Thứ Sáu, 11/10/2024 11:27 SA
Tập trung xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp và du lịch
Thứ Bảy, 09/12/2017 09:38 SA

Sáng 8/12, ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VII, các đại biểu làm việc tại hội trường, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nguyên nhân nhiều xã trong tỉnh không giữ vững được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, và nợ đọng triển khai chương trình này ở mức cao; những tồn tại, hạn chế khi thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; các giải pháp phát triển ngành Du lịch tỉnh trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng

Nhiều xã không giữ vững tiêu chí nông thôn mới

 

Liên quan đến nguyên nhân các xã trong tỉnh không giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nợ đọng xây dựng cơ bản của chương trình này; giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Đến tháng 9/2017, trong số 31 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016 thì có 24 xã không giữ vững một số tiêu chí theo quy định. Đến tháng 11/2017, sau khi rà soát thì còn 10 xã không giữ vững một số tiêu chí theo quy định. Nguyên nhân, ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1980 về ban hành bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020 thay thế các quy định, tiêu chí trước đây. Theo đó, một số chỉ tiêu, tiêu chí mới được sửa đổi, bổ sung ở mức cao hơn, một số xã đạt chuẩn nông thôn mới khi rà soát, đánh giá thì chưa đáp ứng theo yêu cầu. Đối với tiêu chí số 10 về thu nhập bình quân đầu người/năm, hàng năm tăng theo quy định nên so với thời điểm xét đạt chuẩn, một số địa phương vẫn chưa đạt.

 

Về giải pháp khắc phục, theo ông Nguyễn Trọng Tùng, đối với tiêu chí số 10, địa phương cần quan tâm hỗ trợ các mô hình sản xuất có hiệu quả để người dân phát triển kinh tế nông hộ, tăng thu nhập. Về tiêu chí số 13, một số địa phương có điều kiện khẩn trương thành lập hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tiêu chí số 15, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đối với tiêu chí số 17, các địa phương cần có kế hoạch đầu tư xây dựng công trình nước sạch để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nhằm đạt tỉ lệ sử dụng nước sạch theo quy định. Còn đối với tiêu chí số 18 và số 19, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phấn đấu hoàn thành hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

 

Về nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới, đến tháng 11/2017 toàn tỉnh còn nợ hơn 32,4 tỉ đồng. Số nợ đọng này tập trung tại các công trình phục vụ dân sinh, phát triển văn hóa, giáo dục như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, trạm y tế xã, công trình nước… Nguyên nhân, đối với nợ đọng thuộc Trung ương và tỉnh, đa số các dự án triển khai trong 2 năm, trong đó năm 2017 đã bố trí hết nguồn vốn, phần còn lại sẽ bố trí vào năm 2018 nên các hạng mục đã thi công vẫn còn nợ. Đối với nợ đọng thuộc cấp huyện và xã, các địa phương đầu tư dàn trải nhiều công trình nhưng khả năng cân đối các nguồn vốn chưa đảm bảo. Đối với nợ đọng thuộc nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương này trong năm 2018. Đối với nợ đọng thuộc cấp huyện và xã, cấp nào phê duyệt dự án thì có trách nhiệm xác định nguồn vốn, tự cân đối để trả nợ.

 

Đại biểu Đặng Thị Hồng Nga

Sản xuất nông nghiệp còn manh mún

 

Về nguyên nhân những tồn tại, hạn chế qua hơn 2 năm triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai đề án, Phú Yên đã xây dựng xong các kế hoạch hành động tái cơ cấu cho từng lĩnh vực. Kết quả triển khai đề án đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành giai đoạn 2015-2017 tăng bình quân 4,7%/năm (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là 3,5%/năm). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại một số kết quả tích cực, giá trị sản phẩm thu được bình quân 1ha đất canh tác cây trồng tăng dần qua các năm (năm 2016 đạt 66,4 triệu đồng/ha, năm 2017 khoảng 70 triệu đồng/ha), giá trị sản phẩm thu được bình quân 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng tăng khá (năm 2016 đạt 697,2 triệu đồng/ha, năm 2017 khoảng 750 triệu đồng/ha)…

 

Hiện nay, quy mô sản xuất nông nghiệp ở Phú Yên vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng như hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn hạn chế. Bên cạnh đó, tập quán sản xuất của người dân theo kiểu truyền thống nên việc nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến chưa nhiều. Thị trường nông sản ở Phú Yên bị động, thiếu doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp chiến lược đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Phú Yên hiện vẫn là tỉnh nghèo, còn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương nên việc đầu tư cho nông nghiệp chưa nhiều. Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

 

Trước tình hình này, Sở NN-PTNT kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, người đứng đầu của địa phương phải có quyết tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Các địa phương nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng đề án dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư lớn. Tỉnh và các sở ngành cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đối với lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất.

 

Chưa thỏa đáng với nội dung trả lời của người đứng đầu ngành Nông nghiệp, đại biểu Đặng Thị Hồng Nga truy vấn ông Nguyễn Trọng Tùng về những giải pháp thu hút đầu vào lĩnh vực nông nghiệp, kế hoạch hỗ trợ các địa phương trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững.

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng cho biết, thời gian qua Sở NN-PTNT đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu cho UBND tỉnh một số dự án đầu vào từng lĩnh vực của ngành Nông nghiệp và tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều dự án đầu tư vào tỉnh. Thời gian tới, Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu những cơ chế, chính sách để tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Ngành Nông nghiệp cũng đã xây dựng đề án tái cơ cấu từng lĩnh vực, có giải pháp cụ thể nên các địa phương căn cứ vào các kế hoạch này để triển khai.

 

Ông Hồ Văn Tiến

Sáu giải pháp phát triển du lịch

 

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm đến giải pháp phát triển ngành Du lịch trong thời gian tới để du lịch Phú Yên thành ngành kinh tế mũi nhọn?. Giám đốc Sở VH-TT-DL Hồ Văn Tiến cho biết, thời gian qua, lượng khách đến Phú Yên ngày càng tăng, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân khoảng 20%/năm. Năm 2016, có hơn 1,1 triệu lượt khách, năm 2017 khoảng 1,4 triệu lượt khách đến Phú Yên. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng của tỉnh chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch còn ít; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu những sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng dịch vụ chưa cao, các loại hình du lịch và khu vui chơi giải trí còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn nhân lực tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch…

 

Đại biểu Bùi Thanh Toàn

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hồ Văn Tiến đưa ra sáu giải pháp. Thứ nhất, đầu tư hạ tầng du lịch đến các điểm danh lam, thắng cảnh của tỉnh, đồng thời tổ chức hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực du lịch của Phú Yên. Thứ hai, tỉnh cần có cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thứ ba, chú trọng đầu tư để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, kết hợp các loại hình du lịch. Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch. Thứ năm, hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực và cả nước để phát triển du lịch ở Phú Yên. Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.

 

Tại phiên chất vấn, đại biểu Bùi Thanh Toàn đã gợi ý một số giải pháp để du lịch Phú Yên phát triển trong thời gian tới. Đó là, ngành Du lịch tỉnh không nên xác định “hoa vàng trên cỏ xanh” là mục tiêu chính để phát triển du lịch. Sở VH-TT-DL cần sớm xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Yên. Ví dụ khi du khách đến gành Đá Đĩa thì cũng nên có một sản phẩm giống như gành Đá Đĩa thu nhỏ, gọn để du khách mua làm quà lưu niệm. Giám đốc Sở VH-TT-DL cũng nên theo dõi và có thống kê tỉ lệ số du khách đến Phú Yên lần thứ hai trở lên để có sự điều chỉnh việc phát triển du lịch ở Phú Yên.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek