* Quốc hội thông qua một số bộ luật
Chiều 19/11, Quốc hội đã kết thúc nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ sau hơn 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Trước khi Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và làm rõ thêm một số vấn đề mà cử tri cả nước cũng như đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) tham gia chất vấn - Ảnh VOV |
Tr
ả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) về những kết quả còn hạn chế trong công tác cải cách hành chính thời gian qua, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nêu rõ, đây là một vấn đề lớn và khó. Bộ trưởng cho rằng, không thể phủ nhận, thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên những hạn chế của nó vẫn còn tồn tại, đáng chú ý vẫn là cải cách thủ tục hành chính, các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức giải quyết công việc còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu… Bộ trưởng Trần Văn Tuấn hứa sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu và đưa ra 8 nhiệm vụ mà Bộ sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả cải cách hành chính: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính; thực hiện đồng bộ cải cách hành chính với cải cách lập pháp và cải cách tư pháp; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và các cơ quan hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hoá nền hành chính, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhân dân, huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và cán bộ công chức đối với công tác cải cách hành chính…
Về chất vấn của đại biểu Phạm Văn Tường (Thái Nguyên) liên quan vấn đề thi tuyển công chức, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nhấn mạnh việc thi tuyển là hết sức cần thiết, tuy nhiên thực tế trong quá trình tổ chức thi, ở cấp này, cấp khác vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đề nghị các đại biểu góp ý cụ thể, để đích cuối cùng là làm thế nào nâng cao chất lượng thi cử, chọn được những người có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt để tuyển vào công chức.
Chất vấn của đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) có liên quan tính khả thi của Nghị định 158 về quy định sắp xếp, bố trí lại cán bộ để phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nhấn mạnh sự cần thiết của Nghị định này, coi đó là một biện pháp “lấy xây làm chính”. Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng thừa nhận, trong thực tế, có những vị trí nếu không luân chuyển sẽ dẫn đến tiêu cực. Tuy nhiên, việc thực hiện luân chuyển như thế nào theo Bộ trưởng phụ thuộc vào việc sắp xếp, bố trí của lãnh đạo đơn vị sao cho phù hợp, tránh tình trạng người đang làm tốt, có phẩm chất đạo đức tốt thì bị chuyển, lại đưa vào vị trí đó người không tương xứng.
95 PHÚT DÀNH CHO PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG
Kết thúc phần trả lời chất vấn của 7 Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng đã có báo cáo làm rõ thêm một số công tác điều hành của Chính phủ. Giải trình chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng tập trung vào 2 nội dung chính: Những sai phạm trong Đề án 112 và chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội (Hội trường Ba Đình mới), kế hoạch thực hiện kinh tế-xã hội trong những tháng cuối năm và năm 2008.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh TTO
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ đối với những sai phạm trong Đề án 112, Phó Thủ tướng khẳng định đây là một đề án lớn với số tiền dự toán thực hiện lên tới 3.800 tỷ đồng, là một trong 7 chương trình hiện đại đại hoá hành chính Nhà nước. Tuy nhiên với một đề án lớn và là một lĩnh vực mới, Chính phủ thừa nhận chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện đề án này (cụ thể là Văn phòng Chính phủ). Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu tổng hợp giúp việc, không phải cơ quan chức năng, hơn nữa lại không hiểu sâu về lĩnh vực tin học hoá vận dụng cho cải cách hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, việc sắp xếp cán bộ tham gia chỉ đạo, quản lý đề án này của Chính phủ cũng không hợp lý. Các thành viên của Ban quản lý Đề án phần lớn đều kiêm nhiệm, không thường xuyên hoạt động, lại làm công tác quản lý một đề án lớn, dẫn đến xảy ra nhiều sai sót. Tính đến cuối năm 2005, cả 5 mục tiêu cụ thể của đề án đều chưa hoàn thành. Một sơ suất nữa của Chính phủ là không kịp thời chuyển giao nhiệm vụ của Ban quản lý Đề án này cho một cơ quan chuyên môn hơn khi đó mới được thành lập là Bộ Bưu chính-Viễn thông. Những sai lầm trong quản lý dự án, buông lỏng, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả đã tạo kẽ hở cho những sai phạm xảy ra. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Chính phủ nhận trách nhiệm và làm kiểm điểm nghiêm túc, coi đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Về chất vấn của đại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) liên quan việc xây dựng Nhà Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc xem xét quy hoạch xây dựng Dự án Trung tâm chính trị Ba Đình đã có từ năm 1994. Sau gần 14 năm chuẩn bị xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, Toà nhà dự kiến là Trung tâm Hội nghị quốc gia, có tên gọi là Hội trường Ba Đình mới. Hội trường Ba Đình hiện nay tiếp tục được sử dụng trong quá trình xây dựng Nhà Quốc hội. Hội trường Ba Đình mới nằm trong lô D (khu vực có Nhà Quốc hội hiện nay và khu Hoàng thành mới khảo cổ được giới hạn bởi đường Hoàng Văn Thụ, đường Bắc Sơn, đường Độc Lập và đường Hoàng Diệu). Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã được hoàn thành; phương án kiến trúc cũng như quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình đã được Thủ tướng phê duyệt.
Phó Thủ tướng cũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Đại biểu Võ Minh Thức (Phú Yên), Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Ngô Văn Hùng (Lào Cai), Vũ Hoàng Hà (Bình Định) về các vấn đề kinh tế, xã hội: cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và phương pháp thúc đẩy công tác này đảm bảo tiến độ quy định; kế hoạch chuyển đổi các công ty TNHH Nhà nước một thành viên sang công ty cổ phần; định hướng chuyển đổi các tập đoàn kinh tế nhà nước để bảo đảm tăng thu ngân sách nhà nước và hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước; vấn đề tăng trưởng kinh tế của năm 2007 và việc kiềm chế chỉ số CPI dưới mức tăng trưởng GDP; hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng…
TỔNG CỘNG 265 CHẤT VẤN DÀNH CHO CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ
Sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, cả 7 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng đã tham gia trả lời chất vấn theo đúng chương trình của Quốc hội. Đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tất cả các nội dung được đề cập trong các phiên chất vấn đi thẳng vào những vấn đề thực tiễn bức xúc của cuộc sống, phản ánh khá đầy đủ ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tập trung vào những vấn đề cơ bản, vĩ mô, bớt vụn vặt, tản mạn. Nét mới trong nội dung chất vấn kỳ này là không chỉ tập trung trả lời chất vấn trực tiếp của từng đại biểu Quốc hội mà còn trả lời kiến nghị, ý kiến của cử tri, có kết hợp và làm sâu sắc thêm những vấn đề được nêu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu - Ảnh TTO
Các câu hỏi của đại biểu nhìn chung ngắn gọn, tập trung. Các đại biểu đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng, phản ánh đúng thực tiễn, đúng quan tâm của cử tri. Nhiều câu hỏi sắc sảo, có chiều sâu đi vào bản chất của vấn đề. Về phần trả lời, lần này các Bộ trưởng giảm hình thức đọc báo cáo chuẩn bị sẵn, phần lớn thời gian được dành để giải đáp, đối thoại. Nhiều Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận khuyết điểm cũng như những yếu kém của ngành, bộ mình quản lý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại trong nội dung chất vấn ở kỳ này. Vẫn còn những chất vấn tản mạn, chưa thật tập trung, không rõ ý, khó trả lời, một số câu hỏi là để tìm kiếm thông tin chứ chưa phải là chất vấn. Một số Bộ trưởng trả lời còn vòng vo, thiếu tính tổng hợp, tập trung khái quát, chưa mạnh mẽ khi nói về khuyết điểm, trách nhiệm của mình.
QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA DỰ ÁN LUẬT ĐẶC XÁ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn - Ảnh TTO |
Sáng 20/11, với 88,64% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số dự án luật: Luật Đặc xá; Luật tương trợ tư pháp; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Lụật hoá chất; Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm và Luật phòng chống bạo lực gia đình.
Luật Đặc xá, có hiệu lực thi hành từ 1/3/2008, nêu rõ đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Luật có 6 chương, 35 điều, được áp dụng cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.
Trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý một số điều của dự án Luật tương trợ tư pháp mà các đại biểu đã góp ý gồm những nội dung như: Phạm vi điều chỉnh; Nguyên tắc tương trợ tư pháp; Cơ quan đầu mối trong hoạt động tương trợ tư pháp; Uỷ thác tư pháp; Triệu tập, bảo vệ người làm chứng, người giám định; Dẫn độ người đang thi hành án phạt tù; Thời gian có hiệu lực thi hành Luật tương trợ Tư pháp. Quốc hội đã biểu quyết thông qua từng nội dung và toàn văn Luật tương trợ tư pháp với đa số phiếu tán thành. Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đọc báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế thu nhập cá nhân. Quốc hội đã biểu quyết thông từng điều khoản đã được chỉnh lý và toàn bộ Luật Thuế thu nhập cá nhân với đa số phiếu tán thành.
Chiều 20/11, Quốc hội tiếp tục biểu quyết thông qua Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá; Luật hoá chất; Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và Luật phòng chống bạo lực gia đình.
Dự kiến, chương trình của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XII sẽ kết thúc sớm hơn 1 ngày so với lịch làm việc. Phiên bế mạc dự kiến sẽ được tiến hành vào chiều mai 21/11.
HOÀNG KIM (Tổng hợp)