Trong đổi mới và xây dựng đất nước ngày nay, Phú Yên hồ hởi sánh vai cùng các tỉnh bạn, xây dựng lại quê hương. Ba mươi năm đổi mới, Phú Yên gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể. Bộ mặt tỉnh nhà và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi.
Đã cất lên rồi tiếng gà Xuân Đinh Dậu 2017. Đã là xuân thứ 72, nếu kể từ Ất Dậu 1945. Một thời gian lịch sử không dài lắm mà dân tộc ta đã lập nên biết bao kỳ tích.
Cách mạng Tháng Tám thành công và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 đã xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến và mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do. Hai cuộc kháng chiến cứu nước đánh thắng hai đế quốc to, chẳng những bảo vệ được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà còn góp phần làm phá sản chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên toàn thế giới. Đổi mới ngày nay là sự khai phá con đường đi lên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đưa dân tộc ta hòa nhịp bước cùng thời đại.
Ở Phú Yên quê ta, tiếng gà Ất Dậu 1945 cũng vang vọng lắm. Cuộc nổi dậy giành chính quyền toàn tỉnh đã thành công chỉ một tuần sau ngày 19/8. Đội quân phát xít Nhật bó tay chờ giải giáp ở chùa Ông.
Trong kháng chiến thứ nhất, Phú Yên thuộc vùng tự do Liên khu 5, vừa tiêu thổ kháng chiến vừa nhận lĩnh trách nhiệm hậu phương trực tiếp, đưa cả người và của vào Khánh Hòa, lên Đắk Lắk và những tỉnh cực Nam, Tây Nguyên. Khi địch đổ quân ra Hòa Xuân, đóng ở núi Hiềm (huyện Tuy Hòa cũ), Phú Yên tiến đánh.
Trong kháng chiến thứ hai, Phú Yên phải đối mặt với những cuộc thảm sát tàn bạo của kẻ thù trong các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, nhưng đã vùng lên mạnh mẽ để góp phần cùng miền Nam đánh bại chiến tranh đặc biệt, rồi chiến tranh cục bộ của Mỹ tại địa phương. Phú Yên tận mắt trông thấy, trong tổng tiến công mùa Xuân 1975, mấy vạn quân địch bị đánh tơi tả, chạy từ Tây Nguyên qua Phú Bổn, đến Phú Yên thì tan biến như… bọt xà phòng.
Trong đổi mới và xây dựng đất nước ngày nay, Phú Yên hồ hởi sánh vai cùng các tỉnh bạn, xây dựng lại quê hương. Ba mươi năm đổi mới, Phú Yên gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể. Bộ mặt tỉnh nhà và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Thay đổi từ đỉnh Cù Mông, vịnh Xuân Đài ở phía bắc đến đèo Cả, Vũng Rô ở phía nam.
TX Tuy Hòa từ một tỉnh lỵ, thành huyện lỵ (thời hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) rồi trở về vị trí tỉnh lỵ sau khi tỉnh tái lập, qua mấy chục năm xây dựng, nay đã thành thành phố loại hai, vừa khang trang vừa lịch sự. Đồng lúa Tuy Hòa mở rộng diện tích tưới tiêu, khai thác tối đa hiệu năng đập Đồng Cam và đạt năng suất bình quân vào loại cao nhất nhì đất nước. Ngành hải sản tiến ra biển xa, rộn rã đánh bắt cá ngừ đại dương. Tôm hùm, cá mú tung tẩy trong các lồng bè ở Xuân Đài, Ô Loan… Ba khu công nghiệp lớn Hòa Hiệp, An Phú và Đông Bắc Sông Cầu từng bước phát triển, góp một phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong tỉnh theo hướng công nghiệp hóa. Con sông Ba xưa kia từng tự hào có cầu Đà Rằng dài nhất nước, nay sánh đôi với nó là cầu Đà Rằng mới; gần đây lại mở thêm cây cầu Hùng Vương khá hiện đại. Sông Ba còn chứng kiến trên phần hạ lưu một công trình thủy điện lớn, công trình thủy điện Sông Ba Hạ, với công suất gấp 3,5 lần thủy điện Sông Hinh. Dọc hai bờ sông Ba, ngược lên Tây Nguyên là hai trục đường huyết mạch được nâng cấp, một lên Đắk Lắk, một lên Gia Lai và Kon Tum. Chiến lược phát triển được hoạch định là dần dần hình thành nên một vùng kinh tế trù phú ở phía nam Phú Yên, ở đó có cảng Vũng Rô, có Khu công nghiệp Hòa Hiệp, có sân bay Đông Tác, có TP Tuy Hòa, có các trục giao thông Bắc - Nam và Đông - Tây đi qua, tạo nên sự gắn kết liên vùng để đưa tỉnh nhà tiến mạnh trên con đường đổi mới…
Trên đây là một số ý tôi đã viết trong bài báo “Phú Yên giữa hai Ất Dậu” đăng trên Báo Phú Yên nhân tết năm gà - Ất Dậu 2005, nay có bổ sung thêm đôi chỗ nhưng vẫn chưa đủ. Thành tựu về đổi mới của Phú Yên đâu chỉ có thế. Lại còn nhiều điều tồn tại chưa nói tới.
Hồi kháng chiến chống Pháp, khi địch đánh phá ác liệt đập Đồng Cam và một số công trình dân sinh khác, bà con ta có câu ca: Phú Yên đồng lúa bao la/ Phú Yên có phú, phú mà không yên.
Sự giàu có của tỉnh ta qua câu ca thời đó chỉ là giàu có về lúa gạo. Nay giàu có đâu chỉ có lúa gạo, chỉ có nông nghiệp, mà còn phải có công nghiệp và dịch vụ nữa. Đâu phải chỉ giàu về kinh tế mà còn phải giàu cả về văn hóa, con người. Phải xây dựng nông thôn mới đồng thời với thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, liên kết kinh tế nước ta, tỉnh ta với kinh tế nhiều nước khác, tỉnh khác trên thế giới.
Đinh Dậu 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Với tỉnh ta, đó còn là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh.
Được biết, năm 2016, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Phú Yên đã có nhiều cố gắng trong đổi mới tư duy lãnh đạo, cơ bản thực hiện được hầu hết mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, trước mắt vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ…
Có nhà lãnh đạo ví Phú Yên như một cô gái đẹp đang còn ngủ say trong rừng, chưa được đánh thức. Chỉ là một câu nói vui nhưng cũng làm cho không ít người trong cuộc suy nghĩ. Mong rằng cô gái đẹp quê ta sẽ bừng tỉnh giấc với tiếng gà xuân Đinh Dậu năm nay!
Năm 2017, Phú Yên phải được tiếp tục đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ hơn. Hai nhiệm vụ trung tâm và then chốt phải được đặt lên hàng đầu, đó là phát triển kinh tế cần phải có nhiều hơn nữa những việc làm có tính đột phá; xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần được tăng cường, nhất là quyết liệt hơn trong cuộc chiến đấu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. |
HÀ ĐĂNG