Chủ Nhật, 29/09/2024 22:33 CH
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ngô Văn Quỳ:
Xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận trọng dân, gần dân, được dân tin yêu
Chủ Nhật, 26/08/2007 07:46 SA

Đội ngũ cán bộ dân vận cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần đắc lực thúc đẩy phát triển KT - XH, giữ vững AN - QP ở các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động của đội ngũ này  còn bộc lộ các khiếm khuyết, bất cập. Trao đổi với phóng viên báo Phú Yên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Ngô Văn Quỳ cho biết:

 

070824-Anh-NVQ2.jpg

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên Ngô Văn Quỳ - Ảnh: H.CHƯƠNG

Sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng, củng cố  hệ thống chính trị cơ sở đi vào cuộc sống, có  thể khẳng định rằng, nhận thức về  công tác vận động quần chúng đã có  sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Các huyện uỷ, thành uỷ đã chăm lo đầu tư nhiều hơn cho việc nâng cao chất lượng vận hành của hệ thống chính trị cơ sở. Cụ thể là cán bộ từ Đảng, chính quyền đến Mặt trận và các đoàn thể được kiện toàn, củng cố, được trẻ hoá với trình độ học vấn, chính trị và năng lực công tác nâng cao hơn trước. Nhờ vậy, hầu hết cán bộ lãnh đạo, điều hành các xã, phường, thị trấn trong tỉnh công tác  khá đều tay, cùng toàn dân đẩy mạnh các phong trào thi  đua yêu nước, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng theo hướng ngày càng hiệu quả gắn với giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, không khí dân chủ ngày càng được mở rộng, đề cao, mối quan hệ giữa dân với Đảng, chính quyền cơ sở ngày càng tốt hơn.

 

* Có một thực tế là, khi có một vụ việc phức tạp nào đó bất ngờ xảy ra ở địa bàn dân cư,  có cơ sở  rất bị động, lúng túng trong ứng phó, xử lý, phải nhờ cấp trên xuống chi viện, “hóa giải” thì mọi việc mới “thuận buồm xuôi gió”.  Thưa đồng chí, vì sao có hiện tượng đó?

 

- Đúng là trong thực tế đã xảy ra trường hợp vừa nêu. Nguyên nhân bao trùm theo tôi là do hệ thống chính trị cơ sở của chúng ta tuy mạnh nhưng chưa thật đều, sức đề kháng trước những vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội có nơi, có lúc còn yếu. Còn nguyên nhân trực tiếp  là do chưa sát dân, còn xa dân, phối hợp thiếu đồng bộ trong giải quyết những vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở. Đó là, cấp trên chưa sâu sát phường, xã;  phường, xã thì ít gần gũi thôn, buôn, khu phố; cán bộ thôn, buôn, khu phố thì lại không  nắm chắc được những diễn biến tư tưởng, các sự việc phát sinh nhạy cảm trong đời sống thường nhật của nhân dân.  Khi có vụ việc  bùng phát  (do tích tụ âm ỉ dài ngày) thì  gây nên bất ngờ! Rồi trong giải quyết từng vấn đề cụ thể, có lúc lại thiếu sự thống nhất, đồng bộ giữa cấp uỷ Đảng,  chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cơ sở.  Bệnh hành chính hoá trong công tác dân vận vẫn còn khá nặng nề ở nhiều nơi, biểu hiện dễ thấy của nó là cán bộ làm việc theo giờ hành chính, ít sâu sát thâm nhập địa bàn dân cư. Đây cũng là một tác nhân vô hình trung khiến cán bộ không giữ được mối quan hệ gắn bó thực sự mật thiết với dân, dẫn đến làm giảm hiệu lực của hệ thống chính trị.

 

* Vậy thì có “bài thuốc”  nào để chữa căn “bệnh”  nói trên hầu góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ dân vận vững mạnh toàn diện đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đất nước ta hội nhập, đẩy  mạnh CNH – HĐH, thưa đồng chí?

 

070824-anh.jpg

Cán bộ chiến sĩ công an Phú Yên về với buôn làng - Ảnh: K.P

 

- Trong  bài báo “Dân vận  viết vào ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí  Minh đã chỉ rõ: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thực thà nhúng tay vào việc”. Tôi cho rằng, người cán bộ dân vận  các cấp thực hiện đúng những lời Bác dạy là sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính  trị được giao. Còn cụ thể, đầu vào của cán bộ dân vận phải có sự sàng lọc, cần tuyển chọn cho được những người đủ tiêu chuẩn, tâm huyết với nhiệm vụ, có uy tín với dân, trọng dân, gần dân, được dân tin yêu. Không nên xem môi trường công tác dân vận là nơi “hạ cánh an toàn” của cán bộ các ngành khác trước khi nghỉ hưu, nghỉ chính sách.  Bên cạnh đó, quy chế làm việc giữa cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở phải được  xây dựng chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, trong đó, mối quan hệ phối hợp vận hành sao cho đồng bộ và  đồng thuận cao, nhất là trong xử lý các vấn đề nhạy cảm nảy sinh ở địa phương. Về chính sách, có thể nói, cán bộ cấp xã, phường, thị trấn hiện nay cơ bản tạm ổn về phụ cấp nên hầu hết yên  tâm công tác. Trong khi đó, cán bộ chi hội, tổ hội đoàn thể ở các thôn, buôn, khu phố chủ yếu là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, làm việc vì tấm lòng với sự nghiệp chung. Vì vậy, cần có chế độ đãi ngộ, động viên thoả đáng và kịp thời về vật chất và tinh thần được thể chế hoá bằng các quy định cụ thể của Nhà nước đối với đội ngũ này cũng như các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân. Nếu thực hiện nhịp nhàng và quyết liệt  ba vấn đề trên, tôi tin rằng sẽ tạo ra một sự chuyển biến  mang tính đột phá và nhất là một hiệu quả bền chắc, sâu rộng trong công tác dân vận ở cơ sở.

 

*Xin cảm ơn đồng chí!

 

THẠCH BI SƠN (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek