Thứ Năm, 31/10/2024 12:21 CH
Bác Hồ với hiền tài đất nước
Thứ Ba, 31/01/2017 08:00 SA

Đại biểu dự Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt phấn khởi chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh TƯ LIỆU

Cách đây hơn 533 năm (1484), minh quân Lê Thánh Tông cử hiền sĩ Thân Nhân Trung thừa lệnh nhà vua thảo bài văn bia đặt ở Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, bồi đắp nguyên khí”. 228 năm trước (1789), sau khi quét sạch quân Thanh ra khỏi bờ cõi, Hoàng đế Quang Trung đã cử danh sĩ Ngô Thì Nhậm soạn thảo “Chiếu cầu hiền” và ban bố rộng rãi để thu phục các sĩ phu Bắc Hà, những người tài đức, cùng sát cánh với nhà vua, với triều đình gánh vác việc nước, xây dựng triều đại mới thái bình, thịnh trị.

 

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Bác Hồ là tấm gương sáng về việc tìm kiếm, thu phục và trọng dụng nhân tài để phục vụ kháng chiến và kiến quốc; mưu cầu độc lập, tự do, hạnh phúc muôn đời cho toàn dân.

 

Sau khi khai sinh nước Việt Nam độc lập, ngày 14/11/1945, Bác Hồ viết bài “Nhân tài và kiến quốc” nhấn mạnh: Kiến quốc cần có nhân tài. Tháng 11/1946, trong hoàn cảnh gấp rút chuẩn bị toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ vẫn dành tâm huyết viết bài “Tìm người tài đức”. Hai văn kiện trên của Bác Hồ thực chất là “Chiếu cầu hiền tài” đầu tiên của chính quyền cách mạng. Có vô vàn các sự kiện minh chứng chính sách cầu hiền của Bác Hồ.

 

Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ chỉ đạo cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam của Mặt trận Việt Minh thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Một số ủy viên của Mặt trận Việt Minh đã vui vẻ tự nguyện nhường chỗ cho các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu cùng gánh vác việc nước. Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên do Bác Hồ làm Chủ tịch có nhiều hiền tài không phải là đảng viên cộng sản như Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Đào Trọng Kim…

 

Sau khi tham khảo ý kiến của các hiền tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết gồm 50 thành viên là các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng. Sau khi bầu Quốc hội khóa đầu tiên ngày 6/1/1946, nhiều hiền tài nổi tiếng được bổ nhiệm vào Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ như Nguyễn Văn Tố là Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội) và các Ủy viên Thường trực Quốc hội: Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Văn Đức, Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Hoàng Minh Giám, Dương Đức Hiền… Cụ Huỳnh Thúc Kháng được Bác Hồ mời giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và khi Bác Hồ đi Pháp đàm phán đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước, Luật sư Phan Anh đã từng tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim cũng được Bác Hồ trọng dụng và bổ nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Những trí thức tinh hoa đều được giao trọng trách: Đặng Thái Mai (Bộ trưởng Tư pháp), Trần Đăng Khoa (Bộ trưởng Giao thông Công chánh)… Thành viên Chính phủ rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trí thức Hán học có các nhân sĩ như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe…; trí thức Tây học có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Đặng Thái Mai… Họ đều chung một ý chí đoàn kết dân tộc, chung tay góp sức xây dựng chế độ mới, bảo vệ độc lập dân tộc.

 

Trên mặt trận ngoại giao, Bác Hồ đã huy động nhiều trí thức giúp Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng tại Hội nghị đàm phán chính thức Việt - Pháp ở Fontainebleau tháng 7/1946 như: Phan Anh Bửu Hội, Hoàng Minh Giám, Đặng Phúc Thông, Vũ Văn Hiền, Dương Bạch Mai, Huỳnh Thiện Lộc, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Khắc Hòe, Hoàng Văn Đức, Nguyễn Văn Tịnh, Nguyễn Đệ, Hồ Đắc Liên, Nguyễn Văn Luyện, Chu Bá Phượng, Vũ Trọng Khanh…

 

Trên lĩnh vực giáo dục, đại học quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam độc lập khai giảng khóa học đầu tiên ngày 15/11/1945 dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. TS Nguyễn Văn Huyên được cử làm giám đốc, ThS Ngụy Như Kon Tum làm phó giám đốc.

 

Hội hoa xuân TP Tuy Hòa - Ảnh PV

 

Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 45/SL thành lập Ban Văn khoa Đại học do Học giả Đặng Thái Mai làm giám đốc. Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử những trí thức văn nghệ sĩ lừng danh giảng dạy về những vấn đề đặc biệt trong chương trình văn khoa như Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Đức Nguyên (Hoài Thanh), Đào Duy Anh, Cù Huy Cận, Trần Văn Giáp, Ngô Xuân Diệu, Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ…

 

Trên lĩnh vực quân sự, sau khi cách mạng thành công, Bác Hồ đã trọng dụng tướng Nguyễn Bình (Phạm Phương Thảo), trước đó là đảng viên Quốc dân Đảng, và giao trọng trách làm Tư lệnh Nam Bộ, thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng Nam Bộ.

 

Không chỉ tìm kiếm và trọng dụng nhân tài trong nước, Bác Hồ đã thu phục nhiều hiền tài là Việt kiều từ giã Paris hoa lệ chấp nhận gian khổ về nước tham gia kháng chiến, kiến quốc như kỹ sư Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), GS - bác sĩ Hồ Đắc Di, GS - nhà thơ Phạm Huy Thông, triết gia Trần Đức Thảo…

 

Trọng dụng nhân tài là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển lên tầm cao mới. Sau ngày thống nhất đất nước, cương lĩnh của Đảng và các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, đặc biệt là nghị quyết Hội nghị TW 7 (khóa X) về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” khẳng định hiền tài, trí thức là nền tảng của tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức: Đảng và Nhà nước đã và đang có chính sách trọng dụng nhân tài, trí thức và đặc biệt rất quan tâm đến 300.000 trí thức kiều bào. Đất nước đang rất cần sự đóng góp của nhân tài, trí thức trên tất cả lĩnh vực trong thời đổi mới và hội nhập. 

 

 

 

PHAN THANH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek