Thứ Sáu, 29/11/2024 02:56 SA
Chặng đường 45 năm và quan hệ đặc biệt Việt – Lào
Thứ Tư, 05/09/2007 08:00 SA

Là kết quả của sự phát triển tiệm tiến trong nhiều thế kỷ, thập kỷ từ sự tự phát đến tự giác và được khuôn khổ hoá, quan hệ Việt Nam - Lào đang ngày càng thể hiện tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện, ở cả song phương và đa phương, với những sắc thái mới.

 

070905 viet-lao.jpg

TỪ NHU CẦU TỰ PHÁT ĐẾN NHẬN THỨC TỰ GIÁC

 

Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương (Indochina) núi liền núi, sông liền sông, cùng chung uống nước dòng sông Mêkông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, Việt Nam và Lào (cùng với Campuchia) vốn có sự gần gũi, thân thiết cố hữu. Là điểm giao thoa, là cầu nối giữa nhiều phần của đại lục châu Á được các nhà địa chính trị Pháp coi là góc của châu Á, “một thế giới giữa hai thế giới” như cách nói của nhà xã hội học Pháp Paul Mus, hai dân tộc Việt Nam và Lào đã có sự liên hệ trong lịch sử trường kỳ dựng và giữ nước. 

 

Như một nhu cầu tự phát và dần hướng tới tự giác, khi hữu sự, bị đe dọa xâm lược, hoặc bị xâm lược, hai dân tộc đã tìm đến nhau, giúp đỡ lẫn nhau. 

 

Thế kỷ XV đã chứng kiến sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân các bộ tộc Lào, cả về vũ khí, đạn dược, trang bị đến căn cứ chiến đấu.

 

Sang thế kỷ thứ XIX, vận mệnh của hai dân tộc lại gắn bó với nhau khi kẻ thù chung là thực dân Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa yêu nước của nhân dân Việt Nam đã được nhân dân các bộ tộc Lào che chở, giúp đỡ mỗi lần bị truy đuổi. Phong trào Cần Vương của vua quan triều đình Huế cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các bộ tộc Lào anh em nơi vùng biên. Các nghĩa quân của các bộ tộc Lào chống Pháp cũng nhận được sự giúp đỡ, phối hợp của các lực lượng yêu nước chống Pháp ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào.

 

Sự hợp tác tự nguyện và tự giác ban đầu đó đã đặt nền móng vững chắc cho bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc ở thế kỷ XX khi hoàn cảnh lịch sử đặt ra cho mỗi dân tộc và cả hai dân tộc những thách thức hết sức khó khăn cần phải vượt qua.

 

Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời năm 1930 là một bước đột phá trong việc nâng cao ý thức tự giác của các dân tộc Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và chống kẻ thù chung. 

 

ĐH Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II (tháng 2/1951) quyết định thành lập ở mỗi nước chính đảng riêng. Hai Đảng ra đời, vừa độc lập với nhau trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng mỗi nước vừa gắn bó với nhau trong mục tiêu chống lại kẻ thù chung.

 

Suốt giai đoạn dài hai dân tộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất, mối quan hệ gắn bó truyền thống giữa hai dân tộc Việt - Lào đã có bước chuyển mới về chất. Từ những nhu cầu tự phát, các mối quan hệ giữa hai dân tộc được nâng cao lên mức tự giác, tự giác trong nhận thức, tự giác trong hành động. 

 

Hai dân tộc, hai Đảng đã ý thức được rằng: “tình đoàn kết thân ái là điều kiện căn bản cho cuộc thắng lợi chắc chắn... Thắng lợi của nhân dân Lào cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam”. Hai dân tộc cũng tự giác được rằng trong mối quan hệ giữa yếu tố quốc tế và yếu tố dân tộc phải có sự kết hợp hài hòa: cách mạng của mỗi nước, mỗi dân tộc đều có đặc thù riêng, mỗi đảng cách mạng, mỗi dân tộc phải tự chủ về sự nghiệp của mình trong khi triệt để thực hiện đoàn kết với đảng cách mạng, dân tộc bạn.

 

Những thắng lợi lớn của Việt Nam và Lào đều có dấu ấn của người láng giềng.

 

KHUÔN KHỔ HÓA QUAN HỆ

 

Giành được độc lập và đi vào con đường phát triển và hội nhập, những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và khu vực vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai dân tộc là những chất keo dính mới củng cố và thúc đẩy hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

 

Năm 1977, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện được ký kết, đưa quan hệ giữa hai dân tộc, hai Đảng, hai Nhà nước vào một khuôn khổ mới: khuôn khổ hợp tác hữu nghị, toàn diện và đặc biệt dựa trên truyền thống quan hệ gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc, những nguyên tắc chung của quan hệ quốc tế và ý chí hợp tác trong hoàn cảnh mới.

 

Không chỉ lần đầu tiên đặt ra khuôn khổ đầy đủ và bền vững về chính trị và pháp lý, Hiệp ước còn đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới cả về chất và lượng. Quan hệ giữa hai nước giờ đây không chỉ hạn chế trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, chính trị…, mà còn trên các lĩnh vực hết sức quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước như kinh tế, giáo dục, văn hóa. 

 

Thực tiễn 30 năm qua đã chứng minh “sức mạnh của việc ký kết hai Hiệp ước trên qua sự hợp tác về chính trị giữa hai nước, sự nhất trí cao trên tất cả những vấn đề cơ bản của cách mạng hai nước; sự phối hợp về các mặt an ninh, quốc phòng và ngoại giao và sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực khác mà ở những giai đoạn trước đây chưa có điều kiện để triển khai: thương mại, văn hóa, khoa học - kỹ thuật…

 

Khuôn khổ quan hệ toàn diện và đặc biệt Việt Nam - Lào được trong suốt những năm qua đã không ngừng được xây dựng, củng cố và tăng cường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và trên tất cả các lĩnh vực, cấp độ.  Đến nay hai nước đã ký kết khoảng 40 hiệp ước, hiệp định, thoả thuận ở cấp cao làm cơ sở pháp lý để phát huy các mối quan hệ trên mọi lĩnh vực.

 

Ngày nay, sự phát triển và hội nhập của Việt Nam sẽ là cơ hội, là chất xúc tác cho sự phát triển của Lào và ngược lại, sự thịnh vượng, ổn định của Lào sẽ là điều kiện làm cho Việt Nam phát triển và hội nhập mạnh mẽ hơn

 

ASEAN: SẮC THÁI MỚI CHO QUAN HỆ 

 

Gần đây, quan hệ Việt - Lào được bổ sung một sắc thái mới: thành viên của ASEAN. Hai nước đang nỗ lực thực hiện chính sách hội nhập khu vực và quốc tế vì mục tiêu phát triển và thịnh vượng. Đó chính là những chất keo dính mới cho quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Lào.

 

Gia nhập sau, ở trình độ phát triển thấp hơn so với các thành viên cũ, và có sự tương đồng về chính trị - xã hội, Việt Nam và Lào đã tích cực phối hợp hành động, chia sẻ quan điểm, kiên trì đấu tranh nhằm bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của ASEAN. 

 

Việt Nam đã tích cực phối hợp với Lào, giúp đỡ Lào cả về vật chất lẫn kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 10 tại Viên Chăn tháng 11/2004 qua đó nâng cao hơn nữa vị thế và hình ảnh của CHDCND Lào trong khu vực và quốc tế.

 

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam và Lào cùng tham gia nhiều hình thức hợp tác tiểu khu vực khác như Hợp tác tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS - Greater Mekong Subregion), hợp tác trong khuôn khổ AMECS, sáng kiến Hành lang Đông - Tây (WEC), nhóm các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), cùng thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa các bên tham gia trong khuôn khổ các dự án này. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cũng ủng hộ mạnh mẽ sự tham gia của Lào vào tiến trình ASEM cũng như các cơ chế đối thoại của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

 

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cũng ủng hộ mạnh mẽ sự tham gia của Lào vào tiến trình ASEM cũng như các cơ chế đối thoại của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

 

Đồng thời, trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng của ASEAN, Việt Nam, Lào cùng với Campuchia đã hình thành cơ chế làm việc giữa Thủ tướng ba nước kể từ 1999 nhằm phối hợp tốt hơn những chính sách phát triển tiểu khu vực. Điều này hoàn toàn phù hợp với các phương thức hợp tác trong khuôn khổ của ASEAN. Trong khuôn khổ này, “Tam giác phát triển” quy tụ 7 tỉnh ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia sẽ là một động lực cho sự hợp tác giữa ba nước đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào vì những lợi ích hết sức quan trọng về an ninh, quốc phòng và phát triển của mỗi nước trong khu vực.  

 

ĐOÀN PHƯƠNG (VNN)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek