Chủ Nhật, 29/09/2024 04:32 SA
Kỷ niệm 105 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 2007)
Những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong
Thứ Sáu, 14/09/2007 13:29 CH

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, chiến sĩ kiên cường trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 

070914-lhp.jpg

Đồng chí Lê Hồng Phong

Từ cuối năm 1924, sau khi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Lê Hồng Phong giác ngộ con đường cứu nước mới, con đường cách mạng theo học thuyết Mác - Lê-nin. Sau cao trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh, cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhiều cơ sở Đảng bị vỡ. Ngày 6/6/1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Công. Sau sáu năm trau dồi lý luận và tri thức cách mạng, đây cũng là lúc bắt đầu cuộc đời cách mạng thật sự của đồng chí Lê Hồng Phong.

 

Với muôn trùng khó khăn trong giai đoạn thoái trào của cách mạng, được tinh thần, tư tưởng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản rọi chiếu, đồng chí đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm to lớn trước Đảng và dân tộc. Cống hiến lớn của đồng chí Lê Hồng Phong là khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu cho đảng viên, tinh thần chiến đấu của nhân dân, giữ vững niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng.

 

Đồng chí Lê Hồng Phong đã tham gia soạn thảo Chương trình hành động, một văn kiện Lê-nin-nit chân chính; nỗ lực mở các lớp huấn luyện chính trị, thành lập chi bộ cộng sản, lập ra Ban cán sự Đảng ở một số tỉnh và sau đó thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài, là những cống hiến to lớn và hết sức quan trọng. Bởi vì, nếu không có những hoạt động tích cực, có hiệu quả lúc bấy giờ mà công lao lớn thuộc về đồng chí Lê Hồng Phong thì Đảng ta sẽ không đủ khả năng để khôi phục hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới, phục hồi mau chóng và phát triển được lực lượng của mình. Những đóng góp xuất sắc của đồng chí trong thời kỳ này là cơ sở rất quan trọng để Đảng ta nhanh chóng triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng vào tháng 3/1935.

 

Trên cương vị đứng đầu Ban Chỉ huy ở ngoài và sau đó là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã tiếp tục cống hiến trí tuệ và tâm huyết của mình cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Để tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam phát triển theo chiều hướng đi lên, vừa giải quyết tốt những vấn đề trong nước, vừa phù hợp xu thế của thời đại, đồng chí Lê Hồng Phong tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 

Trên diễn đàn Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong khẳng định ý nghĩa lớn lao của sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, nhấn mạnh Đảng Cộng sản Đông Dương là một đảng bất chấp mọi sự khủng bố tàn bạo của đế quốc Pháp, kiên quyết thực hiện Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản, thực hiện đường lối cách mạng đã được khẳng định từ khi Đảng ra đời, đó là làm cách mạng tư sản dân quyền, đánh đổ đế quốc và phong kiến để giải phóng dân tộc, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

 

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và bản lĩnh của một người cộng sản chân chính, tham luận của đồng chí Lê Hồng Phong đã nêu lên những ưu điểm, khuyết điểm của phong trào cộng sản, phong trào cách mạng Đông Dương trong cao trào 1930-1931 cho đến năm 1935. Báo cáo của đồng chí phản ánh một tư tưởng lớn của đồng chí Nguyễn Ái Quốc là phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và bổ sung kho tàng lý luận đó những cơ sở thực tiễn ở một xứ thuộc địa.

 

Là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô, tham gia Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong sớm trở thành một nhà hoạt động quốc tế nổi bật. Cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí đã góp phần to lớn làm cho Quốc tế Cộng sản dần dần hiểu rõ hơn phong trào cách mạng Việt Nam và Đảng Cộng sản Đông Dương, khẳng định Đảng ta là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản.

 

Dưới ánh sáng Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, tháng 7/1936, đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tại Thượng Hải để xác định chủ trương mới của Đảng về các vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Đông Dương. Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và chống phong kiến của cách mạng Đông Dương do Đảng ta đề ra từ đầu năm 1930 là không thay đổi. Nhưng nhiệm vụ trước mắt của Đảng và nhân dân Đông Dương là chống phát-xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình... Qua Hội nghị Trung ương tháng 7/1936, đồng chí Lê Hồng Phong cùng BCH T.Ư Đảng ta đã khắc phục những thiếu sót, làm cho tinh thần dân tộc và mối quan hệ dân tộc và giai cấp được quán triệt trong toàn Đảng.

 

Ở cương vị cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã khẳng định được bản lĩnh và trí tuệ của mình khi nhấn mạnh tất cả các phần tử của tất cả các giai cấp, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên tất cả; lợi ích này là lợi ích của tất cả các tầng lớp, tất cả các giai cấp xã hội và đặc biệt là của quần chúng nhân dân rộng rãi.

 

Với những cống hiến xuất sắc nêu trên, đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại cho những người cộng sản và các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau nhiều bài học quý giá. Đó là một tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần học tập và rèn luyện không hề mệt mỏi. Tuy điểm xuất phát chỉ học hết bậc sơ học, nhưng khi bước vào con đường cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã sớm nhận thức không có lý luận và tri thức cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng thật sự. Vì vậy, chỉ trong khoảng sáu năm, đồng chí đã học ở Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Không quân ở Quảng Châu, Trường Lý luận quân sự không quân tại Lê-nin-grat, Trường Đào tạo phi công, Trường đại học Cộng sản lao động Phương Đông, học năm thứ nhất lớp nghiên cứu sinh. Đồng chí biết nhiều ngoại ngữ, giỏi tiếng Trung Quốc, tiếng Nga.

 

Đồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, giữ trọn lý tưởng cộng sản, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào tinh thần, sức mạnh và trí tuệ của quần chúng nhân dân, biết dựa vào nhân dân để đưa cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo. Dù trong gian lao, thử thách, kể cả trước cái chết, đồng chí vẫn giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

 

105 năm đã trôi qua kể từ khi đồng chí Lê Hồng Phong chào đời và 65 năm từ  khi đồng chí  vĩnh biệt chúng ta, cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương chiến đấu và đạo đức cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong vẫn sống mãi, cổ vũ chúng ta học tập và noi theo.       

 

Theo PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG (N.D)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek