Thứ Sáu, 29/11/2024 10:44 SA
Bác Hồ kể chuyện Tây du ký
Thứ Ba, 28/08/2007 07:02 SA

Tây du ký - một trong năm kiệt tác của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc được các nhà điện ảnh Trung Quốc dựng thành phim (năm 1982 - 1988) hấp dẫn khán giả không chỉ Trung Quốc mà toàn thế giới.

 

Tại Việt Nam, bộ phim Tây du ký được chiếu nhiều lần và luôn được khán giả mọi lứa tuổi nồng nhiệt đón nhận.

 

Trong lớp chỉnh Đảng khóa I năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể chuyện Tây du ký và giáo dục nhiều điều về nhiệm vụ cách mạng. “Bác Hồ kể chuyện Tây du ký” được tướng Trần Văn Giang (một học viên lớp chỉnh Đảng khóa I) ghi lại (Nhà xuất bản Trẻ - TP Hồ Chí Minh tháng 4/1999, trang 52-60). Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa I năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc gần kết thúc. Các chi bộ đang chuẩn bị bước vào kiểm điểm tư tưởng. Có thông tin của hiệu bộ mời tất cả học viên tối hôm đó lên hội trường gặp Bác.

 

Vừa bước lên bục, Bác đã vẫy tay làm hiệu cho mỗi người thôi vỗ tay, ngồi xuống, Bác tươi cười nói ngay:

 

- Mấy hôm nay các cô các chú học và chuẩn bị kiểm điểm tư tưởng hơi căng thẳng. Để thư giãn đôi chút, Bác có ý định là tối hôm nay nghỉ học để Bác cháu ta nói chuyện vui. Các cô các chú có đồng ý không?

 

- Đồng ý! Có ạ!

 

- Hoan hô sự nhất trí của các cô, các chú. Thế trong các cô các chú những ai đã đọc truyện Tây du ký?

 

Nhiều cánh tay giơ cao, Bác nhìn một lượt gật đầu:

 

- Nhiều cô chú đã đọc. Tốt! Thế thì ai có thể kể lại chuyện Tây du ký cho cả lớp nghe? Tất nhiên là tóm tắt thôi.

 

- Mấy cánh tay giơ lên lại hạ xuống chỉ còn mình anh Tôn Quang Phiệt ngồi ngay ở hàng ghế đầu, sát cạnh tường.

 

- Ai đấy? Chú Phiệt đấy à? Hoan hô chú Phiệt! Mời chú lên đây kể cho cả lớp nghe - Bác hạ thấp giọng khi thấy anh Phiệt đang đi lên - kể tóm tắt độ mươi, mười lăm phút thôi. Rồi chú rút ra ý kiến cho lớp học.

 

Cả lớp cười ồ. Truyện Tây du ký dài lại nhiều chương mục làm sao kể tóm tắt trong mười lăm phút? Lại còn rút ra bài học?

 

Bác ra hiệu cho mọi người yên lặng. Bác ngồi xuống ghế và giơ tay về phía anh Phiệt:

 

- Bây giờ chú bắt đầu kể đi.

 

- Anh Phiệt có trí nhớ rất tốt. Anh kể cũng khá khúc chiết rõ ràng nhưng cả lớp ai cũng lo vì lối kể dềnh dàng của anh.

 

Bắt đầu có tiếng xì xào, một người nhắc to:

 

- Đừng sa lầy vào sự việc! Tóm tắt nhanh đi!

 

- Thế này thì đến sáng cũng chưa xong, và làm sao rút ra bài học?

 

Anh Phiệt thấy bế tắc đã ngừng kể nhưng vẫn đứng nhe răng cười và lại gãi tai:

 

- Kể tóm tắt mười lăm phút khó quá! Xin mời Bác ạ.

 

Cả lớp hoan nghênh ý kiến anh Phiệt lại vỗ tay rầm rầm:

 

- Mời Bác kể ạ! Mời Bác kể ạ.

 

Bác đến bên micro, bắt tay anh Phiệt. Bác khen anh có trí tốt và kể chuyện hay. Tuy nhiên vận dụng vào hoàn cảnh lớp chỉ có một, hai tiếng tối nay thì không thể như người đứng giữa rừng tả từng cây một. Phải lui ra thật xa hoặc đứng ở một điểm cao để có cái nhìn bao quát cả cánh rừng.

 

- Cô chú nào xung phong lên kể thật tóm tắt rồi nói lên một vài vấn đề có thể rút ra cho lớp học?

 

- Cả lớp cười rúc rích và không có ai giơ tay.

 

- Từ cuối lớp một đồng chí đứng dậy, không phải là nhận kể chuyện mà nói thật to:

 

- Thưa Bác! Chúng cháu muốn được nghe Bác trực tiếp kể và nói lên ý nghĩa của câu chuyện với những người cách mạng chúng ta. Xin mời Bác ạ!

 

Lớp học vỗ tay rầm rầm tăng thêm sức mạnh cho lời đề nghị này. Bác ôn tồn nói:

 

- Kể ra tự các cô các chú kể lấy thì tốt hơn. Nhưng các cô các chú muốn nghe Bác kể thì cũng được.

 

Rồi với một dáng điệu ung dung thoải mái rất tự nhiên Bác bắt đầu kể:

 

- Từ khi loài người bắt đầu có óc tư hữu thì sinh ra nhiều thói hư tật xấu. Xã hội chia ra kẻ giàu người nghèo, có áp bức bóc lột, bất công. Huyền Trang Đường Tam Tạng là một vị chân tu có bản chất rất tốt, có lòng nhân hậu vị tha sẵn sàng hỷ xả. Ông rất muốn chống áp bức bóc lột bất công, giải quyết bao điều ngang trái trong xã hội nhưng lúc đó chưa có học thuyết cách mạng dẫn đường. Ông thành tâm tin vào sức mạnh cảm hóa loài người của đạo Phật. Ông nhận nhiệm vụ của vua trao cho, đi sang Tây Trúc Ấn Độ đem kinh nhà Phật về truyền bá cho thiên hạ thì có thể cảm hóa được mọi người bỏ điều ác theo điều thiện, thương yêu nhau, sống hòa thuận trong xã hội nhà Phật.

 

- Đường đi từ Trung Nguyên Trung Quốc sang Tây Trúc Ấn Độ rất dài, trải qua thiên sơn vạn thủy, biết bao vất vả gian truân. Biết bao rừng núi sông hồ, lam sơn chướng khí, lại phải đương đầu chống chọi với biết bao yêu quái hồ ly, nhiều phen tính mạng tưởng như ngàn cân treo sợi tóc. Sau 14 năm trời đằng đẵng, tức là 5.048 ngày đêm lặn lội, thầy trò Đường Tăng đã vượt qua mười vạn tám ngàn dặm đường, chịu đựng đủ 81 tai ương hiểm nghèo do đủ các loại yêu quái gây ra. Cuối cùng thầy trò Đường Tăng đã đến được núi Linh Sơn, vào chùa Lôi Âm, đến trước Điện Đại Hùng gặp Phật Tổ Như Lai Thích Ca Mâu Ni và nhận đủ 55 bộ kinh gồm 5.048 quyển đem về truyền bá ở Trung Quốc. Sự nghiệp cao cả của thầy trò Huyền Trang đã hoàn thành.

 

Nghe Bác kể đến đây mọi người ngạc nhiên nhìn nhau rồi lại nhìn Bác không ngờ chuyện Tây du ký dài là thế và ngổn ngang sự kiện lại có thể gói gọn nhanh chóng gọn gàng chỉ trong 7, 8 phút như vậy.

 

Bác nhìn xuống bao quát lớp học rồi lại ôn tồn nói tiếp:

 

- Tây du ký là một kho truyện rất dài. Nội dung gồm nhiều sự kiện đấu tranh giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa, rất hấp dẫn và thú vị, nhiều đoạn rất ly kỳ nối tiếp nhau diễn ra. Đọc xong mỗi hồi, mỗi sự kiện thì mọi người đều có thể rút ra những suy nghĩ phù hợp với mình. Ở lớp chỉnh Đảng này, học Đường lối cách mạng Việt Nam, xác định lập trường quan điểm tư tưởng và phương hướng hành động cho mình thì về góc độ các cô, các chú có thể tìm thấy ở Tây du ký nhiều vấn đề có ý nghĩa bổ ích.

 

Các cô các chú cứ suy ngẫm mà xem, có phải Huyền Trang Đường Tam Tạng là một con người có lập trường vô cùng kiên định không? Nhận thức được sứ mạng cao cả, Huyền Trang đã xác định được quyết tâm sắt đá và trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm vẫn tâm niệm một điều là cố gắng đến cùng đi tới đích. Cái lập trường kiên định đó, cái quyết tâm sắt đá đó, lại được cái đức độ cao cả không tham danh vọng tiền tài và mọi lạc thú thấp hèn đã tạo nên ở Huyền Trang Đường Tam Tạng một bản lĩnh rắn chắc để vượt qua tất cả, tạo nên cái “bất biến” để đương đầu đối phó với cái “vạn biến”. Vấn đề rút ra có thể hàng trăm, hàng ngàn nhưng theo cá nhân Bác thì vấn đề kiên định lập trường là vấn đề nổi trội lên trong Tây du ký. Tất nhiên ở mỗi góc độ khác nhau người ta có thể rút ra những vấn đề thú vị khác nhau. Nhưng với lớp học Đường lối cách mạng Việt Nam chúng ta hôm nay thì đó là cái thu hoạch quý giá nhất.

 

PHAN THANH

(Sưu tầm và giới thiệu)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek