Huyện ủy Sơn Hoà vừa tổ chức hội thi “Cán bộ làm công tác dân vận khéo” năm 2007. Đây là hội thi điểm cấp huyện của tỉnh và qua đó, Ban chỉ đạo hội thi các cấp rút ra nhiều bài học bổ ích để trong thời gian tới, các hội thi ngày càng đạt hiệu quả chính trị - xã hội sâu rộng hơn...…
Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Trương Phước Cường (bìa phải) trao giải cho các đội xuất sắc tại hội thi - Ảnh: THẠCH BI SƠN
Sau vòng sơ khảo được tổ chức tại các chi bộ, đảng bộ và các cụm cơ sở xã, có 5 đội lọt vào vòng chung khảo là ngành giáo dục, Chi cục Thuế, xã Sơn Định, xã Krông Pa và thị trấn Củng Sơn. Trong các phần thi lý thuyết, xử lý tình huống và biểu diễn tiểu phẩm về các nội dung liên quan đến công tác dân vận, 5 đội đã thể hiện sự đồng đều trong việc giải quyết các yêu cầu đề ra. Nét nổi bật là các đội đã biết gắn nội dung thi tài với các tình huống thường gặp trong thực tế, vì vậy thuyết phục người xem và ban giám khảo. Chẳng hạn, khi trả lời câu hỏi tình huống “Là cán bộ xã đang đi công tác mà gặp nhà người dân bị cháy thì anh (chị) sẽ xử lý như thế nào?”, đội xã Sơn Định đã nêu khá toàn diện các biện pháp cần làm, bao trùm là tinh thần xả thân kịp thời cứu hoả của người cán bộ gắn với kêu gọi sự trợ giúp nhanh chóng của cộng đồng nhằm giảm nhẹ thiệt hại về nhân mạng, tài sản do vụ cháy gây ra. Sau đó vận động địa phương triển khai kịp thời các việc cần làm ngay để giúp hộ không may nhanh chóng ổn định cuộc sống theo tinh thần “Lá lành đùm lá rách”…
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt: “Ban chỉ đạo hội thi của Huyện ủy Sơn Hòa đã chuẩn bị khá chu đáo từ hình thức đến nội dung theo đúng yêu cầu của Ban chỉ đạo tỉnh. Các đội thi có sự đầu tư rất tốt, thí sinh nhiệt tình, tự tin, kiến thức dân vận khá vững, kỹ năng diễn đạt, thể hiện linh hoạt và có tính thuyết phục. Nhờ vậy, hội thi thể hiện nội dung, định hướng phù hợp với đối tượng quần chúng đặc thù các huyện miền núi. Đặc biệt, tính giáo dục trong cuộc sống đời thường ở cộng đồng và trong mỗi gia đình được quan tâm chia sẻ và động viên theo hướng tích cực. Sắp tới, cần có kế hoạch tuyên truyền để huy động cán bộ, nhân dân đến dự hội thi đông đảo hơn bởi vì đây không chỉ đơn thuần là xem cho vui, giải trí mà chính là dịp để học tập, bồi dưỡng về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về kiến thức và kỹ năng công tác dân vận.”
Hấp dẫn nhất tại hội thi vẫn là phần biểu diễn tiểu phẩm của các đội tham dự. Nếu đội Chi cục Thuế huyện cho người xem thấy sự công phu, chu đáo và không kém phần hài hước, ý vị của việc tìm cách không bỏ sót các nguồn thu trong kịch vui “Điều tra doanh số” thì qua kịch ngắn “Tiền mất tật mang”, đội thị trấn Củng Sơn lại lôi cuốn sự chú ý của khán giả ở một khía cạnh khác. Đó là vai trò của người cán bộ đoàn thể trong bài trừ tệ mê tín dị đoan ở các địa bàn dân cư. Muốn làm được điều này, người cán bộ phải sát dân, gần dân, hiểu được những diễn biến tâm lý, tình cảm trong đời sống của bà con. Không hẹn mà gặp, đem chủ trương chính sách, ánh sáng văn hoá của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao dân trí cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần giúp bà con phân định rõ đúng sai, ra sức xây dựng buôn làng ngày càng phát triển là chủ đề chung của ba tiểu phẩm thuộc các đội ngành giáo dục, xã Krông Pa và xã Sơn Định. Trong đó, kịch ngắn “Khi ánh sáng về làng” của đội ngành giáo dục đã khắc họa sinh động nhân vật Ma Bin, một người do rượu chè be bét mà nghe theo lời bọn xấu, không ủng hộ chủ trương về làng mới của địa phương và cũng không muốn cho con gái là Hờ Bin đến trường. Nhờ sự kiên trì vận động của cán bộ Mặt trận, cán bộ y tế xã và các thầy cô giáo trường tiểu học, trải qua một tình huống bất ngờ nhưng hợp lý, cuối cùng, Ma Bin đã nhận ra con đường phải: “Bây giờ thì cái đầu tao sáng ra, cái bụng tao hiểu được rồi. Tao sẽ không nghe lời bọn người xấu rủ rê nữa. Tao không mê tín dị đoan nữa. Tao sẽ nghe lời cán bộ đi chữa khỏi bệnh và nghe lời cán bộ chuyển ra làng mới ở, nhường chỗ đất này cho Nhà nước làm thủy điện” …
Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Sơn Hòa Nguyễn Văn Tấn, các hội thi cơ sở và nhất là hội thi “Cán bộ làm công tác dân vận khéo” cấp huyện lần này đã cho thấy sự phong phú, đa dạng và cả sự phức tạp của công tác dân vận. Sự phong phú và phức tạp này đòi hỏi người cán bộ dân vận phải không ngừng học tập, rèn luyện, luôn nắm bắt được thực tế sinh động để có thể tham mưu đúng đắn cho cấp ủy giải quyết tốt các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Cần tránh sự khô cứng, đơn điệu, một chiều trong trả lời câu hỏi lý thuyết và nhất là xử lý các tình huống cụ thể. Bởi vì, thi trong hội trường nhưng không xa rời dòng chảy cuộc sống luôn có nhiều bất ngờ đang diễn ra hàng giờ hàng ngày ngoài xã hội chính là đặc điểm của hội thi cán bộ dân vận…
THẠCH BI SƠN