Anh em, bạn bè, họ hàng lâu ngày gặp nhau, cùng uống một chén rượu, ăn với nhau một bữa cơm cũng là chuyện thường tình. Cái chính là ở tấm lòng trung thực, tình nghĩa, kính trọng, yêu thương nhau chứ không nên “khách một khứa mười”, tranh thủ chi tiêu “tiền chùa xả láng”. Khách cũng không nên vì cương vị “gợi ý” khéo để chủ nhà nghênh tiếp.
Anh em ở gần Bác cho biết, dù trong kháng chiến ở Việt Bắc, hay khi đã về Hà Nội, kể cả trong những năm chống Mỹ cứu nước, hễ đi công tác dù xa hay gần, Bác vẫn nhất định “bắt” mang cơm theo. Khi cơm nắm, độn cả ngô, mì, khi thì bánh mì với thức ăn nguội. Chỉ có canh là cho vào phích để đến bữa, Bác dùng cho nóng.
Nhớ lần về thăm tỉnh Thái Bình, Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân cố nài Bác ở lại ăn cơm. Bác nói: “Đi thăm tỉnh lụt còn ăn uống nỗi gì”. Bác gọi đồng chí cảnh vệ đưa cơm nắm, thức ăn mặn của Bác đến và bảo:
- Mời đồng chí Bí thư và Chủ tịch đến ăn cơm với Bác. Còn chú và bác sĩ sang mâm kia ăn cơm với cán bộ tỉnh.
Những lần đi công tác, đến bữa, Bác thường cho dừng xe, chọn nơi vắng, mát, sạch, Bác cháu mang cơm ra ăn. Làm việc xong, Bác chọn giờ ra về để kịp ăn cơm “ở nhà”. Nếu không, lại có cơm nấu bữa thứ hai mang theo. Chỉ khi nào ở lâu, công tác lâu, Bác mới chịu “ăn” cơm ở địa phương, nhưng bao giờ Bác cũng dặn “chủ nhà”:
- Đoàn Bác đi có từng này người. Nếu được, chỉ ăn từng này, từng này…
Khi chủ nhà dọn “cỗ” ra nếu quá nhiều thức ăn thì Bác có cách riêng. Bác nói với anh em:
- Bác cháu ta chỉ ăn hết món này, món này thôi. Còn món này để nguyên.
Chủ nhà tha thiết mời Bác dùng thử món “cây nhà lá vườn”, Bác cũng chỉ gắp vào bát anh em và bát mình mỗi người một miếng rồi lại xếp ngay ngắn đĩa thức ăn ấy, kiên quyết để ra ngoài mâm, người ngoài nhìn vào thấy đĩa thức ăn vẫn như nguyên vẹn. Bác nói với cán bộ:
- Người ta dọn ra một bữa sang, Bác cháu mình có khi cũng chẳng ăn hoặc ăn chẳng hết. Nhưng đi rồi để lại cái tiếng: Đấy, Bác Hồ đến thăm cũng làm cơm thế này, thế nọ, cũng điều động người này người nọ mất thời gian. Vậy nên cứ ăn no rồi đến làm việc.
VIỆT HỒNG