Xem xét, nhận xét và đánh giá cán bộ là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm và phức tạp. Đây là khâu mở đầu rất cơ bản có tính chất quyết định trong việc phát hiện, sử dụng cán bộ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước khi cất nhắc cán bộ phải nhận xét rõ ràng”, “Biết rõ ràng cán bộ mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mức”. Theo Người, xem xét nhận xét và đánh giá cán bộ không những để sử dụng, mà qua đó còn nâng đỡ họ, tạo điều kiện cho họ phát huy tài năng, sức lực của mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn xem xét, nhận xét và đánh giá đúng cán bộ phải có quan điểm toàn diện, cụ thể và lịch sử. Theo Người: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”, không chỉ dừng lại ở quan sát tướng mạo và những biểu hiện bên ngoài, quan trọng hơn là phải dựa vào hệ thống những tiêu chí phản ánh đúng bản chất, phẩm chất, năng lực của người cán bộ. Có ba vấn đề cốt lõi sau đây cần chú ý:
Một là, đối với bản thân: Có đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không ham ăn ngon, mặc đẹp trong lúc còn nhiều đồng bào thiếu ăn, thiếu mặc; không tham địa vị, tiền tài, sung sướng; không ham người tân bốc mình, chỉ ham học, ham làm, ham tiến bộ. Người cán bộ như thế thì giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục.
Hai là, đối với mọi người: Có tính hòa bình, gắn bó với quần chúng; khoan dung, cởi mở, hiểu biết và có lòng bày vẽ, giúp đỡ người khác tiến bộ; có lời nói ngay thẳng đúng với sự thật, nhưng không nóng nảy thô bạo. Biết mình, biết người. Biết vì Đảng, vì dân mà tiến cử, cất nhắc người tốt, tránh người xấu, đề phòng kẻ gian. Không nịnh hót người trên, không xem thường người dưới. Chân thành, khiêm tốn và thật thà đoàn kết với tất cả mọi người. Cuộc sống bình dân, giản dị.
Ba là, đối với công việc: Đây là tiêu chí cơ bản nhất, phản ánh rõ bản chất và tính cách của người cán bộ. Phải hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Biết đặt lợi ích việc nước, việc công lên trên việc tư, việc nhà. Khi làm việc biết điều tra nghiên cứu tỉ mỉ, rõ ràng và chính xác. Dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Không cậy thần, cậy thế; được vinh hoa không mừng thái quá, gặp thất bại không chùn bước; thấy lợi không tham, thấy sắc không mộ; có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Bốn đức tính cơ bản nhất của người cách mạng là: cần, kiệm, liêm, chính. Và người cách mạng không thể thiếu một đức tính nào.
Khi xem xét, nhận xét và đánh giá cán bộ, phải luôn luôn quán triệt những nguyên tắc cơ bản về công tác cán bộ của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, để có quan điểm, phương pháp, khách quan, khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trong xem xét, nhận xét và đánh giá cán bộ không được mắc phải các bệnh sau: Tự cao, tự đại, ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người, đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lấp vào tất cả mọi người khác nhau. Nếu đã “phạm một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi xem xét, nhận xét và đánh giá cán bộ, phải bảo đảm tính dân chủ, phát huy quyền làm chủ tập thể của mọi thành viên; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới và của quần chúng nhân dân để có kết luận chính xác về người cán bộ đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ: Để hiểu biết, đánh giá đúng cán bộ, chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xem xét cách sinh hoạt của họ; chẳng những xem xét cách nói, cách viết mà phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Phải biết rõ ưu điểm của họ và cũng phải biết cả khuyết điểm của họ. Cũng không nên chỉ xem xét thái độ và kết quả công việc trong một lúc, mà phải nghiên cứu kỹ càng lịch sử của họ, học tập và công tác của họ từ trước tới nay. Cách xem xét, nhận xét và đánh giá cán bộ không nên nhất thành bất biến. Thế giới luôn vận động và biết đổi, tư tưởng con người cũng biến hóa. Mỗi khi hoàn cảnh khách quan thay đổi, con người cũng thay đổi theo. Có người tiến bộ, mà cũng có người thoái hóa, biến chất. Có người lúc phong trào cao, họ vào Đảng, làm việc rất hăng, nhưng lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn, họ hoang mang, dao động; lúc ngặp nguy hiểm, thoái trào, có kẻ phản cách mạng. Ngược lại, một cán bộ trước đây từng có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi, mà qua giáo dục, tu dưỡng, người ấy có thể tiến bộ lên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một dân tộc, một Đảng và một con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sự hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ họ không còn trong sáng nữa, nếu họ sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Những quan điểm trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xem xét, nhận xét và đánh giá cán bộ đã có từ lâu, nay vẫn mang tính thời sự nóng hổi, tiếp tục định hướng để chúng ta quán triệt và thực hiện tốt chiến lược cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới. Đồng thời là cơ sở để bồi dưỡng cách nhìn nhận, đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan và khoa học. Có như vậy, cán bộ mới thật sự trở thành khâu quan trọng để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.
BẠCH NHUNG