Đầu thế kỷ XXI, GS Trần Văn Giàu chúc Phú Yên: “yên định trong phú cường” và trao đổi nhiều điều về lịch sử Phú Yên trên báo Xuân Phú Yên 2001. Theo GS Trần Văn Giàu, Phú Yên dưới cái nhìn địa lý lịch sử có nhiều nét độc đáo trong quá trình mở nước, giữ nước và dựng nước của dân tộc. Phú Yên là biên giới phía nam của Đại Việt từ thế kỷ XV gắn với sự kiện vua Lê Thánh Tông lấy núi Đá Bia phân định biên giới Việt Chiêm năm 1471. Núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) là chứng tích lịch sử quan trọng trên bước đường mở nước của ông cha ta.
Một góc TP Tuy Hòa hôm nay - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Giữa cuối thế kỷ XVI, Chúa Nguyễn Hoàng đã phóng tầm mắt đến Phú Yên trong dải Hoành Sơn (từ đèo Ngang đến đèo Cả) mở đầu sự nghiệp tạo dựng Đàng Trong, dựng nên cơ nghiệp muôn đời. Chúa Nguyễn Hoàng cử Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan khai khẩn đất Phú Yên năm 1578 là một tất yếu lịch sử. Phú Yên là bàn đạp quan trọng để ông cha ta Nam tiến vào Đồng Nai - Gia Định, Tây tiến lên Tây Nguyên (Thủy Xá, Hỏa Xá) và cả Đông tiến ra các đảo ở biển Đông...
Phú Yên chính thức có tên trên bản đồ Tổ quốc năm 1611. Không có một “ngày nay” nào tự dưng xuất hiện mà không tiếp nối quá khứ, kể cả quá khứ trước năm 1611 thời vương quốc Chăm Pa và xa hơn nữa, những cư dân bản địa, chủ nhân của bộ đàn đá, kèn đá Tuy An và các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh trên vùng đất Phú Yên. Công lao tạo lập Phú Yên mà người đương thời được hưởng thuộc về nhân dân lao động nhiều tộc người đã cùng chung tay góp sức xây dựng vùng đất này.
Bất kỳ một vùng đất nào cũng trải qua một quá trình khai phá, tạo lập bền bỉ lâu dài. 3.000 lưu dân (người nghèo không sản nghiệp) Thanh Nghệ theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh khai khẩn đất Phú Yên trong 33 năm (1578-1611) để hình thành những làng mạc đầu tiên của người Việt trong dòng chảy lịch sử hơn 400 năm. Là tỉnh trấn biên, Phú Yên chi viện nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn. Nằm trên đường thiên lý bắc - nam, vó ngựa chiến binh nhiều lần xuyên qua tỉnh, nhất là thời Tây Sơn khởi nghiệp. Triều Nguyễn dựng nghiệp chưa lâu, “Phú” chưa kịp định hình thì “Yên” cũng lung lay khi người Pháp đến đặt ách cai trị lên cả nước theo phương thức “chia để trị”. Phong trào Cần Vương Phú Yên khá mạnh nhưng được lãnh đạo bởi những trí thức khoa bảng không phải là quan chức “chịu ơn vua”, nhận thức nỗi đau đất nước theo cách dân dã với tất cả nhân tài vật lực tại chỗ. Chín năm kháng chiến, Phú Yên là biên ải phía nam của vùng tự do Liên khu 5, liên tục bị Pháp đánh phá, không hề được yên ổn. Mấy lần tiêu thổ kháng chiến (vườn không nhà trống) nên cơ sở hạ tầng không còn gì đáng kể. Khó khăn bốn bề, Phú Yên vẫn dốc hết tiềm lực chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và Khánh Hòa. Trong kháng chiến chống Mỹ, Phú Yên bị bom đạn tàn phá tan hoang, xơ xác. Thời bình, mấy chục năm liền Phú Yên là vùng trũng điện năng của cả nước, Thủy điện Đa Nhim chỉ vươn tới Nha Trang, Thủy điện Hòa Bình chỉ vươn tới Quy Nhơn. Đương nhiên Phú Yên cũng không có một cơ sở sản xuất nào đáng kể bởi không có điện.
Hơn 70 năm trước, mùa hè năm 1946, Hoàng Việt Sinh, phóng viên Báo Cứu Quốc, theo đoàn quân Nam tiến đến Phú Yên và xuất bản tại Hà Nội tập ký sự “Phú Yên kháng chiến” lay động nhiều bạn đọc. Từ thực tế chiêm nghiệm, tác giả kỳ vọng “Tuy Hòa sẽ là đô thị lớn nhất của miền Nam, Tuy Hòa là nơi trung gian cho sự liên lạc của ba xứ Trung, Nam, Bắc...”. Tiếc thay, kỳ vọng ấy vẫn chỉ là mơ ước bởi chiến tranh, tụt hậu và vô vàn lý do khách quan, chủ quan của tiến trình đổi mới và hội nhập…
Sau ngày tái lập tỉnh (1/7/1989), mọi người dân đều hy vọng Phú Yên sẽ phục sinh mạnh mẽ ước vọng “Phú” và “Yên”, “Phú” hiểu theo nghĩa yêu nước, cách mạng... để tạo lập vóc dáng mới, vươn lên giàu có và yên bình.
Gần 28 năm qua, Phú Yên đổi thay đáng kể, được mệnh danh là xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”, là điểm đến thân thiện và hấp dẫn trên con đường di sản văn hóa qua miền Trung Việt Nam. Về cận cảnh phát triển, hướng đi của Phú Yên được định hình khá rõ qua 6 chương trình hành động và 3 nghị quyết của Tỉnh ủy đã và đang khởi động để biến thành hiện thực sinh động. Về viễn cảnh phát triển, Phú Yên nằm ở vị trí cực đông, nối biển xanh với đại ngàn bằng lưu vực sông Ba lớn nhất miền Trung. Phú Yên có diện tích gấp 8 lần Singapore và con sông lớn nhất của họ chỉ có 13 cây số. Yếu tố thần kỳ cho sự phát triển của họ chỉ là nguồn lực con người và khả năng quản trị. Viễn cảnh Phú Yên cũng đã được đề cập trong những tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn nữa xoay quanh trục gắn kết với Tây Nguyên và chuỗi duyên hải Nam Trung Bộ để cất cánh bay cao bay xa...
Người xưa đã đặt tên Phú Yên - Giàu mà Yên - hẳn hy vọng ở thế hệ hôm nay. Tôi tin là người dân và người Cộng sản Phú Yên hiểu khi mình thừa kế một cái tên gộp được mơ ước của quá khứ và hiện tại để bước vào tương lai.
BA ĐÀ RẰNG