Thứ Năm, 23/01/2025 13:56 CH
Trần Suyền tên tuổi lớn của cách mạng Phú Yên
Thứ Sáu, 12/02/2016 07:00 SA

Trong lửa đạn ác liệt của hai cuộc chiến tranh giữ nước có một người con Phú Yên mà cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông gắn liền với những sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng của tỉnh nhà. Với những công lao to lớn, ông đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông là Trần Suyền (biệt danh Sáu Râu), Khu ủy viên Khu 5, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ (1961-1973).

 

Khánh thành tượng cố Bí thư Tỉnh ủy, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Suyền nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trường THPT Trần Suyền (2004-2014) - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

NGHE NHIỀU, NÓI ÍT, CHỈ ĐẠO SẮC BÉN

 

Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Văn Chín, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy, là cận vệ riêng của đồng chí Sáu Râu khi ấy, vẫn nhớ như in về người lãnh đạo khả kính của mình. “Ông Già (tức đồng chí Trần Suyền) là người xông xáo, quyết đoán, nghe nhiều, nói ít, chỉ đạo sắc bén. Chính những việc làm, cách cư xử của ông khiến tôi cũng như nhiều người khác rất kính trọng, nể phục và ngày càng có thêm niềm tin, dũng khí đi theo cách mạng đến cùng”, ông Chín tâm sự.

 

Là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, nhưng không bao giờ ông Già lấy quyền của người chỉ huy hay bí thư để áp đặt, ra lệnh theo ý kiến cá nhân mà luôn biết lắng nghe và kết luận rất dân chủ, làm việc cụ thể, hiểu tình hình cụ thể, không qua loa đại khái. Cái gì khó mấy, gian khổ mấy ông cũng kiên trì làm hoặc tạo điều kiện, giúp đỡ cấp dưới làm, trên cơ sở đó đúc kết kinh nghiệm thực tế để chỉ đạo, ra các quyết định chính xác. Đặc biệt, ông Già rất gan dạ, xông xáo, mưu lược và có tầm nhìn xa.

 

Khi Mỹ đổ quân vào hòn Đát với âm mưu “tát nước để bắt cá”, ông cho chuyển cơ quan Tỉnh ủy trụt xuống phía dưới. Mỹ đưa quân đóng ở hòn Lức thì ông né vô phía trong, song vẫn áp sát bên hông địch, tránh được tầm pháo của chúng. Cứ vậy, ông vòng, bám chặt địa bàn Sơn Hòa, Tuy An, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não...

 

“Thường sau mỗi trận đánh, địch hay vứt lại loại vũ khí vác vai, đầu đạn như cái bắp chuối, ông Già bảo anh em đi nhặt đem về và tự ông mày mò, thử nghiệm. Ông giỏi tiếng Pháp và biết một ít tiếng Anh nên tự mò mẫm “đọc” các loại vũ khí để hướng dẫn cho công binh và bộ đội sử dụng vũ khí địch đánh địch. Sau khi “chế” xong một khẩu, ông “lệnh” cho anh Bảy Ốm (tức đồng chí Bùi Tân - PV) và tôi đem bắn thử thành công. Tại hội nghị quân sự của huyện Sơn Hòa, ông cho phổ biến mô hình này để các đơn vị học tập kinh nghiệm. Sau đó, ta chặn đánh và tiêu diệt một đoàn xe MC của địch từ Tuy Hòa đi Củng Sơn chính bằng loại vũ khí tự chế này”, ông Nguyễn Văn Chín nhớ lại.

 

Đồng chí Trần Suyền tại căn cứ của Tỉnh ủy và 2 con nhỏ (Hiền, Thế) vào năm 1974 - Ảnh do gia đình cung cấp

 

SỐNG GIẢN DỊ, TỰ SẢN XUẤT ĐỂ KHÁNG CHIẾN

 

Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang, Sáu Râu là biệt danh của đồng chí Trần Suyền được ông dùng trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước để giữ bí mật và che mắt địch. Thời đó, nhiều người chỉ biết Sáu Râu mà không biết ông là Trần Suyền - người đã đậu tú tài từ năm 1942 tại Huế, là sinh viên năm thứ ba Đại học Canh nông Hà Nội năm 1945. Thực ra, đồng chí Trần Suyền không để râu nhưng khi nói chuyện, diễn thuyết lúc nào cũng chậm rãi và có thói quen hay sờ vào cằm như vuốt râu; khi nghĩ ngợi những vấn đề hóc búa, khó khăn cũng mân mê, sờ cằm. Chính đặc điểm này nên đồng đội đặt cho ông biệt danh Sáu Râu và trở thành tên riêng. Trong các công văn, giấy tờ, ông đều ký Sáu Râu.

 

Trong sinh hoạt đời thường, đồng chí Sáu Râu thể hiện rõ tính nêu gương một cách tự nhiên. Ông có cuộc sống đơn giản, lúc nào cũng sẵn sàng nhận cái khổ về mình, nói là làm, gương mẫu thực hiện nên ai cũng mến, cũng thương. Hồi ấy, một lần đi Gia Lai để nhận chỉ thị, nghị quyết của cấp trên - ông Nguyễn Văn Chín nhớ lại - khi băng qua trảng tranh Bốn Tiếng (đi bộ mất 4 tiếng đồng hồ - PV), thấy ông Già cởi quần dài cột cổ, để chân trần nên bị gai cào, tranh cắt rướm máu, anh em khuyên nên mặc quần dài vào. Lúc này, ông Già tỉ tê: “Rách da nó còn tự lành, chứ rách quần tiền đâu mua vải”.

 

Một hôm trời mưa giông, buổi tối, cà khé (cua đá) từ suối Tía bò lên, anh chị em trong cơ quan bắt được rất nhiều mang về cải thiện. Ông Già thấy vậy trực tiếp ra kiểm tra và chỉ cho giữ lại những con đực, còn con cái và con nào còn nhỏ, ông sai người đem ra suối thả lại “cho nó sinh sản để có cái ăn lâu dài”. Ở chiến khu, ông Già luôn phát động sản xuất tự túc, phát rẫy trồng sắn. Ban ngày địch đánh phá thì trồng vào ban đêm, phá chỗ này thì trồng chỗ khác và tìm cách ngụy trang không cho chúng phát hiện. Ông Già luôn nhắc nhở mọi người, sản xuất là biện pháp lâu dài, giải pháp trước mắt là ra sức tiết kiệm triệt để. Ông bảo: “Cây củ, trái rừng cũng có hạn; nếu không tiết kiệm, đến một lúc nào đó cũng không còn”.

 

Cảm phục trước tinh thần kiên trung, đức độ của người anh, người đồng chí, khi đồng chí Trần Suyền mất (năm 1998), nhà thơ Văn Công đã làm bài thơ tặng ông, trong đó có đoạn:

 

Tôi viết về anh khi tâm hồn thư thái

Nghĩ về anh từng lăn lộn một thời

Một bí thư, một nhà trí thức

Sống chan hòa, anh Sáu của tôi ơi.

 

Đồng chí Trần Suyền là một tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần trung kiên, bất khuất. Tính kiên trì, nhẫn nại của đồng chí trong nhiệm vụ tấn công kẻ thù luôn là tấm gương cho Đảng bộ, nhân dân, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh học tập và noi theo. Năm 1989, tái lập tỉnh, anh Sáu Suyền trở về lại Phú Yên, làm Chủ tịch Hội Liên hiệp các dân tộc. Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng anh vẫn say sưa công tác và nghiên cứu về phát triển kinh tế, về cơ chế mới để giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, phát triển tỉnh nhà.

 

Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy

 

Được cha (vừa làm cha vừa làm mẹ) trực tiếp nuôi dạy nên tôi học tập nhiều điều từ ông. Đó là lúc no đủ, dư thừa cũng phải tiết kiệm phòng khi thiếu đói. Bình tĩnh trước mọi tình huống, vấn đề phát sinh, từ đó tìm ra giải pháp xử lý phù hợp. Luôn biết lắng nghe, kết luận dân chủ, quyết đoán và kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để mọi người đồng thuận, cùng thực hiện tốt nhiệm vụ chung…

 

Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Sông Cầu - con trai đồng chí Trần Suyền

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek