Thứ Hai, 30/09/2024 16:29 CH
Một nghị quyết ngược chiều phát triển quan hệ VN-Hoa Kỳ
Thứ Năm, 20/09/2007 10:05 SA

Ngày 18/9, Hạ viện Hoa Kỳ một lần nữa có quyết định sai lầm là thông qua văn bản pháp lý với mã số HR 3096. Thế giới ngày nay rõ ràng mang tính kết nối cao nhưng có lẽ không một ai chấp nhận được việc cơ quan lập pháp của một nước này lại dọa trừng phạt một quốc gia khác vì những công việc nội bộ của quốc gia đó.


Việc Nghị sĩ đảng Cộng hòa Christopher Smith, người lâu nay luôn lớn tiếng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của chính phủ Việt Nam, đưa ra dự luật này là điều không mấy ai ngạc nhiên. Và ngay cả việc Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật – với cái tên chính thức là “Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam 2007” – hồi cuối tháng 7 lẫn bước đi mới nhất của Hạ viện Hoa Kỳ về vấn đề này cũng không gây ra nhiều bất ngờ. Bởi không ít người ở Hoa Kỳ ngày nay vẫn tự cho mình cái quyền phán xét các cá nhân, tổ chức, thậm chí cả các quốc gia khác, bất chấp thực tế đang diễn ra.


Dự luật HR 3096 yêu cầu áp dụng biện pháp chế tài là không tăng các khoản viện trợ không nhân đạo cho đến khi Việt Nam đáp ứng một loạt các yêu sách, trong đó có việc trả tự do cho tất cả những người mà nghị sĩ Smith và những người ủng hộ ông ta gọi là “tù chính trị và tôn giáo,” tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn trọng quyền của dân tộc thiểu số...

 

Dự luật HR 3096 còn đi xa hơn trong việc can thiệp vào tình hình Việt Nam khi dành ngân sách 4 triệu USD trong vòng 2 năm để tài trợ cho các tổ chức và cá nhân thực hiện “đẩy mạnh dân chủ ở Việt Nam” và cấp hơn 10 triệu USD cho chương trình phát thanh Á châu Tự do vốn có tiếng là xuyên tạc và bóp méo tình hình Việt Nam. Ngoài ra, dự luật cũng đòi hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ ra phúc trình hàng năm về tình hình nhân quyền của Việt Nam.

 

Tác giả của HR 3096, nghị sĩ Christopher Smith thậm chí dọa dẫm: “Ðạo luật này bắn tiếng cho Chính quyền Việt Nam biết rằng con đường vi phạm nhân quyền sẽ dẫn đến một số biện pháp trừng phạt.”

 

GHị SĨ CHRIS SMITH LÀ AI?

 

Christopher Henry Smith, sinh năm 1953, đại diện cho bang New Jersey. Kể từ khi vào Quốc hội, ông ta luôn tích cực kêu gọi thúc đẩy nhân quyền ở tận Liên Xô cũ, Rumani, Việt Nam, Trung Quốc, Xuđăng, Cuba và một số nước khác.

 

Một trong những thành tích lập pháp nổi bật của Smith là luật bảo vệ các nạn nhân của bạo lực và nạn buôn người, luật đầu tiên của Hoa Kỳ giải quyết cụ thể vấn đề buôn người.
 
Tuy nhiên, theo Liên minh Dân quyền Mỹ (American Civil Liberties Union), nghị sĩ này đạt kết quả đánh giá rất thấp, chỉ 13%, về các vấn đề liên quan đến quyền tự do công dân. Ông Smith từng bỏ phiếu ủng hộ khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 78 tỉ USD cho cuộc chiến ở Irắc và Apganixtan nhưng lại không đồng ý khoản trợ cấp 84 triệu USD cho các trường cao đẳng của người da đen và người gốc Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha. Ông ta cũng không chấp nhận cấp thị thực di trú cho công nhân lành nghề, trong khi đồng ý áp dụng các biện pháp theo dõi điện tử mà không cần lệnh cho phép và cho phép tiếp tục thu thập thông tin mà không cần có sự giám sát của cơ quan dân sự.

 

Là một người từ chối ngay cả những quyền tự do và nhân quyền tại chính đất nước mình, liệu nghị sĩ Chris Smith có thể nói thế nào là đúng hay sai ở một quốc gia khác? Không có lý do nào để Việt Nam cũng như những quốc gia luôn bị ông Smith phê phán trông đợi một quan điểm ôn hòa và xây dựng từ phía nghị sĩ này.

 

THỰC TẾ KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng trực tiếp giải thích với Tổng thống George Bush trong chuyến thăm Hoa Kỳ của ông hồi mùa hè vừa qua rằng luật pháp của Việt Nam không thể giống của Mỹ 100% vì khác nhau về hoàn cảnh và lịch sử. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định rằng luật pháp Việt Nam luôn đảm bảo mọi quyền cho công dân và chỉ xử lý những người vi phạm luật pháp.

 

Khi bình luận về việc Hạ viện Hoa kỳ thông qua dự luật này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng đã nói: “Việt Nam mạnh mẽ phản đối cái gọi là Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2007. Dự luật này đã đưa ra những thông tin hoàn toàn sai trái về tình hình Việt Nam, ảnh hưởng tới chiều hướng phát triển tích cực hiện nay của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.”

 

Người phát ngôn khẳng định rằng nhân dân Việt Nam đã kiên trì đấu tranh trong nhiều thập kỷ vừa qua để giành lại các quyền độc lập, tự do và dân chủ. Hiến pháp Việt Nam quy định rõ Nhà nước tôn trọng và đảm bảo tất cả các quyền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, dân sự của nhân dân, trong đó có các quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí, thông tin, hội họp, lập hội. Sau 20 năm Đổi mới, với sự hưởng ứng và đóng góp tích cực của mọi người dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, phát huy dân chủ, nâng cao mức sống và đảm bảo các quyền và tự do của nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
 
Thực tế là trong thời gian qua, Việt Nam đã và luôn sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ về các vấn đề quan tâm, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Lẽ ra các Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ phải nhìn nhận vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam một cách toàn diện, khách quan trong bối cảnh lịch sử, tôn trọng các đặc thù kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam trên tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, không để các vấn đề này cản trở quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp
 
Thật tiếc là các Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ đã phớt lờ mọi thực tế đang xảy ra ở Việt Nam, cố tình chính trị hóa những vi phạm dân sự để gây sức ép với một quốc gia đang tự mình vươn lên thoát khỏi khó khăn như Việt Nam, lấy một nhóm người chống đối cuồng tín làm lý do thay đổi hướng đi của cả một dân tộc.

 

Có lẽ câu hỏi rõ ràng nhất bây giờ là những người đã bỏ phiếu thuận cho bản dự luật vô lý này có thực sự hành động một cách có trách nhiệm nhằm vun đắp một mối quan hệ giữa hai quốc gia mà rõ ràng đang ngày càng trở nên chặt chẽ hay không. Và sự can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác liệu có được ai ủng hộ trong khi những vụ bê bối trong các nhà tù ở Guantanamo hay Abu Ghraib đang còn làm chính công luận trong người dân Hoa Kỳ và thế giới vô cùng bất bình.


Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek