Thứ Hai, 30/09/2024 04:34 SA
Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Mười, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên mãi mãi tiếp bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
Thứ Sáu, 09/11/2007 07:10 SA

(Trích diễn văn của đồng chí Đào Tấn Lộc – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy)

 

Cách đây vừa tròn 90 năm, ngày 25 tháng 10 theo lịch Nga cũ, tức mùng 7 tháng 11 năm 1917, dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã tiến hành thành công cuộc cách mạng có một không hai trong lịch sử nhân loại, đập tan giai cấp tư sản và chế độ chuyên chế Sa hoàng, thiết lập Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa vô cùng to lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có một cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

 

Vào những năm 40 của thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở châu Âu đã đạt tới những bước tiến quan trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp đã hoàn thành về cơ bản ở Anh và cũng bắt đầu diễn ra ở một số nước khác, làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ. Tiến trình ấy, một mặt khẳng định chiến thắng của chủ nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến, nhưng mặt khác cũng làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đã mang tính xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất trở nên sâu sắc. Trên vũ đài chính trị đã có sự thay đổi căn bản: Cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và phong kiến lùi về phía sau, nhường chỗ cho cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Những cuộc đấu tranh quyết liệt của công nhân ở nhiều nước đã nổ ra liên tiếp như phong trào đấu tranh của công nhân ở thành phố Ly-ông (Pháp), phong trào Hiến chương của công nhân Anh kéo dài suốt 10 năm (1838-1848), cuộc khởi nghĩa của những người thợ dệt ở Xi-lê-di năm 1844 ở nước Đức… Những cuộc đấu tranh nói trên chứng tỏ rằng giai cấp vô sản đã bước lên vũ đài chính trị với tư cách một lực lượng xã hội độc lập, hùng mạnh, đồng thời cũng báo hiệu thời kỳ đấu tranh quyết liệt giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản đã bắt đầu.

 

Như vậy lịch sử đã chuẩn bị đầy đủ những tiền đề cho một bước phát triển mang tính cách mạng của học thuyết về chủ nghĩa xã hội. Và sự chuyển biến bước ngoặt đó đã diễn ra vào những năm 40 của thế kỷ XIX, thông qua hoạt động của hai thiên tài trí tuệ là C.Mác và Ph.Ănghen.

 

Mùa hè năm 1847, Đại hội lần thứ nhất của Đồng minh những người chính nghĩa họp ở Luân Đôn với sự có mặt của Ănghen nhằm mục đích cải tổ Đồng minh. Đồng minh những người chính nghĩa được đổi tên thành Đồng minh những người cộng sản, khẩu hiệu có tính siêu giai cấp trước đó: “Tất cả mọi người đều là anh em” được thay bằng khẩu hiệu có tính chiến đấu và cách mạng: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1847, Đồng minh họp Đại hội lần thứ hai, Đại hội đã thông qua điều lệ, thảo luận và nhất trí thông qua những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản. Đại hội cũng đã ủy thác cho C.Mác và Ph.Ănghen soạn thảo ra bản tuyên ngôn chính thức “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã được thảo xong vào tháng giêng năm 1848 và được xuất bản lần đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 1848. Như vậy, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” xuất hiện trong một hoàn cảnh kinh tế, xã hội thực tiễn và những tiền đề về văn hóa, khoa học và lý luận đã chín mùi. Tuyên ngôn đã trở thành cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và là một tác phẩm lý luận thiên tài soi sáng cho sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản và những người lao động trên thế giới.

 

Cùng với sự phát triển đó, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Nước Nga bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa thì mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc ngày càng gay gắt. Giai cấp công nhân Nga trưởng thành, có chính đảng lãnh đạo là Đảng Công nhân xã hội Nga.

 

Tháng 8 năm 1903, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Bôn-sê-vích được thành lập, chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, tổ chức, trung thành với học thuyết Mác-Ănghen, xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, chủ trương đấu tranh cách mạng giành chính quyền, thiết lập chuyên chính vô sản, lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động tiến hành sự nghiệp cách mạng vĩ đại nhằm thực hiện mục tiêu cao cả của cuộc cách mạng vô sản.

 

Cách mạng vô sản Nga tháng 2/1917 do giai cấp công nhân lãnh đạo thắng lợi, chế độ phong kiến Sa hoàng sụp đổ, nhưng chính quyền lại được trao vào tay giai cấp tư sản. Từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1917, ở nước Nga có hai chính quyền song song tồn tại, chính phủ lâm thời trong tay giai cấp tư sản, nhưng các Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính thuộc về nhân dân. Tình thế giành chính quyền bằng biện pháp hòa bình kết thúc ngày 4/7/1917 khi chính phủ lâm thời tư sản đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng. Tình thế cách mạng Nga đã tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng chuyển hướng hành động, chuẩn bị tích cực cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Tranh thủ thời cơ cách mạng, trên cơ sở đánh giá tình hình trong nước và thế giới, dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nhất tề đứng dậy, đồng loạt tiến công như vũ bão đập tan chính quyền giai cấp tư sản và tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Mười Nga đã thành công rực rỡ. Từ đó nhân dân các dân tộc Nga bắt tay xây dựng chế độ mới, chế độ XHCN đầu tiên trên trái đất này. Ngày 30/12/1922, Đại hội các Xô-viết toàn liên bang lần thứ nhất đã ký và tuyên bố thành lập Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, gọi tắt là Liên Xô. Hơn 70 năm tồn tại và phát triển, Liên Xô đã trở thành cường quốc trên thế giới, đóng góp to lớn vào phong trào cách mạng vô sản toàn thế giới vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

 

Cũng như cách mạng ở nhiều nước khác, cách mạng Việt Nam phát triển theo con đường Cách mạng Tháng Mười, mà người Việt Nam đầu tiên tìm thấy ánh sáng soi đường của cuộc cách mạng ấy chính là nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn Ái Quốc.

 

Có thể nói, sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và giữa biết bao tư tưởng, biết bao xu hướng, biết bao học thuyết, biết bao chủ nghĩa, nhưng Nguyễn Ái Quốc bằng trí tuệ sáng suốt và mẫn cảm, Người đã tìm thấy con đường cứu dân, cứu nước khi đọc được “Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa” vào tháng 7 năm 1920, tức gần 3 năm sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Trong niềm xúc động sâu xa, Người ví luận cương của Lênin như một cẩm nang thần kỳ. Người nói: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Người còn nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Và kể từ đó Người đứng hẳn sang lập trường cộng sản, ủng hộ Quốc tế 3. Quốc tế cộng sản và tiếp tục tìm tòi, ra sức nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Cách mạng Tháng Mười vào Việt Nam, thức tỉnh triệu triệu người đứng lên cứu nước. Từ đốm lửa ban đầu của cách mạng, với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930, bằng trí tuệ thiên tài và khả năng tập hợp quần chúng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; tiếp đó, đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ 1954 và cuối cùng là kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc Mỹ xâm lược bằng chiến dịch mùa xuân 1975 lịch sử. Thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong suốt gần nửa thế kỷ từ khi có Đảng là vô cùng vĩ đại, đã đi vào lịch sử thế giới như một kỳ tích của thế kỷ 20 và mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 

Từ khi đất nước được hòa bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ từ đống đổ nát của chiến tranh, ra sức xây dựng lại đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu. Bên cạnh những thành tựu lớn của những năm sau chiến tranh, Đảng ta cũng đã vấp phải những sai lầm, khuyết điểm. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã khẳng định: Cần nhanh chóng khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, quyết tâm thực hiện từng bước đường lối đổi mới trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Chính nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn, mà hơn 20 năm qua, nước ta đã nhanh chóng vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế – xã hội, phá thế bao vây cấm vận, tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị xã hội. Bằng nhiều chính sách cụ thể, sáng tạo, chúng ta đã tạo nên sự đồng thuận xã hội rộng lớn, huy động ngày càng nhiều năng lực trí tuệ, vốn liếng vào phát triển sản xuất, ổn định đời sống làm cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao của thế giới, có kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn, có vị trí cao trong xuất khẩu lương thực và hàng nông, thủy sản, có thị trường nội địa sôi động và môi trường đầu tư hấp dẫn. Đất nước ta đã đạt nhiều kết quả trong xóa đói, giảm nghèo, đẩy nhanh sự nghiệp giáo dục đào tạo, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, được đánh giá là một quốc gia có nỗ lực tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của nhân loại. Vị thế Việt Nam ngày càng được khẳng định trong khu vực và trên toàn thế giới, vừa qua đã được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

 

Có thể nói rằng, tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhiều yếu kém đang phải tiếp tục khắc phục, song dân tộc Việt Nam ngày nay đã có thể đĩnh đạc ngẩng cao đầu với toàn thế giới, được cả nhân loại tiến bộ quí trọng.

 

Có được những thành tựu to lớn đó, trước hết là do trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước; khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đó cũng chính là sự kiên định của chúng ta đối với tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười.

 

Thời gian càng lùi xa thì âm hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong thế kỷ 20 càng có sức vang vọng. Thế giới đã có những đổi thay nhanh chóng, ngay cả trên quê hương của cuộc Cách mạng Tháng Mười cũng phải trải qua những thăng trầm, song Cách mạng Tháng Mười mãi mãi còn được nhắc tới bởi nó đã mở đầu và tạo dựng nên một diện mạo mới của lịch sử, với một tầm vóc to lớn có một không hai, mở ra cho nhân loại khả năng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức có thể đấu tranh thắng lợi với chế độ tư sản và chủ nghĩa đế quốc để làm chủ vận mệnh của mình. Cách mạng Tháng Mười không phải là một hiện tượng thuần Nga, cũng không phải là sản phẩm tạo ra từ sự cuồng nhiệt của ý chí và không tưởng mà kẻ thù của cách mạng, những kẻ cơ hội và phản bội lý tưởng từng xuyên tạc, bóp méo lịch sử, mưu toan xóa bỏ tầm vóc và ảnh hưởng của cuộc cách mạng này trong tư tưởng và trong hiện thực. Những người cộng sản, những người cách mạng chân chính không ảo tưởng, duy ý chí, nhưng không hề dao động, tuyệt nhiên càng không sợ trước các khuyết điểm, các thất bại của mô hình cũ, mà điều quan trọng là biết cách nhận ra và khắc phục các khuyết điểm, các thất bại để tự sửa chữa, tự đổi mới, vươn lên.

 

Thực tế cho thấy rằng: Việc nghiên cứu bổ sung về lý luận để phù hợp với thực tiễn thời đại, gắn với những thành tựu của công cuộc đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã làm nức lòng nhân dân thế giới, qua đó thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới; điển hình là thắng lợi từ các phong trào cánh tả ở Châu Âu và Mỹ La tinh. Chính phủ nhiều nước do cánh tả cầm quyền tại khu vực Mỹ La tinh, ngay sát nách nước Mỹ, cũng đã tuyên bố quyết tâm “vượt qua” chủ nghĩa tư bản, xây dựng đất nước theo mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Điều đó càng cho phép chúng ta khẳng định một lần nữa tính chân lý và giá trị vượt thời đại của chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười.

 

Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và 160 năm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Nền kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục phục hồi và phát triển nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố bất trắc. Toàn cầu hóa đang cuốn hút các quốc gia, dân tộc và tạo ra những cơ hội phát triển nhưng cũng là thách thức lớn đối với các nước đang phát triển. Những cuộc chiến tranh cục bộ, chạy đua vũ trang, hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên… vẫn còn phức tạp. Các mâu thuẫn lớn của thời đại vẫn diễn ra gay gắt. Chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng phản động quốc tế tăng cường câu kết, chống phá cách mạng thế giới, nhằm duy trì sự thống trị của chủ nghĩa tư bản. Sau khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa xã hội ở những nước còn lại tiếp tục có bước phát triển mới. Phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế đang từng bước phục hồi. Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là khát vọng của nhân loại và là nhân tố làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của mọi thế lực ngông cuồng và hiếu chiến.

 

Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là cội nguồn sâu xa dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Những thành tựu vĩ đại của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong 90 năm qua, nhất là những thành tựu cải cách đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sức sáng tạo, năng lực tự đổi mới và những đóng góp của các nước XHCN cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, văn minh và tiến bộ xã hội.

 

Công cuộc đổi mới của nước ta trong 20 năm qua là minh chứng sinh động về sự trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và những nguyên lý cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những kinh nghiệm từ sự thành công và thất bại của CNXH hiện thực vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục tăng cường mạnh mẽ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, thù địch, giáo dục ý thức kiên định lý tưởng, mục tiêu cách mạng của Đảng và của nhân dân ta là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, mang tư tưởng của Lênin và tư tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga đến đích cuối cùng.

 

Với tinh thần Cách mạng Tháng mười Nga vĩ đại, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên mãi mãi tiếp bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng chung sức xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

______

(*) Đầu đề do Toà soạn đặt

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek