Thứ Năm, 28/11/2024 01:44 SA
Công lý cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam!
Thứ Sáu, 15/06/2007 14:07 CH

Vậy là cái ngày mong đợi của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tới, ngày mà tòa án Liên bang Hoa Kỳ mở phiên phúc thẩm vụ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ sản xuất và cung cấp chất hóa học độc hại cho quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.

 

070615-da-cam-phuong-6.jpg

Chăm sóc nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Hòa Trị (Phú Hòa) - Ảnh: N.L

Vụ kiện bắt đầu từ ngày 30/1/2004. Sau thời gian tranh tụng, phía Hoa Kỳ, trong phiên sơ thẩm đã phán quyết: bác đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam. Đây là một phán quyết thật vô lý, không dựa trên những luận cứ khoa học, đặc biệt là không xem xét thực tế tại Việt Nam. Hội Nạn nhân chất độc da cam và các nạn nhân Việt Nam đã gửi đơn phản kháng, buộc tòa án Liên bang Hoa Kỳ phải đưa ra phúc thẩm lần này (phiên tranh tụng dự định bắt đầu ngày 18/6).

 

Đoàn Việt Nam do Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) làm trưởng đoàn cùng 4 nạn nhân là: bà Nguyễn Thị Hồng (Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Quí (Hải Phòng), ông Võ Thanh Hải và anh Nguyễn Mười (Thừa Thiên - Huế). Đoàn sẽ đến các thành phố lớn: Xan Phran-xi-xcô, Niu-oóc, Oa-sinh-tơn, Chi-ca-gô, Lốt An-giơ-lét để nói với nhân dân và công luận Hoa Kỳ về thực tế hậu quả cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra tác động nặng nề đến đời sống các nạn nhân Việt Nam và tham gia tranh tụng trước phiên tòa.

 

Trong thời gian 10 năm (1961 - 1971), để giành chiến thắng với bất cứ giá nào, quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam khoảng 80 triệu lít hóa chất độc hại, mà chúng gọi là chất “khai hoang”, “diệt cỏ”, trong đó có hơn một nửa là chất da cam/dioxin. Dioxin là một chất vô cùng độc hại. Nếu bỏ 80 gram dioxin vào hệ thống cung cấp nước thì có thể tiêu diệt cả một thành phố với 8 triệu dân (1). Các hóa chất độc đó đã phá hại môi trường tại nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam, hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam và con cháu họ.

 

Vụ kiện này, cuộc đấu tranh này không chỉ vì các nạn nhân Việt Nam mà còn vì nạn nhân của nhiều nước khác, kể cả Mỹ, những binh sĩ và nhân viên quân sự đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam; không chỉ vì một thế hệ mà còn vì nhiều thế hệ; không chỉ vì cuộc sống của những nạn nhân mà còn vì một thế giới hòa bình, công lý. Vì thế vụ kiện đã được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ. Ở Mỹ, ngoài Hội Cựu chiến binh vì hòa bình, còn có tổ chức Cứu trợ và trách nhiệm, tiến hành nhiều hoạt động sâu rộng ủng hộ vật chất và tinh thần cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, phẫn nộ lên án và đòi các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường cho các nạn nhân. Tại Anh, ông Đa-vít Len, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt đã phát động và thu thập được hơn 700.000 chữ ký, trong đó có nhiều chữ ký của các nhà khoa học, các nghị sĩ ủng hộ cuộc đấu tranh vì công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Hội Cựu chiến binh các nước: Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Pháp, Đức, Nga… đã dấy lên mạnh mẽ phong trào đấu tranh đòi bồi thường cho chính họ, những người bị nhiễm chất độc da cam khi tham gia chiến tranh Việt Nam, đồng thời ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân Việt Nam.

 

Trách nhiệm của các công ty hóa chất Hoa Kỳ, và cả Chính phủ Hoa Kỳ là rõ ràng, không thể chối cãi. Các công ty hóa chất vì siêu lợi nhuận mà sản xuất các hóa chất độc hại. Nhưng Chính phủ Hoa Kỳ đã đặt hàng, và cho phép đem hóa chất độc hại đó rải trên đất nước Việt Nam, phá hại môi trường sinh thái và cuộc sống con người Việt Nam. Theo luật pháp của bất kỳ quốc gia nào cũng như luật pháp quốc tế, kẻ nào gây thiệt hại cho người khác đương nhiên có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại. Nhưng phía Chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã tìm mọi cách lẩn tránh trách nhiệm của mình. Vì thế các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phải tiến hành vụ kiện đến cùng.

 

“Cuộc đấu tranh vì công lý này là vì toàn thế giới, vì các thế hệ tương lai, và vì trái đất hòa bình, lành mạnh của chúng ta” (Lời kêu gọi của Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin).

 

BẰNG TÍN

________

(1): Theo tài liệu của giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek