Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua cho rằng: "Báo cáo năm nay của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ghi nhận thực tế và những phát triển tích cực về tôn giáo ở Việt Nam", nhưng "vẫn còn những đánh giá chưa khách quan và thiếu chính xác"...
|
Các tăng ni dự lễ Phật đản tại chùa Vĩnh Nghiêm. |
Ngày 15/9/2007, tại Washington, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo hàng năm về tự do tôn giáo. Ðề cập tình hình tôn giáo ở Việt Nam trong năm qua, Báo cáo cho rằng: "Việc thực hiện tôn trọng tự do tôn giáo tiếp tục có những tiến bộ quan trọng trong năm qua. Chính phủ thúc đẩy thực hiện Chỉ thị về Tôn giáo và Tín ngưỡng năm 2004 và các sắc lệnh bổ sung và chính sách tôn giáo ban hành năm 2005, nhiều giáo đoàn mới đăng ký hoạt động trên khắp 64 tỉnh, thành phố cả nước; công dân được phép hành đạo tự do hơn". Song bên cạnh đó, Báo cáo lại viết: "Chính phủ (Việt Nam - HY) vẫn duy trì sự hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo... Việt Nam vẫn còn những vẫn đề tồn tại trong việc thực hiện khuôn khổ pháp lý quốc gia về tôn giáo...", đồng thời đưa ra nhiều "dẫn chứng" không đúng sự thật để chứng minh cho các nhận xét nói trên. Chính vì thế, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về bản Báo cáo này, ngày 17/9/2007, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta cho rằng: "Báo cáo năm nay của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ghi nhận thực tế và những phát triển tích cực về tôn giáo ở Việt Nam", "mặc dù vẫn còn những đánh giá chưa khách quan và thiếu chính xác"...
Thiết nghĩ, để có đánh giá thật sự khách quan và nghiêm túc về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua, cần phải nhận thức rằng, vấn đề này trở nên rùm beng lâu nay chỉ là kết quả của các chiến dịch "tuyên truyền" đầy ác ý do một nhóm phần tử cực đoan tiến hành nhằm thực hiện mưu đồ sử dụng tôn giáo làm phương tiện hoạt động chính trị chống phá quá trình phát triển ổn định của Việt Nam, xuyên tạc, bôi nhọ tình hình ở Việt Nam. Cần khẳng định, "vấn đề tự do tôn giáo" ở Việt Nam mà Chính phủ Hoa Kỳ quan tâm hoàn toàn không phải là do Nhà nước Việt Nam gây ra. Bằng chứng cụ thể và xác thực không chỉ thể hiện ở những chủ trương, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo do Ðảng và Nhà nước Việt Nam ban hành, mà còn thể hiện qua thái độ, qua việc làm trên thực tế của Ðảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, của các đoàn thể... tạo điều kiện cho tín đồ và các tôn giáo hành đạo theo nguyên tắc "tốt đời, đẹp đạo". Từ nhận thức một cách khách quan và khoa học rằng, tín ngưỡng - tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân đến các chủ trương, chính sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã giúp cho những người theo đạo là công dân Việt Nam trở thành các tín đồ lành mạnh, các công dân tốt. Họ đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Vì thế, nếu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm tình hình tôn giáo ở Việt Nam thì cần phải nắm bắt được sắc thái tinh thần của đa số chức sắc và tín đồ khi quyền tự do và niềm tin tôn giáo được tôn trọng, không có bất kỳ trở ngại nào từ phía Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Các cơ sở thờ tự tín ngưỡng - tôn giáo từ nam ra bắc ngày càng được trùng tu, xây dựng mới khang trang, ngày lễ trọng của các tôn giáo đều được tổ chức công khai, trang trọng... Cho nên, không ngẫu nhiên khi Tổng thống Hoa Kỳ G.Bush sang Việt Nam dự Hội nghị APEC lần thứ 14 đã cùng giáo dân Việt Nam an lành thực hiện nghi thức tôn giáo tại một nhà thờ ngay giữa Thủ đô Hà Nội.
Như đã nói ở trên, cần khẳng định rằng, thực chất một số diễn biến vừa qua ở Việt Nam là do một số phần tử cơ hội chính trị đã và đang lợi dụng vấn đề tôn giáo để phục vụ ý đồ đen tối của họ. Các phần tử cơ hội chính trị đó còn được những kẻ có cùng tham vọng ở nước ngoài hà hơi, tiếp sức nhằm gây rối, cản trở sự phát triển ổn định của đất nước Việt Nam. Mưu đồ đen tối đã thúc đẩy các phần tử này tiến hành nhiều hoạt động vi phạm pháp luật. Họ đã chà đạp lên yêu cầu đạo đức của tín đồ, đi ngược lại đức tin, thậm chí còn hung hăng, chống đối chính quyền như hoạt động của Thích Quảng Ðộ và đồng bọn đã tiến hành gần đây; hay hoạt động chống phá đất nước của cái gọi là "Tin lành Ðề-ga" mà đa số tín đồ và chức sắc Tin lành không đồng tình...
Như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói: "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ gần đây đã có những phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn ở các cấp giữa hai nước đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề hai bên quan tâm...", trong bối cảnh đó, lẽ ra Chính phủ Hoa Kỳ cần thể hiện thái độ thiện chí của mình thông qua một phương cách xem xét và đánh giá khách quan tình hình thực tế, từ đó giúp cho việc củng cố mối quan hệ, hợp tác giữa hai nước đang tiến triển. Báo cáo hàng năm về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa qua đã không thể hiện đầy đủ thiện chí và trong một số trường hợp, dẫn chứng mà Báo cáo đưa ra chỉ dựa trên việc thu thập các thông tin đã bị bóp méo, xuyên tạc sự thật. Dù đánh giá như thế nào thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn cần biết: Xem xét vấn đề "tự do tư tưởng, lương tri và tôn giáo" phải trên cơ sở của nguyên tắc: "không hạn chế nào được đặt trên sự thực thi... ngoài những hạn chế được áp đặt để tuân theo luật pháp" đã được khẳng định trong Giao ước quốc tế về những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên hợp quốc mà cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã cam kết thực hiện.
Theo NDO