Thứ Tư, 02/10/2024 11:36 SA
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng (1/3/1906 – 1/3/2006):
Người học trò xuất sắc của Bác Hồ, người Cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn
Thứ Tư, 01/03/2006 08:57 SA

Đồng chí Phạm Văn Đồng, bí danh là Tô, sinh ngày 1-3-1906 ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình công chức.

 

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và con trai Phạm Sơn Dương (trái) cùng hai cháu nội - Ảnh tư liệu

Sinh ra ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, dân tộc bị áp bức, lầm than, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 19 tuổi, đồng chí Phạm Văn Đồng trực tiếp tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên bãi khóa, để tang cụ Phan Chu Trinh; năm 20 tuổi, bí mật sang Quảng Châu (Trung Quốc) để hoạt động. Tại đây đồng chí đã được gặp Nguyễn Ái Quốc và tham dự lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng. Sau đó vào cuối năm 1927, đồng chí về nước hoạt động tại Sài Gòn, tham gia kỳ bộ thanh niên Nam Kỳ; rồi vào Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và được cử đi dự đại hội của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Hương Cảng (Trung Quốc) vào tháng 5-1929.

 

Trở về nước, đồng chí tiếp tục hoạt động trong phong trào cách mạng ở Sài Gòn và sau đó không may bị bọn thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù đưa ra giam ở Côn Đảo.

 

Tháng 7-1936, đồng chí được trả tự do và hoạt động tại Hà Nội. Sau đó được tin Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về hoạt động ở Quảng Châu để chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, đồng chí đã bí mật sang Côn Minh, Trung Quốc tìm gặp Nguyễn Ái Quốc. Năm 1940, đồng chí Phạm Văn Đồng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

 

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp cùng TW Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí Phạm Văn Đồng trở thành người cộng sản gần gũi, tin cậy của Bác Hồ, được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ Việt Minh, phụ trách báo Việt Nam độc lập (do Bác Hồ sáng lập vào tháng 5-1941), xây dựng căn cứ địa và khu giải phóng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp cách mạng giành chính quyền trong cả nước.

 

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở khu giải phóng và ở ba miền Bắc – Trung – Nam, tháng 8-1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), đồng chí Phạm Văn Đồng được Đại hội bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (3-1946) đồng chí trúng cử đại biểu Quốc hội, được bầu làm Phó trưởng ban thường trực của Quốc hội.

 

Tháng 11-1946, đồng chí được cử làm đặc phái viên của Chính phủ trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam Trung bộ bao gồm các tỉnh Nam – Ngãi, Bình – Phú và đã có những quyết định đúng đắn, sáng tạo, những đóng góp to lớn.

 

Năm 1947, đồng chí được bổ sung làm Ủy viên dự khuyết và năm 1949, được bổ sung vào Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Phó thủ tướng Chính phủ.

 

Tại Đại hội II của Đảng (2-1951), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị.

 

Tháng 9-1954, đồng chí tiếp tục được giữ chức Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Trưởng ban đối ngoại Trung ương Đảng. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I (10-1955) đồng chí được Quốc hội cử làm Thủ tướng Chính phủ. Tháng 9-1960, tại Đại hội III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.

 

Sau khi nước nhà thống nhất, tại Đại hội IV của Đảng (12-1976) đồng chí Phạm Văn Đồng được tiếp tục bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Đồng chí được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân tín nhiệm cử đảm nhận những trọng trách đó cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

 

Tại các Đại hội VI, VII, VIII, đồng chí được cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Đến tháng 12-1997, theo đề nghị của đồng chí Phạm Văn Đồng, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã chấp nhận đồng chí kết thúc nhiệm vụ cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.

 

Đồng chí Phạm Văn Đồng là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VII từ năm 1946 đến năm 1987.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc gần gũi với Người suốt mấy chục năm liên tục, qua nhiều thời kỳ, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn thể hiện là một người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân và tương lai của nhân loại.

 

Suốt 41 năm liên tục là Ủy viên Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của đồng chí Phạm Văn Đồng đã gắn liền với những chặng đường đấu tranh vẻ vang, vô cùng quyết liệt nhưng rất tự hào của Đảng ta, nhân dân ta. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Phạm Văn Đồng đã đi vào lịch sử của Đảng ta, dân tộc ta và gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước trong thế kỷ XX.

 

Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, đồng chí Phạm Văn Đồng suốt đời quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng Đảng, chăm lo nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, giữ gìn sự đoàn kết của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và mối quan hệ giữa Đảng với dân… Đồng chí Phạm Văn Đồng viết: “Vai trò lãnh đạo của Đảng tiên phong đối với cách mạng như người cầm lái đối với con thuyền” “Đảng phải có đạo đức trong trẻo, có trí tuệ sáng suốt, có đường lối đúng đắn, có đội ngũ đảng viên gương mẫu, có phương thức lãnh đạo thích hợp”, “Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Đảng ta đã thực hiện rất có hiệu quả vai trò lãnh đạo của mình và được nhân dân tin cậy”.

 

“Trong giai đoạn mới hiện nay, nhân dân cần có Đảng vạch đường chỉ lối và đòi hỏi Đảng phải làm đúng, làm tốt, đạt hiệu quả, có sức thuyết phục, để dẫn dắt nhân dân thực hiện ước mơ lâu đời, xây dựng một xã hội tốt đẹp do chính nhân dân làm chủ.

 

Đảng phải cố gắng để xứng đáng là đội tiên phong chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam, là người đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Đòi hỏi của nhân dân trên đây là chính đáng, là thiêng liêng. Muốn đáp ứng được đòi hỏi đó Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, làm trong sạch Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.

 

Trên cương vị và trọng trách của mình, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn quan tâm tới việc xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền Nhà nước vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân. Đồng chí chỉ rõ: “Việc tăng cường Nhà nước của nhân dân là một nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa” và “chỉ có tăng cường quan hệ lãnh đạo của Đảng với Nhà nước thì chúng ta mới tăng cường tác dụng to lớn của Nhà nước trong thời kỳ quá độ, trong việc xây dựng xã hội mới, đời sống mới, từ đó nêu cao địa vị và uy tín của Nhà nước”. Đồng chí còn thường xuyên nhấn mạnh: “Nguyên tắc tổ chức của Nhà nước ta là nguyên tắc tập trung dân chủ; dân chủ và tập trung là hai mặt không thể thiếu và phải mật thiết liên quan với nhau, kết hợp chặt chẽ với nhau”. Muốn thực hiện tập trung dân chủ phải biết đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, chế độ trách nhiệm, tăng cường pháp chế.

 

Trong lãnh đạo quản lý kinh tế, đồng chí yêu cầu mọi người trước hết là cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở phải làm việc có hiệu quả thiết thực, có năng suất, chất lượng, phải chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tham ô và bệnh quan liêu.

 

Là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí phấn khởi trước những kết quả của đất nước trong phát triển kinh tế – xã hội, nhưng cũng luôn trăn trở trước những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý, điều hành vĩ mô. Đồng chí đòi hỏi mọi người chúng ta phải tự phê bình và phê bình về tình trạng vô trách nhiệm, vô kỷ luật làm việc không có hiệu quả, năng suất lao động thấp kém, tình trạng tham ô, móc ngoặc, cửa quyền.

 

Không những là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đồng chí Phạm Văn Đồng còn là nhà văn hóa lớn của dân tộc, luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp văn hóa của nước nhà và đã có những đóng góp to lớn trong việc bảo vệ, phát triển các giá trị, văn hóa truyền thống, tốt đẹp của dân tộc, cũng như tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo các giá trị văn hóa thế giới. Đồng chí nhấn mạnh: “Văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa”. Những bài viết, bài nói, những tác phẩm của đồng chí để lại qua các thời kỳ, ở nhiều lĩnh vực, thể hiện cụ thể, sâu sắc và sinh động những quan điểm, đường lối văn hóa – văn nghệ cách mạng của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện nguyện vọng, ý chí, niềm tin và những giá trị tinh thần cao đẹp của cả dân tộc và đã để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc.

 

Đồng chí Phạm Văn Đồng còn là một nhà ngoại giao tài năng, nhìn xa trông rộng, tinh tế và linh hoạt, kiên cường, mềm dẻo, ứng xử nhanh nhẹn sáng tạo, luôn luôn thể hiện rõ tư tưởng, lập trường chính trị sáng suốt trước thời cuộc và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những đóng góp quan trọng vào thành công to lớn trên mặt trận ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ, góp phần vào sự đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước, các tổ chức và bè bạn khắp năm châu đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Là Chủ tịch ủy ban cải cách giáo dục Trung ương nhiều năm và đã từng là người thầy giáo ở nhiều thời kỳ, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn dành sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc tới giáo dục. Chúng ta đã được đọc, được nghe nhiều bài viết, bài nói tâm huyết của đồng chí với nhà trường, thầy cô giáo và học sinh. “Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đạo đức, trí đức, thể dục và thẩm mỹ. Phải làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”. Đồng chí căn dặn lớp trẻ – tương lai của dân tộc: “Các bạn hãy học tập để thành người và để làm người, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với cha anh, sánh vai cùng bạn bè trên thế giới”. Đồng chí còn có nhiều ý kiến đề xuất quan trọng, thiết thực đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo của nước nhà như phải đẩy mạnh nghiên cứu môn đạo đức học, làm thế nào để môn này trở thành một ngành của khoa học xã hội được đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông và đại học ở nước ta.

 

Cả cuộc đời đồng chí Phạm Văn Đồng đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Đồng chí là nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín lớn, có nhiều đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực, đồng thời là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, nhân cách và lối sống. Đồng chí luôn tâm đắc và làm đúng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải coi được cống hiến cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân là điều hạnh phúc. Dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, đồng chí cũng phấn đấu hết mình theo phương châm, lẽ sống đó.

 

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng, chúng ta nhớ tới hình ảnh một con người: Chín mươi tư tuổi đời, bảy mươi năm hoạt động cách mạng liên tục đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

 

Đồng chí Phạm Văn Đồng mãi mãi là tấm gương sáng cho mỗi người chúng ta học tập và noi theo.

 

TS. NGUYỄN XUÂN THÔNG

Vụ trưởng – Tạp chí cộng sản

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek