(Kèm theo Nghị quyết số 86/2007/NQ/HĐND ngày 7 tháng 12 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên)
LTS: Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa V vừa thông qua Nghị quyết về Chính sách đào tạo sau đại học đến năm 2015 phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Yên. Báo Phú Yên xin giới thiệu “Chính sách và kế hoạch đào tạo sau đại học đến năm 2015 phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Yên” cùng bạn đọc.
1. Mục tiêu đào tạo sau đại học
Xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nòng cốt, chuyên gia đầu đàn có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh nhà.
2. Đối tượng đào tạo
- Cán bộ, công chức, viên chức đang làm trong bộ máy hành chính sự nghiệp của tổ chức, Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và trong các doanh nghiệp nhà nước.
- Công dân có hộ khẩu thường trú tại Phú Yên đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, đủ điều kiện theo qui định.
- Các đối tượng trên phải cam kết sau khi tốt nghiệp phải làm việc cho tỉnh Phú Yên từ 10 năm trở lên (ngoại trừ điều động, đề bạt của cấp trên).
3. Ngành nghề, số lượng đào tạo
Các ngành mà tỉnh đang thiếu, đang cần có trình độ cao sau đại học như: công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, y tế, kinh tế, công nghệ môi trường và phát triển bền vững lọc dầu, hóa dầu, văn hóa du lịch, luật pháp quốc tế,… ưu tiên đào tạo đủ cán bộ giảng dạy cho Trường Đại học Phú Yên và các trường cao đẳng của tỉnh gồm: 90 thạc sĩ; 60 tiến sĩ; 50 chuyên sâu tiếng Anh (ngoại ngữ khác sẽ đào tạo sau).
4. Phương thức đào tạo
- Đào tạo trong nước:
+ Do các trường Đại học, Học viện Việt
+ Do các trường Đại học, Học viện có yếu tố nước ngoài đào tạo gồm: 20 thạc sĩ, 50 chuyên sâu tiếng Anh giai đoạn 1.
- Đào tạo nước ngoài gồm:
+ 10 thạc sĩ và 10 tiến sĩ;
+ Đào tạo giai đoạn 2 cho 50 chuyên sâu tiếng Anh ở một số nước nói tiếng Anh ít nhất 1 năm, đã hoàn thành giai đoạn 1.
5. Loại hình đào tạo
- Đào tạo trong nước: Hệ chính qui không tập trung (vừa làm, vừa học 1 năm tập trung 1 số kỳ để học).
- Đào tạo nước ngoài: Hệ chính qui tập trung.
6. Về kinh phí đào tạo
a) Ngân sách tỉnh cấp: Dự toán hỗ trợ tài liệu, học phí, làm luận văn như sau:
+ Thạc sĩ trong nước: 50 triệu đồng/người/khóa;
+ Thạc sĩ trong nước có yếu tố nước ngoài: 150 triệu đồng/người/năm (9.000 USD);
+ Thạc sĩ nước ngoài: 400 triệu đồng/người/khóa (24.000 – 25.000 USD);
+ Tiến sĩ trong nước: 100 triệu đồng/người/khóa.
+ Tiến sĩ ngoài nước: 500 triệu đồng/người/khóa (30.000 – 32.000 USD).
+ Chuyên sâu tiếng Anh: 100 triệu đồng/người/khóa.
Tổng kinh phí: 25 tỉ đồng từ năm 2008 đến năm 2015, bình quân 3,2 tỉ đồng/năm.
(Kinh phí có thể thay đổi theo thời điểm và theo từng trường đào tạo sẽ điều chỉnh bổ sung phù hợp).
b) Kinh phí ăn, ở, đi lại, chi khác: do cá nhân, gia đình, huy động các nguồn tài trợ. Nếu có khó khăn thì nhà nước cho vay ưu đãi theo Chỉ thị 21/2007 của Thủ tướng Chính phủ đủ để hoàn thành khóa học, sẽ trả dần sau khi tốt nghiệp trong thời gian nhất định theo ký kết hợp đồng.
7. Về chế độ, chính sách
Tiếp tục thực hiện chế độ hỗ trợ đào tạo cho cán bộ, công chức sau đại học theo quy định tại Quyết định số 596/2001/QĐ-UB, ngày 15/3/2001 và Hướng dẫn số 194/HD-UB ngày 13/02/2006 của UBND tỉnh Phú Yên, có sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
8. Về công tác qui hoạch đào tạo
Thực hiện tốt công tác qui hoạch cán bộ, để đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức đồng bộ (đúng nguồn, đúng độ tuổi, đúng chuyên ngành). Xây dựng cơ chế quản lý, giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo và kết quả sau đào tạo.
9. Về bồi thường kinh phí đào tạo đối với cán bộ, công chức không thực hiện đúng cam kết
Thực hiện theo Nghị định số 54/2005/NĐ-CP, ngày 19/4/2005 của Chính phủ. Học không tốt nghiệp bồi hoàn kinh phí đã cấp.