Thứ Sáu, 25/10/2024 13:27 CH
Cảo thơm lần giở trước đèn
Thứ Bảy, 17/02/2018 08:00 SA

Bác Hồ thăm hỏi nông dân - Ảnh: Tư liệu

Hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ Hoàng Trung Thông (tác giả của những vần thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”) khi đọc thơ Bác Hồ đã cảm khái rằng:

 

Con đọc trăm bài, trăm ý đẹp

Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh

Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình

 

Bậc tiền bối Hoàng Trung Thông là nhà thơ, cảm nhận về thơ Bác Hồ sâu lắng, mênh mông. Chúng tôi những người làm báo, thế hệ sau bậc tiền bối Hoàng Trung Thông, học tập Bác Hồ qua những tác phẩm báo chí của Người được in trong Hồ Chí Minh toàn tập - dù năm tháng qua đi, vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự.

 

Khi đến thăm và nói chuyện với cán bộ phân viện II trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tháng 7/1955, Người nói: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài… Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch. Lấy đồng hồ làm thí dụ; bộ máy đồng hồ phải chạy đều, muốn chạy đều phải sạch sẽ. Đảng muốn trong sạch, mạnh mẽ thì mỗi bộ phận, mỗi đảng viên phải trong sạch, mạnh mẽ (1).

 

Trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945 (đăng trên báo Cứu quốc số 69), Người chỉ rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (2).

 

Báo Cứu quốc số 101 ngày 26/11/1945 đăng Sắc lệnh số 64 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt, có nhiệm vụ giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các ủy ban nhân dân, các cơ quan của Chính phủ và quy định quyền hạn của Ban Thanh tra này. Thiết lập ngay tại Hà Nội một Tòa án đặc biệt để xử những nhân viên của các ủy ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra đặc biệt truy tố…

 

Báo Sự thật số 100 (ngày 23/9/1948) đăng bài “Cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” của Bác Hồ (ký tên X.Y.Z). Trong đó, Người chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc, phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn vô Chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”.

 

Báo Cứu quốc (số 46 ngày 19/9/1945) đăng bài “Chính phủ là công bộc của dân” của Bác Hồ (ký tên Chiến Thắng) nêu rõ: “Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy… Các ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức chính phủ địa phương phải chọn trong những người trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các ủy ban đó. Ủy ban nhân dân làng trái với các Hội đồng kỳ mục cũ thối nát… Những nhân viên ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa ủy ban để gây bè kéo cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình”.

 

Trả lời phỏng vấn báo Cứu quốc (số 128 ngày 27/12/1945) về câu hỏi: “Sao Chính phủ chỉ có 10 bộ”, Bác Hồ nói: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”.

 

Hát múa ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: MINH CHÂU

 

Ngày 30/12/1967, Bác Hồ dự họp Hội đồng Chính phủ. Người nói: “Tôi đề nghị các vị bộ trưởng nên luyện cho mình có đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ, không nên ngồi ở bàn giấy theo kiểu “đạo nhân phòng thủ”; phải khắc phục tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm” (3).

 

Báo Cứu quốc (số 394 ngày 3/11/1946) đưa tin về phiên họp ngày 31/10/1946 của Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, Bác Hồ đọc lời “tuyên bố trước Quốc hội, quốc dân và trước thế giới; Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”. Trong bài tư cách và đạo đức cách mạng(4), Bác Hồ yêu cầu cán bộ rèn luyện tu dưỡng để có 5 tính tốt: “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Đặc biệt, Bác Hồ nhấn mạnh chữ “liêm” theo quan điểm mới: “Liêm là không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

 

Bác Hồ chỉ ra rất nhiều căn bệnh nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân mà người ví là những thứ vi trùng rất độc, ví dụ như bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ (tự cao tự đại, tự cho mình là anh hùng, lãnh tụ), hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, bệnh “cận thị” (không nhìn xa trông rộng), bệnh lười biếng, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh a dua…

 

Trên bốn số báo Cứu quốc (30/5-2/6/1949) với bút danh là Quyết Thắng, Bác Hồ phân tích cặn kẽ về cần, kiệm, liêm, chính. Riêng về chữ “liêm”, Bác Hồ phân tích: Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân thì gọi là liêm. Chữ liêm ấy có nghĩa hẹp. Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm. Cũng như chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần. Có kiệm mới liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon… là bất liêm…

 

Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”. Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc.

 

Trời có bốn mùa:

xuân, hạ, thu, đông

Đất có bốn phương:

đông, tây, nam, bắc

Người có bốn đức:

cần, kiệm, liêm, chính

Thiếu một mùa thì

không thành trời

Thiếu một phương

thì không thành đất

Thiếu một đức

thì không thành người…

 

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gồm hai vế học tập và làm theo, có học tập chu đáo mới có thể làm theo. Thế hệ hậu sinh học tập Bác Hồ qua di sản tinh thần đồ sộ mà Bác để lại cho muôn đời sau.

 

-----------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Sự thật, Hà Nội 1957, trang 291-294

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Sự thật, Hà Nội 1984, trang 35-37

(3) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 10, trang 139

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, trang 249-268

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek