Chủ Nhật, 13/10/2024 08:23 SA
Lá phiếu bầu năm ấy
Chủ Nhật, 07/02/2016 07:00 SA

Xuân về - Ảnh: PHƯỚC LỘC

Tôi xin ghi lại chuyện của 70 năm về trước, chuyện về bầu cử ở Phú Yên trong Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946.

 

Năm ấy, tôi 17 tuổi, cái tuổi chưa được quyền bầu cử. Thế mà những lá phiếu bầu do tôi viết thì nhiều lắm, không nhớ là bao nhiêu. Có lạ không? Đầu đuôi câu chuyện như sau:

 

Ninh Tịnh quê tôi là một làng nhỏ, giáp biên TX Tuy Hòa. Sau Cách mạng Tháng Tám, Ninh Tịnh cùng với Phước Hậu, Liên Trì, Phú Vang, Minh Đức, Ngọc Phong hợp lại thành xã Cấp Tiến. Cấp Tiến là một trong những cái nôi của cách mạng tỉnh nhà, từng là nơi Tỉnh ủy bí mật hoạt động. TX Tuy Hòa trước là phủ lỵ, sau trở thành tỉnh lỵ, ở đó có trụ sở Việt Minh tỉnh và UBND tỉnh.

 

Việc tuyên truyền, vận động cho Tổng tuyển cử rầm rộ lắm. Dân sung sướng vì nước nhà độc lập. Dân chủ chưa hiểu gì nhiều nhưng cũng rất phấn chấn. Lần đầu tiên trong đời, ông già bà cả, kẻ giàu người nghèo biết chữ hay không biết chữ, nam nữ bình quyền, hễ đủ 18 tuổi trở lên là được đi bầu.

 

Nghe nói ngoài Bắc có tranh cử rất dữ. Ra ứng cử có người của nhiều đảng phái. Báo chí viết nhiều bài cổ động. Có bài nhắc khéo: Hỡi các ông nghị gật/ Đừng bôn ba lật đật uổng công/ Nghị ngày xưa là nghị bạc nghị đồng… Báo viết rằng, ĐBQH ngày nay là đại biểu của nhân dân. Ai biết lo việc nước, việc dân mới được dân bầu. Quê ta không có tranh cử kiểu phe phái. Chỉ có những đại biểu do Việt Minh giới thiệu và những người ứng cử tự do. Tỉnh có 200.000 dân, được bầu 4 ĐBQH. Có 4 huyện, chia làm 2 đơn vị bầu cử: Tuy An và Đồng Xuân ở phía bắc, Tuy Hòa và Sơn Hòa ở phía nam; mỗi đơn vị được bầu hai đại biểu. Vậy mà ở đơn vị Tuy Hòa - Sơn Hòa, danh sách ứng cử viên, nếu tôi nhớ không nhầm, đã lên đến hơn chục người, phần lớn là người tự do ứng cử. Có một thanh niên 21 tuổi ra ứng cử vì có được tấm bằng pri-me (tốt nghiệp tiểu học) và coi mình thuộc thành phần trí thức.

 

Ban bầu cử thôn chọn tôi vào tổ thư ký, có nhiệm vụ viết giúp phiếu bầu cho các cử tri mù chữ. Mấy năm bình dân học vụ sau cách mạng đã giúp nhiều thanh niên biết đọc biết viết. Tuy vậy, số không biết chữ còn tới 3/4 tổng số cử tri.

 

Ban bầu cử hướng dẫn: Danh sách ứng cử sẽ được niêm yết nơi bầu cử. Còn phiếu bầu để trắng, cử tri muốn bầu cho ai thì viết tên người ấy vào. Hồ Chủ tịch tuy không ứng cử ở quê mình, nhưng để bày tỏ tín nhiệm, trên đầu phiếu bầu nên ghi tên Cụ.

 

Ngày bầu cử rất đông. Đình làng khá rộng. Thế mà chật ních người. Nhiều bà mẹ trẻ ẵm cả con nhỏ theo. Đúng là ngày hội của lòng dân.

 

Cử tri ai cũng nói: “Cụ Hồ. Cụ Hồ. Tôi bầu cho Cụ Hồ!”. Đến lượt các ứng cử viên, nhiều người tỏ ra ngơ ngác vì thật tình chẳng biết ai là ai. Các bác, các cô hỏi: “Con nói coi, ai tốt thì bầu cho nẫu”. Tôi trả lời: “Con đâu dám!”. Rồi tôi giới thiệu danh sách để bà con chọn. Mỗi phiếu chỉ được bầu hai người. Đến lượt các đại biểu Việt Minh, tôi có ý nhấn mạnh, cử tri liền bảo: “Được, được, bầu cho ông này, cho ông này…”. Có phiếu bầu viết hộ rồi, họ đem bỏ vào hòm phiếu.

 

Tôi không biết rộng. Có thể ở một số địa điểm bầu cử đã diễn ra căng thẳng. Nhưng nhìn chung, hầu như bầu cử ở các làng quê Phú Yên hồi ấy đều hòa bình và thân ái như vậy.

 

Điều khá bất ngờ là kết quả kiểm phiếu ở cả hai đơn vị bầu cử trong tỉnh giống nhau: Mỗi đơn vị chỉ có một đại biểu trúng cử. Đại biểu Huỳnh Lưu ở đơn vị phía nam và Phạm Ngọc Quế ở đơn vị phía bắc. Cả hai đều là những cán bộ cách mạng của Đảng từ những năm phong trào Mặt trận dân chủ.

 

Ngay sau đó, cuộc bầu cử bổ sung lần hai được tổ chức, thêm hai đại biểu nữa trúng cử: Trần Quỳnh (Bí thư Việt Minh huyện, sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ) và Phan Lưu Thanh, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Phú Yên.

4 ĐBQH của Phú Yên đều rất xứng đáng, đã góp phần tích cực vào thắng lợi của Quốc hội khóa I ngay ở hai kỳ họp đầu tiên. Công nhận danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và thông qua Hiến pháp năm 1946.

 

Có hai chuyện vui nho nhỏ tôi nghe kể lại.

 

Thứ nhất: Chàng thanh niên 21 tuổi nói trên tên là Phụng, ra ứng cử cốt để lấy danh, bụng nghĩ được chừng năm chục phiếu của gia đình, họ hàng, người thân đã là may. Nhưng rồi, anh chỉ được vẻn vẹn 21 phiếu, phần lớn do phía vợ bầu. Đó chẳng phải là minh chứng cho sự giác ngộ đáng yêu của cử tri sao? Vậy mà hơn nửa năm sau khi có những người bạn đến hỏi thăm nhà anh ở H.X, người làng tỏ ra vui vẻ: “Phụng nào? Phụng Quốc hội hả?”.

 

Thứ hai: Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên lần đầu tiên về thủ đô, đã chuẩn bị chỉnh tề trang phục. Không may, có sự cố. Giữa phố Tràng Tiền, đại biểu Huỳnh Lưu thấy đôi chân của mình sưng tấy, đã phải lột đôi giày da ra, đi chân trần vào Nhà hát lớn họp Quốc hội. Là nông dân chính cống, ông chưa bao giờ được đi giày tây!

 

… 41 năm sau, năm 1987, đến lượt mình, tôi được Trung ương giới thiệu ứng cử ĐBQH ở tỉnh Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất) và đã trúng cử vào Quốc hội khóa VIII. Năm 1992, tôi lại trúng cử vào Quốc hội khóa IX, là đại biểu tỉnh Phú Yên. Quốc hội khóa VIII là khóa Quốc hội đầu tiên của thời kỳ đổi mới, cũng là khóa Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1992, quyết định phê duyệt xây dựng hệ thống đường dây tải điện 500kV Bắc Nam… Ở khóa Quốc hội này còn có việc chia tách tỉnh Phú Khánh. Địa giới hai tỉnh sẽ là đâu? Vũng Rô sẽ thuộc về Phú hay Khánh? Ý kiến đại biểu hai tỉnh cũng khác nhau. Cuối cùng, qua cứ liệu của nhiều nguồn, Quốc hội ra nghị quyết chia tỉnh, Vũng Rô về lại Phú Yên. Mừng đón Vũng Rô, Phú Yên mừng đón một tượng đài chiến công Đường Hồ Chí Minh trên biển thời chống Mỹ của quê nhà, một cảng biển nước sâu nhiều tiềm năng, căn cứ hậu cần của một nhà máy lọc dầu lớn trong tương lai. Cả hai khóa Quốc hội, Đoàn Phú Yên trong đó có tôi đều được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng tôi vẫn thường tự hỏi: Mình đã thật sự xứng đáng với vai trò đại biểu của nhân dân chưa?

 

Xuân này, 70 năm nhìn lại, tôi vẫn rộn ràng ký ức. Ôi! Mới là tập dượt làm dân chủ, sao cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của chúng ta lại có thể được tổ chức tự do, dân chủ đến thế?

 

HÀ ÐĂNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek