Bộ Nội vụ cho biết việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở địa phương được thực hiện theo quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và Điều 28 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.
Đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương do ủy ban nhân dân huyện, quận, phường sau khi thống nhất với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định (cơ cấu, thành phần của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương này không có đại diện thường trực hội đồng nhân dân cùng cấp).
Đối với đơn vị bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có một khu vực bỏ phiếu thì vẫn thành lập ban bầu cử và tổ bầu cử riêng; thành viên ban bầu cử có thể tham gia làm thành viên tổ bầu cử.
Cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử. Trường hợp thành viên tổ chức phụ trách bầu cử bị chết, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì lý do khác dẫn đến khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử thì căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với thường trực hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp đó.
Đối với việc thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định.
Chủ tịch ủy ban bầu cử các cấp tỉnh, huyện, xã; trưởng ban ban bầu cử đại biểu Quốc hội, trưởng ban ban bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tổ trưởng tổ bầu cử chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình từ giai đoạn chuẩn bị, triển khai, tổ chức ngày bầu cử, các công việc tiến hành sau ngày bầu cử cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử. Trong đó, phân công một thành viên chịu trách nhiệm tổng hợp chung công tác bầu cử của ủy ban bầu cử và của ban bầu cử.
Căn cứ điều kiện cụ thể, các tổ chức phụ trách bầu cử có thể trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội giúp việc cho tổ chức phụ trách bầu cử theo quyết định của người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử.
Các thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử phải được tập huấn đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tập huấn đối với thành viên tổ bầu cử. Các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện các công việc theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo tiến độ về tình hình chuẩn bị, triển khai, thực hiện công tác bầu cử với tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên trực tiếp và cơ quan có thẩm quyền.
Theo TTXVN/Vietnam+