Được gặp Bác là cả một vinh dự lớn lao của nhân dân và cán bộ chiến sĩ miền Nam. Thập niên 50-60 của thế kỷ trước, người cán bộ ngoại giao, nhà báo Hồng Phú, một người con của Phú Yên đã may mắn hơn thế. Không chỉ được gặp, mà ông còn được Bác mời cơm, làm việc với Bác... Ở tuổi ngoài thất thập, nhà báo Hồng Phú, GS-TS Trình Quang Phú bồi hồi xúc động khi kể về những kỷ niệm thiêng liêng những ngày bên Bác Hồ.
BẤT NGỜ KHI ĐƯỢC TẶNG HUY HIỆU BÁC HỒ
Cuối năm 1954, Trình Quang Phú được Tỉnh ủy Phú Yên đưa ra miền Bắc học tập và được bổ sung vào trung đội Thiếu sinh quân Liên khu 5, chuẩn bị tập kết. Một hôm, thiếu tướng Nguyễn Chánh, Tư lệnh quân khu 5 ghé thăm đơn vị. Ông ân cần thăm hỏi, khen ngợi và tặng ảnh Bác Hồ. Đó là ảnh Bác được cắt từ Báo Nhân dân Liên khu 5 và được bồi trên một tấm bìa cứng. Cả trung đội của Hồng Phú chuyền tay nhau ngắm hình Bác một cách sung sướng, vì đây là phần thưởng của Quân khu tặng và là lần đầu tiên một cậu học sinh miền Nam có được tấm ảnh Bác. “Hôm xuống Quy Nhơn để tập kết, một bà mẹ đến xoa đầu tôi và nói: Tụi con ra Bắc sẽ gặp cụ Hồ, nhớ thưa, bà con miền Nam mong được gặp cụ Hồ. Bà ước ao có được một tấm ảnh Bác. Nghe bà nói, tôi xúc động đến nghẹn ngào, mở ba lô lấy tấm ảnh Bác ra định cho bà xem, nhưng khi thấy người mẹ có người con gái độc nhất hy sinh trong chiến đấu, trân trọng ấp tấm ảnh vào ngực, tôi quyết định tặng bà tấm ảnh Bác. Bà mẹ nói trong nước mắt: Cảm ơn cháu đã tặng cô tấm ảnh thiêng liêng này...”, GS-TS Trình Quang Phú nhớ lại.
Tháng 2/1955, trung đội của Trình Quang Phú tập kết ra Thanh Hóa rồi về đóng quân ở Hà Nội. Quốc khánh 2/9 năm đó, lần đầu tiên Nhà nước tổ chức mít tinh và duyệt binh diễu hành ở Quảng trường Ba Đình. Lần đầu tiên đoàn thiếu sinh quân và cán bộ miền Nam nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt. Không ai bảo ai, đoàn diễu hành đi chậm lại và dừng hẳn để vẫy chào Bác, để được ngắm Bác lâu hơn.
Năm 1957, khi đang học văn hóa ở Trường học sinh miền Nam, cậu học trò Trình Quang Phú vinh dự được chính Bác gửi tặng huy hiệu cao quý. GS Phú nhớ lại: Một buổi sáng, tôi đi tưới cây sân trường thì phát hiện cây bút máy đen bóng, quá đẹp, có hiệu anh hùng, là loại bút sang thời đó. Biết là bút quý của thầy cô nào đánh rơi, tôi mang đến thầy Hiệu trưởng Dương Văn Diêu nhờ thầy tìm trả lại cho người mất. Thầy Diêu nhận cây bút và hoan nghênh tôi. Câu chuyện đơn giản thế thôi, không ngờ được nhà trường báo về Khu Giáo dục học sinh miền Nam và khu đã báo cáo với Bác. Bác gửi tặng tôi huy hiệu của Bác biểu dương tính thật thà. Suốt tuần lễ đó, tôi không dám mặc chiếc áo có gắn huy hiệu Bác Hồ mà chỉ treo trên tường để ngắm như báu vật... Sau đó, tôi được biết thêm rằng Bác đã dặn Khu Giáo dục học sinh miền Nam nhớ báo cho Bác khi học sinh có hành động dũng cảm, thật thà để Bác kịp thời khen, động viên. 10 ngày trước lúc từ giã cõi trần, Bác vẫn còn tặng huy hiệu cho 7 thiếu niên thật thà, dũng cảm.
Chuyện Bác tặng huy hiệu cho tôi đã hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn không phai mờ. Chính huy hiệu Bác Hồ đã cho tôi thêm sức mạnh, niềm tin, vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ.
NHỮNG BÀI HỌC SÂU SẮC
Một bài học mà theo GS-TS Trình Quang Phú nó theo ông suốt đời, đó là bài học về tính tiết kiệm và kỷ cương làm việc. Câu chuyện diễn ra năm 1961, ở Hưng Yên tại hội nghị Thủy lợi toàn quốc. GS Phú kể:
Đúng giờ khai mạc, Bác mặc bộ bà ba nâu bước vào hội trường trong tiếng vỗ tay vang dội. Bác giơ tay ra hiệu im lặng và đứng ngay sát hàng ghế đầu, hỏi: “Bác nói thế này các cháu ngồi sau có nghe được không?”. Mọi người đồng thanh: “Có ạ”. Bác liền phê bình: “Chỉ bấy nhiêu người thế này mà cũng mi-cờ-rô” và Bác đứng ngay sát hàng ghế đầu để phát biểu.
Bác điểm danh một số tỉnh làm thủy lợi chưa tốt và Bác hỏi: Nghệ An, Chủ tịch có đây không?
Hội trường im phăng phắc.
Đồng chí Trưởng Ty Thủy lợi Nghệ An đứng dậy: Thưa Bác, đồng chí Chủ tịch có việc đột xuất nên vắng mặt.
Bác nghiêm khắc: Như thế là bỏ hội nghị ra về? Bác phê bình Chủ tịch Nghệ An.
Bác hỏi: Năm rồi Nghệ An bình quân một người dân làm được mấy mét khối thủy lợi?
- Dạ gần 5m3 tính theo đầu người!
Bác quay sang đồng chí Mai Văn Hách, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên: Hưng Yên năm rồi đạt bao nhiêu?
- Dạ thưa Bác, hơn 47m3 ạ.
Bác quay sang phía Trưởng ty Nghệ An: Chú nghe rõ không? Nghệ An làm không bằng cái lẻ của Hưng Yên? Vì sao thế? Dân Nghệ nhà choa (quê tôi) có truyền thống cách mạng anh hùng lắm, đâu đến nỗi như vầy. Khuyết điểm là ở quan niệm, ở cách lãnh đạo của tỉnh, phải tổ chức làm cho tốt…
Cũng dịp đó, khi dự mít tinh ở sân vận động, biết tôi là tác giả bài báo về kiện tướng thủy lợi Phạm Thị Vách đăng trên Báo Nhân Dân, Bác bắt tay tôi và cười: “Cháu viết tốt, bài báo có tính thời sự”. Tôi quá xúc động, hai tay bắt tay Bác mà người cứ run lên. Hôm đó, Bác lại khen và quyết định tặng chị Vách một lần nữa huy hiệu của Bác. Cả sân vận động vỗ tay hoan hô kéo dài như sóng trào dâng. Bác gắn huy hiệu cho chị Vách, mà trong tôi trào dâng sung sướng như được Bác gắn huy hiệu cho mình.
* * *
Cuối năm 1968, Trình Quang Phú được cử đi phục vụ Hội nghị Paris, dưới danh nghĩa nhà báo để làm nhiệm vụ trinh sát chiến lược. Tình hình phức tạp, nhà báo Hồng Phú nhận nhiệm vụ mang cả tài liệu về nước báo cáo gấp và lần đó ông được báo cáo trực tiếp với Bác sau khi làm việc với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và đồng chí Lê Toàn Thư.
GS Trình Quang Phú nhớ lại: Tôi được Bác cho gọi lên báo cáo công việc nên rất bồn chồn. Hôm đó, Bác hỏi tỉ mỉ về tình hình dư luận, từ các nhà báo quốc tế, nhân dân Paris về các phản ứng của phía Mỹ và đoàn ngụy Sài Gòn mà tôi biết được. Tôi thưa với Bác bằng tất cả sự hiểu biết còn non trẻ của mình. Khi nghe tôi nói về những nhận định của nữ nhà báo Pháp MadelenRipfo rằng: Tình hình có khó khăn thế nào rồi Mỹ cũng phải chấp nhận vì họ đang suy yếu ở chiến trường. Bác gật đầu: “Ta đang ở thế thượng phong”. Cuối buổi làm việc, Bác nhắc: “Phải luôn giữ bí mật, giữ được bí mật mới hoàn thành nhiệm vụ và cũng là bảo vệ tính mạng mình, cháu nhớ giữ bí mật như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Sau buổi làm việc hôm đó, chúng tôi được ăn cơm với Bác - một bữa cơm đạm bạc và ấm áp.
Mùa xuân này tôi đã ngoài 75 và Bác đã đi xa gần 50 năm, nhưng những lời dạy, kỷ niệm với Bác, tình Bác vẫn theo tôi suốt từng năm tháng.
TRẦN QUỚI
(ghi theo lời kể của GS-TS Trình Quang Phú)