* Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật các đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số
Sáng nay, 2/8, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại Hội trường Ba Đình để tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên của Chính phủ.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng |
Trước khi bỏ phiếu, QH nghe Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng báo cáo kết quả thảo luận của các đoàn đại biểu (ĐB) QH về dự kiến nhân sự. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu giải trình và tiếp thu.
Buổi chiều, sau khi Ban Kiểm phiếu công bố kết quả, QH sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên của Chính phủ. Tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ mới phát biểu nhậm chức. Cũng trong chiều 2/8, QH sẽ nghe Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc tờ trình đề nghị QH phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Trước đó, cả ngày hôm qua (1/8), các đoàn ĐBQH họp thảo luận về nhân sự của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cử, các ý kiến của ĐB QH đã được tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ QH vào buổi chiều cùng ngày.
Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sáng 1/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có cuộc họp nhằm thảo luận đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Dự kiến, luật này sẽ được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ nhất xem xét thông qua.
Được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ XI và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2006, sau hơn một năm thực hiện, Luật Phòng, chống tham nhũng đã thu được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tham nhũng của đất nước và để tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, Luật Phòng, chống tham nhũng cần được sửa đổi, cũng là để phù hợp với một số quy định trong các bộ luật khác mới được Quốc hội ban hành.
VTV cho biết: Theo tờ trình của Chính phủ, sẽ có 2 điều được điều chỉnh, bổ sung: Đó là điều 73 về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các cấp và điều 74, về chức năng, tổ chức giám sát công tác phòng chống tham nhũng.
Tại buổi thảo luận của Ủy ban Tư pháp, các đại biểu đều nhất trí cho rằng với các quy định mới của Luật Tổ chức Quốc hội, việc thành lập các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở các địa phương là hết sức cần thiết. Chức năng giám sát việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng được bổ sung cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.
Cũng trong chiều 1/8, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (QH) và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức cuộc gặp mặt thân mật các đại biểu QH là người dân tộc thiểu số đang dự kỳ họp thứ nhất, QH khóa XII. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã tới dự.
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh 87 đại biểu QH thuộc 32 dân tộc thiểu số (chiếm 17,65% trong số 493 đại biểu) tham gia QH khóa XII. Trong đó, đông nhất là người dân tộc Tày với 14 đại biểu, dân tộc Mường: 11 đại biểu, dân tộc Khmer: 9 đại biểu, dân tộc Mông: 8 đại biểu, dân tộc Thái: 6 đại biểu, dân tộc Dao: 5 đại biểu, cùng đại diện nhiều dân tộc khác như: Nùng, Mơ nông, Gia rai, Ba na, Chăm... đến từ khắp ba miền Bắc,
Chủ tịch QH mong rằng trong nhiệm kỳ QH khóa XII, các đại biểu là người dân tộc thiểu số sẽ đi sâu đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, của QH, đồng thời góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, nhằm chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Thay mặt các đại biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước khẳng định sẽ nỗ lực phấn đấu, thực hiện đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia giải quyết các kiến nghị của cử tri, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc..
K.UYÊN (Tổng hợp)