Hôm 31/7, Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2007, trong đó có những nhận xét sai trái, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam. Thậm chí, dự luật này còn có những điều khoản đi ngược lại lợi ích của quan hệ hợp tác Việt - Mỹ.
Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2007 mang số hiệu H.R.3096 do nghị sĩ Christopher Smith, đề xướng. Ông là Hạ nghị sĩ của bang New Jersey và từ nhiều năm nay, là đại diện cho một số thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam. Với danh nghĩa đó, ba năm gần đây, năm nào ông cũng đưa ra cái gọi là dự luật nhân quyền Việt Nam, được Hạ viện thông qua, nhưng sau đó đều không được Thượng viện Mỹ xem xét. Năm nay, một lần nữa, ông lặp lại việc làm sai trái đó đối với Việt Nam. Tuy nhiên, điều không thể chấp nhận là trong bản dự luật nhân quyền năm nay, ông đã đưa ra những điểm gắn với các khoản viện trợ nhân đạo cho Việt Nam. Mà thực chất đó là sự biến tướng rất nguy hại nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và chống phá sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam. Cụ thể, ông và những đồng tác giả đặt ra các điều khoản cấm các nguồn viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, khi Việt Nam không làm cái điều mà ông gọi là thả những người đang thúc đẩy nhân quyền, dân chủ, không tôn trọng tự do tín ngưỡng, không tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số… Dự luật cũng dành khoản 4 triệu USD trong thời gian hai năm để tài trợ cho các cá nhân, tổ chức mà họ gọi là hoạt động vì nhân quyền Việt Nam và 10 triệu USD hỗ trợ cho các hoạt động tuyên truyền của đài phát thanh châu Á tự do…
Sự thật, tác giả của cái gọi là dự luật nhân quyền Việt Nam, muốn thứ nhân quyền nào cho Việt Nam? Những nhân vật mà dự luật này đang ra sức bảo vệ chính là những phần tử đã vi phạm pháp luật, do có những hành vi lôi kéo, kích động người khác chống đối Nhà nước Việt Nam, như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân… Ngay Thượng nghị sĩ Sam Brownback, khi tới Việt Nam, cũng nhận xét, với các hành động đó, không thể gọi là các chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam – như ông Smith tự phong cho họ. Ai cũng biết rằng, Đài phát thanh châu Á tự do là một trong những phương tiện truyền thông hoạt động bằng tiền của một số thế lực bảo thủ ở Mỹ, chuyên dành những thời lượng đáng kể vu cáo, kích động chống phá Nhà nước Việt Nam. Đòi hỏi phải dành những khoản tài trợ cho Đài phát thanh này, cũng như cho các cá nhân có mưu đồ phá hoại cuộc sống bình yên của người dân, ông Smith cùng các đồng tác giả của cái gọi là dự luật nhân quyền Việt Nam, đang nuôi dưỡng và tiếp tay cho các lực lượng chống đối từ bên trong để chống phá đất nước và con đường đi lên của nhân dân Việt Nam. Đó hoàn toàn không phải là vì bảo vệ hay phát triển các quyền con người ở Việt Nam, mà là đang mưu toan phá huỷ những thành quả về nhân quyền mà Đảng, Nhà nước cùng nhiều thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao xương máu mới đạt được trong hơn 60 năm qua. Ngay ông Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Johnathan Aloisi cũng khẳng định, chính phủ Hoa Kỳ đánh giá cao những thành tựu phát triển to lớn của Việt Nam, đặc biệt là thành quả xoá đói giảm nghèo. Điều đó giải thích tại sao kết quả khảo sát của Viện Gallup quốc tế tại 53 nước trên thế giới về mức độ lạc quan của người dân trong năm 2007 đã cho thấy người Việt Nam lạc quan nhất thế giới.
Chẳng lẽ những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Việt Nam tất cả vì cuộc sống ổn định, đầy đủ của người dân, lại không phải là những thành tựu có ý nghĩa trong việc bảo vệ và phát triển các quyền con người? Chẳng lẽ một đất nước mà người dân đang tràn đầy sức sống và niềm tin vững chắc vào tương lai tốt đẹp của mình, một đất nước được tất cả các nước châu Á nhất trí đề cử làm ứng cử viên duy nhất của khu vực vào vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, để tham gia giải quyết các vấn đề quan trọng toàn cầu, lại là những bằng chứng để ông Smith phải dựng lên cái gọi là dự luật nhân quyền Việt Nam, nhằm luật pháp hoá những hoạt động chống phá Việt Nam. Hành động như vậy, họ đã làm tổn hại tới mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ. Ngay nhiều thượng nghị sĩ Mỹ cũng bất bình và phản đối những mưu toan trắng trợn và nguy hiểm đó.
Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã phải trải qua nhiều khó khăn và với nỗ lực lớn của cả hai chính phủ, mối quan hệ đó mới được bình thường hoá và có được những bước phát triển tích cực như ngày nay. Mối quan hệ đó đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Vì vậy, bác bỏ và ngăn chặn việc đưa dự luật này ra xem xét tại Quốc hội Mỹ là yêu cầu cần thiết và chính đáng. Đó là hành động biểu thị sự trân trọng và mong muốn quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Theo Vân Hương – VOV