căn cứ hành quân Hòa Hiệp có từ 60-80 chiếc máy bay trực thăng, 10 máy bay Ma-hốc, 3 máy bay trinh sát L19, 3 trực thăng vũ trang. Lực lượng tăng, thiết giáp của địch có 3 chi đoàn xe M113, M118 của 2 trung đoàn 26 và 28 Nam Triều Tiên, chi đội xe tăng M41 Mỹ ở Đông Tác, 1 chi đoàn của Trung đoàn 47 ngụy, 8 chiếc xe thám thính bánh lốp ở tỉnh đường ngụy dùng để đi tuần tra trong thị xã.

 

Lực lượng vũ trang ta ở chiến trường Phú Yên đến tháng 1/1968 có Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), Tiểu đoàn 14 đặc công thuộc Phân khu Nam. Lực lượng vũ trang tỉnh có Tiểu đoàn bộ binh 85, 2 đại đội đặc công (201 và 202), Đại đội trợ chiến 167, Đại đội công binh 50, 1 đại đội trinh sát, Đại đội thông tin 18, Đại đội vận tải 23. Các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Sông Cầu mỗi huyện có 1 đại đội bộ binh, 1 trung đội đặc công, 1 tiểu đội thông tin, 1 tiểu đội công binh, 1 tiểu đội cối 60 ly. Riêng các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân có trung đội bộ binh và các tiểu đội chuyên môn. Để tăng cường quân số cho bộ đội tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Tỉnh đội quyết định rút lực lượng ở các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu mỗi huyện 1 trung đội cho bộ đội tỉnh, các huyện tự đôn dân quân du kích lên và rút số cán bộ trẻ ở cơ quan huyện tăng cường cho bộ đội huyện. Tỉnh động viên và rút số cán bộ trẻ trong các ngành ở tỉnh, thanh niên xung phong, thanh niên sản xuất phía sau bổ sung cho lực lượng chiến đấu. Khi bước vào chiến dịch, mỗi đại đội có từ 25-30 tay súng, trang bị thiếu, lương thực đảm bảo được 7 ngày, thủ pháo lựu đạn do các xưởng của tỉnh sản xuất chất lượng kém.

 

Như vậy, về bộ binh địch đông hơn ta gấp nhiều lần. Chúng còn có ưu thế tuyệt đối về phi pháo và xe tăng, thiết giáp, lại phòng thủ trong các công sự kiên cố ở các đô thị và căn cứ ở đồng bằng ven biển. Đó là những khó khăn lớn cho ta.

 

Mật danh T25

 

Theo chủ trương chung của Đảng ủy Quân khu, căn cứ vào thực lực quân sự, chính trị của ta trong tương quan lực lượng với địch, Đảng ủy A9 và Tỉnh ủy Phú Yên vạch kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường Phú Yên đó là:

 

Tập trung lực lượng vào trọng điểm TX Tuy Hòa, tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan trọng, kết hợp với nổi dậy của quần chúng trong và ngoài thị xã, thực hiện công kích, khởi nghĩa giải phóng thị xã, giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Phối hợp với hướng thị xã, các huyện sử dụng lực lượng vũ trang huyện và du kích tập kích vào các chi khu quận lỵ, các chốt, nhằm tiêu hao sinh lực địch, luồn sâu diệt ác, phá tan bộ máy chính quyền cơ sở địch, hỗ trợ quần chúng khởi nghĩa, nhập thị, giành chính quyền. Riêng các huyện phụ cận TX Tuy Hòa có thêm nhiệm vụ chia cắt giao thông, nhanh chóng xây dựng lực lượng du kích và tự vệ mật.

 

Ngày 20/1/1968, Tỉnh ủy và Đảng ủy A9 họp có sự tham dự của các cơ quan Bộ Tư lệnh Phân khu Nam, Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), Tỉnh đội để kiểm tra, duyệt phương án kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 vào TX Tuy Hòa và toàn tỉnh. Tỉnh ủy hạ quyết tâm và phát động tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

 

Cuộc Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Phú Yên lấy mật danh là T25 do đồng chí Lư Giang, Tư lệnh Phân khu Nam làm Tư lệnh, đồng chí Trần Suyền, Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm Chính ủy để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở chiến trường Phú Yên.

 

Để bảo đảm công tác chỉ huy, chỉ đạo thống nhất, hiệu quả, Ban chỉ huy chiến dịch tổ chức ba khối: khối quân sự do đồng chí Lương Công Huề phụ trách, khối đấu tranh chính trị - binh vận và nổi dậy (các đoàn thể quần chúng) do đồng chí Công Minh phụ trách, khối đảm bảo vật chất phục vụ chiến trường do đồng chí Cao Xuân Thiêm phụ trách.

 

Thời điểm này công tác hậu cần đang gặp nhiều khó khăn do qua hai mùa khô 1966-1967 vùng căn cứ, các hành lang, cửa khẩu bị địch càn quét, đánh phá liên tục. Cán bộ, chiến sĩ trụ bám ở chiến khu thiếu gạo, thiếu muối gay gắt phải ăn sắn nhiễm chất độc hóa học, rau dại và khoai lang. Dự trữ lương thực của ta trong toàn tỉnh chỉ còn 23 tấn 300kg. Khó khăn lớn nhất lúc này là giải quyết lương thực cho Trung đoàn Ngô Quyền (Trung đoàn 10) hành quân ra phía bắc tỉnh chặn địch ở đèo Cù Mông.

 

Ngoài kế hoạch cung cấp lương thực, Ban chỉ huy chiến dịch chỉ đạo sát sao việc xây dựng hệ thống trạm đường dây liên lạc tiền phương, dân công hỏa tuyến chuyển thương binh về trạm xá dã chiến và chuyển về tuyến sau, giải tù hàng binh. Khối dân vận tập hợp lực lượng quần chúng nông thôn nhập thị, phối hợp với quần chúng tại chỗ nổi dậy đấu tranh trực diện với địch. Các đội quân đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận hợp pháp, nửa hợp pháp và bất hợp pháp ém vào nội thị trước đó, chỉ chờ bộ đội nổ súng sẽ phối hợp nhịp nhàng ba mũi giáp công. Các đoàn văn công, đội chiếu phim, báo giải phóng đều náo nức sôi động phục vụ chiến dịch.

 

Bộ đội được ăn Tết sớm

 

Ngày 26/1, Thường vụ Phân khu ủy Nam cùng Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên và Đảng ủy A9 soát xét tình hình, bổ sung nhiệm vụ, phân công cán bộ trực tiếp phụ trách các hướng tiến công nổi dậy. Những ngày giáp Tết Mậu Thân, bộ đội được tổ chức ăn Tết trước để chuẩn bị cho hành quân tiếp cận mục tiêu. Lực lượng được sử dụng trên các hướng như sau:

 

Trung đoàn 10 (thiếu Tiểu đoàn 12) cơ động ra phía bắc của tỉnh phục kích tại đèo Cù Mông, chặn đánh địch từ Bình Định vào chi viện cho Phú Yên hoặc ngược lại từ Phú Yên chi viện cho Bình Định.

 

Hướng trọng điểm TX Tuy Hòa: Tiểu đoàn 12 của Trung đoàn 10 đánh vào sân bay Khu Chiến, nhà 18 gian, giải phóng nhà lao phát triển đánh chiếm nhà ga Tuy Hòa. Sau đó trụ lại đánh địch phản kích. Tiểu đoàn 85, Đại đội đặc công 202 đánh chiếm Trung đoàn bộ 47, khu cố vấn Mỹ, phát triển đánh chiếm Tỉnh đường ngụy quyền sau đó triển khai đánh địch phản kích. Đại đội Quyết Thắng đánh vào Ty cảnh sát ngụy, cho 1 tổ đánh chiếm Đài phát thanh.

 

+ Hướng Tuy Hòa 1, Tiểu đoàn đặc công 14 của Phân khu Nam, Đại đội đặc công 201 tập kích vào sân bay Đông Tác, sân bay Thọ Lâm, Trung đoàn bộ 28 Bạch Mã. Đặc công huyện tập kích vào quận lỵ Hiếu Xương (Phú Lâm) dùng một phần hỏa lực của tiểu đoàn tập kích trận địa pháo ở Hảo Sơn.

 

+ Các huyện Sơn Hòa, Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân tập trung lực lượng và hỏa lực tập kích vào quận lỵ và chi khu, tiêu hao, tiêu diệt địch tại chỗ, hỗ trợ cho quần chúng vùng lên phá ấp, diệt kìm đưa dân về lại làng cũ.

 

Các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, Trưởng phó ban ngành đều được phân công trực tiếp xuống các mục tiêu cùng với địa phương thực hiện kế hoạch.

 

Ở hướng trọng điểm TX Tuy Hòa, Tỉnh ủy phân công đồng chí Hà Phùng (Dư Huy), Phó Bí thư Tỉnh ủy xuống làm Bí thư TX Tuy Hòa cùng các đồng chí lãnh đạo Thị ủy Tuy Hòa và Ban chỉ huy tiền phương đứng chân tại căn cứ Cẩm Tú thống nhất chỉ huy các lực lượng tham gia tiến công và nổi dậy đánh vào TX Tuy Hòa theo kế hoạch chung của tỉnh. Các mũi công tác Bình Phú A, Bình Phú B, Bình Phú C (nay là phường 9 và xã Bình Kiến) hình thành Ban cán sự Đảng, chi bộ Đảng bí mật hợp pháp, tổ chức lực lượng du kích mật từng thôn.

 

Các mũi công tác phát động lực lượng nòng cốt đào mấy chục hầm bí mật để che giấu lực lượng ta về trụ bám hoạt động, nuôi giấu cán bộ, che giấu vũ khí tài liệu, dự trữ lương thực, cứu chữa thương binh, tạo hành lang an toàn cho lực lượng ta tiến công vào thị xã; đồng thời vào thời điểm quyết định có thể huy động hàng ngàn người ở vùng ven tham gia nổi dậy.

 

HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek