Thứ Sáu, 25/10/2024 10:22 SA
Các đợt tiến công của quân và dân Phú Yên
Chủ Nhật, 04/03/2018 07:56 SA

Quân giải phóng tiến công vào TX Tuy Hòa trong mùa xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: Tư liệu

Quán triệt chủ trương của Đảng về Tổng tiến công và nổi dậy trong dịp Tết Mậu Thân 1968, quân và dân triển khai nhiều đợt, với nhiều mũi tiến công đánh địch trên phạm vi toàn tỉnh, tiêu diệt sinh lực địch.

 

Tổng tiến công và nổi dậy đợt 1

 

Trong Tổng tiến công và nổi dậy đợt 1 được triển khai hai lần, lần một diễn ra vào đêm 29, rạng ngày 30/1.

 

Ngày 28/1, các đơn vị làm công tác tổ chức chiến đấu và hành quân tiếp cận vào vị trí tập kết bí mật ở phía tây TX Tuy Hòa. Cơ quan chỉ huy tiền phương cũng vào vị trí tập kết sườn phía tây xã Hòa Quang (huyện Tuy Hòa 2) để chỉ huy các đơn vị hành quân chiếm lĩnh. Riêng Tiểu đoàn 85 khi hành quân đến vị trí tập kết bị địch đổ biệt kích ngăn chặn phải xuyên đường nên không gặp được bộ phận chỉ huy để nhận nhiệm vụ, do đó không thực hiện được nhiệm vụ đúng ngày nổ súng.

 

0 giờ ngày 30/1/1968, địch ở các căn cứ, các quận lỵ và TX Tuy Hòa bắn súng, pháo sáng đón giao thừa. Khi tiếng súng và pháo sáng vừa dứt, lực lượng làm nhiệm vụ trinh sát của ta dẫn đường hành quân chiếm lĩnh trận địa.

 

Hướng TX Tuy Hòa, Đại đội 202 chia làm bốn mũi: Mũi 1 có 10 chiến sĩ đánh vào Trung đoàn bộ 47 (Phân viện Học viện Ngân hàng ngày nay). Mũi 2 có 9 chiến sĩ đánh vào Trung tâm Huấn luyện của Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 47 (Bệnh xá Tỉnh đội ngày nay). Mũi 3 có 9 chiến sĩ đánh mục tiêu Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 47 (nay là Trường đại học Xây dựng Miền Trung). Mũi 4 có 9 chiến sĩ đánh vào Khu gia binh ở gần Trung đoàn bộ.

 

0 giờ 30 ngày 30/1, Đại đội 202 nổ súng tấn công vào Trung đoàn bộ 47, khu cố vấn Mỹ trong thị xã. Các mũi khác cũng nhanh chóng tiến công làm chủ trận địa.

 

Sau khi bị đánh phủ đầu, địch điều động một số xe M113 dồn về góc đông sân bay tổ chức phản kích. Đại đội 1 tổ chức một bộ phận dùng trung liên, lựu đạn đánh trả quyết liệt. Tại khu vực nhà lao, tổ an ninh vũ trang đã vào nhà lao giải thoát cho khoảng 50 cán bộ của ta đang bị địch giam giữ. Đến 4 giờ sáng, Đại đội 2 chiếm lĩnh bìa đông xóm Đạo. Chỉ huy sở và các đơn vị tiến vào xóm Đạo. Lúc này trời đã sáng, Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định đưa tiểu đoàn về đứng chân ở xóm Đạo, khu nhà 18 gian trụ lại đánh địch ban ngày.

 

7 giờ sáng 30/1, địch sử dụng Đại đội bảo an tấn công vào khu nhà 18 gian bị Trung đội Trinh sát của Tiểu đoàn 12 chặn đánh quyết liệt. Địch tăng cường lực lượng, dùng pháo binh, máy bay trực thăng vũ trang bắn vào đội hình ta, chi viện cho bộ binh địch tấn công. Cùng lúc, tiểu đoàn nhận được thông báo của Mặt trận A9 cho biết: Tiểu đoàn 85 bị quân địch chặn không tiến công được vào thị xã theo phương án hợp đồng. Tiểu đoàn 14 sau khi tập kích Phú Lâm cũng đã lui quân. Ban chỉ huy và cán bộ tiểu đoàn 12 nhận định tình hình sẽ rất khó khăn do các đơn vị bạn không phối hợp tác chiến được, nên địch sẽ tập trung lực lượng để phản kích vào khu vực chiếm lĩnh của tiểu đoàn.

 

Đúng như nhận định của ta, từ 8 giờ đến 9 giờ sáng 30/1, địch mở nhiều đợt phản kích vào trận địa của Đại đội 1 và Đại đội 2 nhưng đều bị ta đánh bật. Chúng thay đổi thủ đoạn, dùng bom, pháo bắn dữ dội vào trận địa của ta, nhưng hầu hết trượt về phía tây xóm Đạo. Đại đội địa phương của Tuy Hòa 2 sau khi tấn công vào khu vực gần nhà thờ Tuy Hòa cũng đã rút về, chỉ duy nhất còn Tiểu đoàn 12 trụ lại.

 

Trưa 30/1, Mỹ dùng máy bay trực thăng đưa 1 tiểu đoàn của Lữ đoàn 173 Mỹ đang đóng quân ở giếng Tiên, Chà Rang về tăng cường cho quân ngụy tiến công vào xóm Đạo. Các đợt tiến công này của địch đều bị Tiểu đoàn 12 bẻ gãy, tiêu diệt nhiều tên địch. Đến 13 giờ ngày 30/1 chúng điều động 2 đại đội thuộc Lữ đoàn dù 173 của Mỹ, dùng máy bay trực thăng vũ trang đánh phá ác liệt, tổ chức tấn công. Các trận địa pháo của địch bắn dồn dập vào trận địa của Đại đội 1, nhiều công sự của ta bị sập, một số đồng chí bị thương vong, số còn lại dồn về chỉ huy sở. 13 giờ 30 ngày 30/1, địch lại dùng máy bay thả bom napan trúng sở chỉ huy, đồng chí Hùng, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Bán, Chính trị viên tiểu đoàn đều hy sinh; đồng chí Xuy, Phó Chính ủy Trung đoàn 10 đi chỉ huy trực tiếp bị thương nặng. Với quyết tâm cao và lòng căm thù giặc sâu sắc thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn 12 kiên quyết đánh địch giữ vững trận địa. Đến 15 giờ ngày 30/1 địch dùng bom pháo hủy diệt trận địa ta. Do địa hình khu vực trận địa chủ yếu là cát nên rất khó đào công sự, trong khi mật độ bom pháo của địch quá dày nên lực lượng ta bị thương vong nặng. Chỉ huy Tiểu đoàn 12 động viên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm giữ vững trận địa, chiến đấu tới người cuối cùng. 18 giờ cùng ngày, tiểu đoàn tổ chức rút lui. Đây là trận đánh mà Tiểu đoàn 12 bị tổn thất nặng nhất, quân số khi về đến đơn vị chỉ còn 30 đồng chí, toàn bộ Ban chỉ huy Tiểu đoàn 12 đều hy sinh.

 

Sau trận chiến đấu này, ngày 13/2/1968, Bộ Tư lệnh Phân khu Nam đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì cho Tiểu đoàn 12 và bốn Huân chương Chiến công cho bốn cán bộ, chiến sĩ trong tiểu đoàn.

 

Cũng trong đêm 29 rạng sáng 30/1, tất cả các huyện lỵ, chi khu, thị trấn trong tỉnh đều bị ta tấn công. Phối hợp với các mũi tiến công của lực lượng vũ trang, mũi nổi dậy của quần chúng cũng được Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai trên các hướng.

 

Các huyện ủy và Ban chỉ huy đấu tranh chính trị binh vận các huyện sử dụng lực lượng tại chỗ để tấn công và nổi dậy tại địa phương theo kế hoạch, đối tượng tấn công là ngụy quân, ngụy quyền, lôi kéo làm tan rã binh lính địch, chiếm trụ sở xã, phá ấp chiến lược, kêu gọi dân vệ tan rã, kêu gọi thanh niên thoát ly tham gia du kích.

 

Đến chiều 31/1, tại Sở chỉ huy tiền phương (gộp Mòng Mòng, xã Hòa Quang), Thường vụ Phân khu ủy và Đảng ủy A9 họp đánh giá tình hình và quyết định tập trung lực lượng tiến công địch trong TX Tuy Hòa lần thứ 2 theo lệnh động viên của Bộ Tư lệnh Quân khu: “Hãy xông lên với khí thế dời non lấp biển, với tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh! Trút căm thù lên đầu lê mũi súng, trả thù nhà, đền nợ nước, kiên quyết diệt địch đến cùng! Giặc Mỹ và bọn tay sai nhất định thất bại!”. Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Lương Công Huề - Bí thư Đảng ủy A9 cùng đồng chí Cao Long, Phó Tư lệnh Phân khu Nam trực tiếp chỉ đạo thực hiện phương án tác chiến.

 

Hướng TX Tuy Hòa, chỉ huy tiền phương phân công đồng chí Nguyễn Tất Liêu - Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 85, một bộ phận của Tiểu đoàn 12 và Đại đội 202 tấn công vào thị xã trong đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5/2.

 

Bộ đội địa phương Phú Yên tại vùng căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: Tư liệu

 

Tiểu đoàn 85 được tăng cường 1 trung đội của Tiểu đoàn 12 làm đội dự bị phối hợp với Đại đội Đặc công 202 tiến công vào TX Tuy Hòa. Song do yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, địch chủ động sẵn sàng phản kích. Đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/2, Tiểu đoàn 12 tấn công theo một trục từ sân bay Khu Chiến đánh chiếm nhà ga Tuy Hòa. Địch hoảng sợ bỏ chạy, ta nhanh chóng đánh chiếm nhà ga. Đại đội 1 theo đường Lê Lợi đánh chiếm Nhà máy đèn, bắt liên lạc với Đại đội 202 và Trung đội Quyết Thắng đánh chiếm Ty cảnh sát. Đại đội 3 phát triển theo đường Trần Hưng Đạo đánh chiếm trụ sở Đô Thành (góc đường Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng), diệt một số tên địch và làm chủ trục đường. Trước lúc trời sáng, Tiểu đoàn 85 đánh chiếm làm chủ khu phố Trần Hưng Đạo (khu Nhà máy điện, trục đường Trần Hưng Đạo, khu chợ, nhà ga Tuy Hòa). Trời sáng, chỉ huy tiểu đoàn quyết định ngừng tấn công, tổ chức triển khai đội hình chuẩn bị đánh địch phản kích. Lực lượng nổi dậy bên trong huy động quần chúng đón tiếp bộ đội. Người thì chuẩn bị cơm, người thì đem quà bánh Tết ra mời bộ đội ăn, giúp bộ đội xây dựng công sự, chỉ đường, cho vật liệu xây dựng công sự.

 

7 giờ sáng 5/2, địch dùng máy bay trực thăng vũ trang bắn rốc-két theo trục đường Trần Hưng Đạo, dùng súng ĐKZ, pháo từ núi Nhạn bắn xuống các nhà cao tầng làm bị thương nhân dân. Đội sơ cứu của Tiểu đoàn 85 kịp thời băng bó cứu chữa cho nhân dân. Những hành động, cử chỉ của cán bộ, chiến sĩ ta được nhân dân mến phục. Mặc dù địch dùng loa hù dọa hủy diệt các khu phố nhưng nhân dân kiên quyết bám trụ cùng bộ đội. Lần đầu tiên Tiểu đoàn 85 đánh địch ban ngày trong thị xã nhưng được sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân đã tạo thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ trong tiểu đoàn chiến đấu. Khi địch phản kích bằng hỏa lực dữ dội, cơ sở cốt cán vận động nhân dân cùng bộ đội làm công sự, dùng bất cứ vật gì trong nhà có thể làm được để cho tầm hỏa lực của địch; vận động dân cho đục tường giữa nhà này sang nhà khác để bộ đội ta làm chiến hào chiến đấu trong thị xã. Các đợt tiến công của bộ binh địch từ các hướng đến khu phố Trần Hưng Đạo đều bị tiểu đoàn đánh lui.

 

Tối 5/2, Đảng ủy và Ban chỉ huy tiểu đoàn họp quyết định rút ra khỏi thị xã về căn cứ. Hướng rút lui một hướng theo đường Lê Lợi qua chùa Cát, một hướng theo trục hành quân. Do việc tổ chức bảo đảm hành quân chưa tốt nên trên đường ra rút quân địch đã phát hiện dùng pháo bắn chặn, gây cho ta một số thương vong.

 

Hợp đồng với mục tiêu chủ yếu, ở huyện Tuy Hòa 1, đêm mùng 3 rạng ngày 4/2/1968, Tiểu đoàn 14-30 đặc công đã dùng cối 82 ly pháo kích cảng Vũng Rô, sân bay Đông Tác (mỗi điểm bắn 40 quả đạn). Đại đội 7 (Tiểu đoàn 14) tổ chức 1 mũi 9 đồng chí phối hợp cùng 1 tổ du kích Hòa Hiệp luồn sâu tập kích vào khu hậu cần và công binh của Mỹ ở Lò 2, Lò 3 đánh sập 5 trại lính, làm cháy 1 nhà kho, thu 2 súng AR15; ta hy sinh 1, bị thương 2 đồng chí. Đại đội 1 (Tiểu đoàn 14) tập kích Trung đội Nam Triều Tiên ở Phú Lương, đánh thiệt hại nặng trung đội này, buộc chúng ngày hôm sau phải bỏ chốt. Đại đội 3 và Đại đội 5 (Tiểu đoàn 14) tập kích vào Phước Bình (Hòa Thành) - nơi đóng quân của Đại đội 3 (Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 47 ngụy) loại khỏi vòng chiếu đấu 40 tên.

 

Đêm 6/2, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 14) và Đại đội Bộ binh 377 của huyện đã liên tục quần bám đánh địch ở Hòa Thành, Hòa Bình, Hòa Tân.

 

Tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, Sơn Hòa… lực lượng ta đánh tan bộ máy kìm kẹp của địch. Tính chung trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy đợt 1 (từ ngày 30/1-5/2), các lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên loại khỏi vòng chiến đấu 1.114 quân địch, phá hủy 47 máy bay các loại, 26 xe quân sự, 5 xe M113 và M118, 10 khẩu pháo từ 105 ly đến 155 ly, thu gần 50 máy thông tin các loại.

 

Ngày 12/2/1968, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức họp tại thôn Phong Cao (Sơn Hòa) có đại diện của Phân khu Nam, cán bộ các tiểu đoàn, trung đoàn, Tỉnh đội, các đồng chí Bí thư Huyện ủy về dự đông đủ. Hội nghị sơ bộ đánh giá, rút kinh nghiệm hai lần tấn công, đồng thời bàn chủ trương mở đợt tấn công tiếp theo theo chỉ thị của Khu ủy.

 

Tổng tiến công và nổi dậy đợt 1 Xuân 1968 (T25) trên địa bàn tỉnh đã tạo tiếng vang, tác động to lớn, làm rung động ngụy quân, ngụy quyền, tạo niềm tin thắng lợi cho nhân dân trong tỉnh, song qua chiến đấu lực lượng ta cũng tổn thất khá lớn do ta chưa đánh giá đúng thực lực của địch.

 

Máy bay L19 của địch bay thám thính trên trận địa của ta ở xóm Chùa, Ninh Tịnh trong mùa xuân 1968 - Ảnh: Tư liệu

 

Tổng tiến công và nổi dậy đợt 2

 

Sau khi kết thúc hoạt động đợt 1, Tỉnh ủy và Đảng ủy A9 chủ trương đẩy mạnh hoạt động du kích, sử dụng một số đơn vị tập trung đánh diệt từ 1-2 đại đội của Trung đoàn 47, bao vây, pháo kích vào quận lỵ, căn cứ địch. Nhưng sau Tổng tiến công và nổi dậy đợt 1, nhiều đơn vị thiếu quân số, thiếu đạn không thực hiện được. Và cũng do hoạt động quân sự yếu nên địch rút bớt lực lượng đi tăng viện cho các chiến trường khác. Địch cũng rút bớt lực lượng ở các quận về tăng cường phòng thủ TX Tuy Hòa. Chúng dùng Lữ đoàn dù 173 Mỹ và Trung đoàn 47 ngụy mở rộng tuyến phòng thủ thị xã, rút một số chốt điểm quân Nam Triều Tiên để tăng thêm quân cơ động.

 

Thực hiện quyết tâm và phương án của Thường vụ Tỉnh ủy và Đảng ủy A9, đêm ngày 3 rạng ngày 4/3 quân và dân toàn tỉnh tổ chức tiến công đợt 2 (T26) đánh vào TX Tuy Hòa và các quận lỵ, chi khu. Mục tiêu tiến công và nổi dậy là tập trung lực lượng, phương tiện với nỗ lực cao nhất để đánh chiếm TX Tuy Hòa, các quận lỵ, chi khu, diệt sinh lực địch, phá phương tiện chiến tranh, hỗ trợ quần chúng đứng lên phá ấp trở về làng cũ.

 

Tại chiến trường trọng điểm TX Tuy Hòa, bộ phận chỉ huy trực tiếp gồm các đồng chí Hà Phùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Bí thư Thị ủy; Nguyễn Tất Liêu, Tỉnh đội trưởng; Đỗ Khánh Đáp (Khánh), Chính trị viên phó Tỉnh đội; Nguyễn Ngọc Trác, Trưởng Ban An ninh tỉnh. Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Thế Bảo, Phó Ban An ninh tỉnh; Nguyễn Ánh Hồng, Tham mưu phó Tỉnh đội; Cao Kỳ Trí, Phó Bí thư Thị ủy và một số đồng chí Thường vụ Thị ủy đi theo bộ đội vào nội thị chỉ đạo. Lực lượng đánh vào thị xã gồm Tiểu đoàn 85, Tiểu đoàn 12, Đại đội 202 và Đại đội Quyết Thắng của Thị đội Tuy Hòa.

 

Tiểu đoàn 85 tổ chức thành hai cánh quân, hướng chủ yếu do Đại đội 3 cùng Đại đội 202 đặc công đánh thẳng vào Trung đoàn 47 ngụy, cánh quân thứ hai do Đại đội 2 đảm nhiệm tiến theo ven bờ biển vào Trung đoàn bộ 47.

 

Đại đội 202 chia làm bốn mũi: Mũi 1, có 9 đồng chí đánh vào khu Tỉnh đường và khu cố vấn Mỹ; mũi 2 có 10 đồng chí đánh vào trung tâm Trung đoàn Bộ 47; mũi 3 có 9 đồng chí đánh trung tâm huấn luyện của Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 47; Mũi 4 có 9 đồng chí đánh vào Tỉnh đường ngụy quyền và khu cố vấn Mỹ. Trang bị mỗi mũi 5 tiểu liên AK, mỗi đồng chí 15 quả lựu đạn và 5kg bộc phá. Ngoài ra còn có hai khẩu B40 (đơn vị mượn của Trung đoàn Ngô Quyền) trang bị cho mũi 1 và mũi 2.

 

Đêm ngày 3 rạng ngày 4/3, Tiểu đoàn 85 cùng Đại đội Đặc công 202 trên đường tiến hành tiếp cận Trung đoàn 47 và sở Mỹ thì bị địch phát hiện nổ súng. Mặc dù trận chiến đấu gặp khó khăn từ phút đầu nhưng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 85 và Đại đội 202 vẫn kiên quyết tiến công.

 

Ban An ninh tỉnh Phú Yên tham gia chiến dịch T25 (Mậu Thân 1968) - Ảnh: Tư liệu

 

Quá trình tiến công, hai đơn vị gặp nhiều khó khăn ngay từ phút đầu, bị địch phản kích quyết liệt. Các mũi xông lên dùng bộc phá phá rào, nhưng cả hai lần bộc phá vẫn không phá hết dây thép gai, lực lượng xung kích không tiến vào bên trong tuyến phòng thủ của địch được. Hỏa lực của địch từ các lô cốt bắn ra dữ dội, Tiểu đoàn 85 bị thương vong khá nhiều. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 85 bình tĩnh dùng B40, B41, ĐKZ bắn diệt từng lô cốt, đánh chiếm được một phần Trung đoàn Bộ 47 nhưng không làm chủ được trận địa, do bên trong có nhiều lớp rào kẽm gai ngăn chặn. Đồng chí Lê Trung Kiên, Đại đội trưởng Đại đội 202 vượt lên phía trước dẫn đại đội tìm cách vượt rào thì bị trúng đạn, hy sinh. Đồng chí Nguyễn Thành Út, Chính trị viên tiếp tục chỉ huy đại đội chiến đấu, nhưng vì hết bộc phá không làm chủ được trận địa, phải tổ chức rút lui. Mũi đồng chí Nguyễn Hiếu đánh vào khu Tỉnh đường và khu cố vẫn Mỹ, trên đường tiếp cận mục tiêu, bị địch phát hiện, hai bên đánh nhau ác liệt, toàn bộ cả mũi hy sinh. Mũi đồng chí Nguyễn Hiệp và đồng chí Trần Văn Nhẫn cũng không làm chủ được mục tiêu. Mũi này rạng sáng 4/3 rút về An Chấn. Lúc này các trận địa pháo của địch ở gò Đá, Nhạn Tháp bắn cấp tập vào đội hình ta. Trời sáng, ta phải lui về khu Ninh Tịnh trụ lại đánh địch phản công…

 

Ở các huyện, trong đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5/3 cùng đồng loạt nổ súng tấn công đánh vào các quận lỵ, chi khu diệt nhiều địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, đưa dân về làng cũ. Nhiều nơi bọn ngụy quyền cấp xã bỏ trốn, nhiều trung đội dân vệ tan rã.

 

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đợt 2 ở Phú Yên, ta giải phóng 10 xã, 13 thôn, đưa 23.000 người dân trở về làng cũ.

 

Kiểm điểm chiến dịch T25 (T25 mật danh chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968), Hội nghị Đảng ủy A9 và Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên (ngày 16/3/1968) đã nghiêm túc rút ra những ưu điểm, khuyết điểm trong chỉ đạo, chỉ huy, nêu lên những nguyên nhân đưa đến những khuyết điểm “Về tổ chức thực hiện, chỉ đạo, chỉ huy còn phạm nhiều khuyết nhược điểm. Nhận thức về tổng công kích, tổng khởi nghĩa còn lệch lạc, chỉ dốc sức đánh vài ba ngày là xong, thiếu chuẩn bị mọi mặt và kiểm tra chu đáo, nắm và vận dụng các mối quan hệ chưa tốt, công tác chuẩn bị không bảo đảm để thực hiện quyết tâm…”.

 

Trong chiến dịch T26, yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, nhưng lực lượng ta nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh tiến công của cấp trên, đồng bào chiến sĩ của ta đã dũng cảm chiến đấu, tất cả vì sự nghiệp cách mạng và đã chịu nhiều hy sinh, mất mát.

 

Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, các đơn vị tập trung tỉnh, huyện đều thiếu quân số, thiếu súng đạn, đời sống đói kém. Địch lại tăng cường dùng chất độc hóa học để phá hoại sản xuất vùng căn cứ. Các đơn vị vừa tổ chức đánh phản kích, khai thông các cửa khẩu để mua lương thực, thực phẩm. Mặt khác, tận thu sắn, bắp để chế biến sử dụng và nhờ sự giúp đỡ chi viện lương thực, hoa màu của nhân dân các tỉnh bạn Gia Lai, Đắk Lắk.

 

Dù chưa đạt được những mục tiêu chiến lược đã đề ra, nhưng thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 là to lớn.

 

Thắng lợi Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Phú Yên là tổng hợp sức người, sức của to lớn của quân và dân trong tỉnh, đã góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, buộc chúng phải ngồi lại đàm phán với ta ở Pa-ri.

 

Bài học lớn nhất của Tết Mậu Thân năm 1968 là ý chí kiên cường, anh dũng, quyết tâm cao; biết dựa vào dân, biết phát huy sức mạnh tổng hợp; thống nhất và kỷ luật. Quân và dân Phú Yên đã góp xương máu của mình cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 lịch sử, là sự cống hiến to lớn và cao cả, góp phần cùng với cả nước đập tan ý đồ xâm lược Việt Nam lâu dài của đế quốc Mỹ và tạo tiền đề cho toàn thắng mùa xuân năm 1975.

 

HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek