Sáng qua (19/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 50, với việc xem xét đề nghị của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (UBPL) qua giám sát 2 nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý và Pháp lệnh Thi hành án dân sự.
Theo UBPL, nhiều nội dung trong 2 nghị định do Chính phủ ban hành nêu trên là trái hoặc không phù hợp với luật do Quốc hội ban hành và pháp lệnh do UBTVQH ban hành.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cho biết, đây là lần đầu tiên có việc một ủy ban của QH trình văn bản giám sát nghị định của Chính phủ để UBTVQH xem xét và quyết định theo thẩm quyền.
Chấp hành viên có được sử dụng súng bắn hơi cay?
“Thông tư liên tịch như đã nêu còn giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyền quá lớn là: Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định trang bị cụ thể loại công cụ hỗ trợ cho từng cơ quan thi hành án dân sự... Đa số thành viên của UBPL cho rằng, việc quy định chấp hành viên được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ tại Nghị định 50 của Chính phủ là trái với quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự” - Chủ nhiệm UBPL Vũ Đức Khiển
Nghị định 50 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, có quy định “chấp hành viên được cấp công cụ hỗ trợ để sử dụng khi thi hành công vụ”.
Căn cứ vào quy định này, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã ban hành thông tư liên tịch quy định về các loại công cụ hỗ trợ mà chấp hành viên được trang bị và sử dụng như: các loại roi cao su, roi điện, gậy điện, găng tay điện; súng bắn hơi cay, gây mê; bình xịt hơi cay, gây mê; súng bắn đạn nhựa, đạn cao su...
Qua thảo luận, đa số thành viên của UBPL cho rằng các quy định nêu trên là không có căn cứ pháp lý, bởi lẽ Pháp lệnh thi hành án dân sự không quy định về việc trang bị và thẩm quyền sử dụng công cụ hỗ trợ của chấp hành viên trong thi hành án.
UBPL nhận thấy, việc trang bị và thẩm quyền sử dụng công cụ hỗ trợ là vấn đề hệ trọng, có tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trong khi đó một số công cụ hỗ trợ mà chấp hành viên được trang bị và sử dụng là những phương tiện công cụ có tính năng đặc biệt, khi sử dụng dễ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người và thường chỉ thích hợp trong những trường hợp có sự chống đối mang tính chất bạo động, tập trung đông người.
Giải trình của Chính phủ không thuyết phục?
Đối với Nghị định 07 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý, báo cáo kết quả giám sát của UBPL cho thấy có tới 9 vấn đề trái hoặc không phù hợp với Luật trợ giúp pháp lý.
Đó là: việc bổ nhiệm, miễn nhiệm trợ giúp viên pháp lý; chế độ, chính sách đối với trợ giúp viên pháp lý; việc trưng tập tham gia trợ giúp pháp lý; hoạt động hòa giải trong trợ giúp pháp lý; kiến nghị thi hành pháp luật; chức năng của cục trợ giúp pháp lý, việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; đối tượng được trợ giúp pháp lý và quỹ trợ giúp pháp lý.
Về quỹ trợ giúp pháp lý, Nghị định 07 có quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ trợ giúp pháp lý. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của quỹ sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tài chính; chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý hoạt động của quỹ.
UBPL cho rằng Luật trợ giúp pháp lý đã quy định “Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ trợ giúp pháp lý”.
Như vậy, quy định của Nghị định 07 là trái với quy định của Luật trợ giúp pháp lý vì luật này không giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
Được biết, Chính phủ từng có các văn bản giải trình về những nội dung giám sát của UBPL liên quan đến Nghị định 07 và Nghị định 50.
Tuy nhiên, khi UBPL nhóm họp để thảo luận về giải trình của Chính phủ, mặc dù cũng có thành viên UBPL tán thành với giải trình của Chính phủ nhưng đa số thành viên khác đều vẫn giữ các quan điểm là “nghị định trái luật và pháp lệnh”.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị “UBPL và Bộ Tư pháp làm việc lại với nhau để xem xét, bàn bạc kỹ các vấn đề có liên quan”.
Theo TPO