Thứ Hai, 30/09/2024 22:36 CH
Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng
Chủ Nhật, 17/06/2007 07:07 SA

Một trong những di sản cực kỳ quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta là tư tưởng của Người về xây dựng Đảng Cộng sản. Tư tưởng đó được hình thành và phát triển từng bước qua các thời kỳ của cách mạng Việt Nam.

 

Để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm tới những nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, theo Người là vũ khí sắc bén, là cách tốt nhất, là quy luật phát triển của Đảng để Đảng ta đoàn kết, thống nhất, ngày càng phát triển vững mạnh. Bác Hồ đã chỉ ra cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta thấy rõ: “Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại”, “đã có nhiều thành tích vẻ vang”.

 

Người nói: “Đảng ta không phải ông thánh và cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nó ở trong xã hội mà ra”. Từ đó, Người khẳng định: “Người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm”. Và đối với tổ chức Đảng thì: “Đảng ta rất to, rất đông người, mỗi hạng người lại có thói quen, tính nết, trình độ, tư tưởng, nhận xét khác nhau. Nhất là khi phong trào cách mạng càng sôi nổi hoàn cảnh càng khó khăn… Sự thật là Đảng ta rất tiên tiến, rất vẻ vang. Nhưng nội bộ Đảng vẫn còn những sai lầm và khuyết điểm.

 

Đồng thời ta thấy cái nguồn gốc của những sai lầm, khuyết điểm ấy và chắc chắn chúng ta tìm được cách sửa chữa, chúng ta quyết tâm công tác thêm để làm cho Đảng ta tiến bộ mãi”. Với cách phân tích ngắn gọn, dễ hiểu, Bác Hồ đã đi từ số ít đến số nhiều, từ cá nhân mỗi người đến tổ chức nhiều người, chứng minh để ai cũng thấy được tính quy luật của tự phê bình và phê bình, tạo thành khối đoàn kết nhất trí trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người luôn chỉ rõ mục đích, nội dung, phương pháp và ý nghĩa quan trọng của vấn đề tự phê bình và phê bình, mà Người còn là một tấm gương sáng ngời, mẫu mực về thực hành tự phê bình và phê bình trước Đảng, trước dân. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình trở thành một phẩm chất trong nhân cách và là một đặc tính tiêu biểu trong phong cách lãnh đạo. Người đòi hỏi: “…

 

Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm  phải kiên quyết, tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”. Theo Người: “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn; thiết thực hơn; do đó mà uy tín, thể diện càng tăng thêm”.

 

Người còn nói: “…Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Điều đó không chỉ đúng với danh nghĩa Đảng là một tổ chức, mà còn đúng với từng cá nhân đảng viên của Đảng.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm thì mới phê bình người khác được chân thực và thẳng thắn. Mặt khác, trong thực tế, tự phê bình thường khó khăn hơn phê bình. Cần tự phê bình tốt để có thể phê bình tốt. Vì thế, Người thường đặt tự phê bình trước phê bình. Về nội dung, phương pháp, mục đích, yêu cầu của tự phê bình, Người nói: “Tự phê bình phải thật thà. Khi tự mình kiểm điểm cũng như khi tự phê bình trước mọi người, có khuyết điểm gì nói hết, không giấu giếm chút gì. Phải tìm cho ra vì sao sai lầm? Sai lầm ấy sẽ thế nào? Dùng cách nào mà sửa chữa? Và phải kiên quyết sửa chữa”. Bác Hồ nói: “Tự phê bình và sửa chữa có khi dễ, nhưng cũng có khi khó khăn, đau đớn vì tự ái, vì thói quen hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh. Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch; tự mình không cải tạo được mình mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm”.

 

Hiện tượng hữu khuynh, né tránh, kém tính chiến đấu của không ít cán bộ, đảng viên, cá biệt có tình trạng tranh thủ phê bình để tâng bốc, nịnh bợ cấp trên… đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi hiện tượng đó là sự dấu diếm khuyết điểm, giống như người có bệnh mà không chịu khai với thầy thuốc, trong khi những người khác biết rõ nhưng cũng làm ngơ. Hữu khuynh né tránh, thực chất là một biến tướng của chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội trong tình hình mới và là nguyên nhân của hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, định kiến, trù dập người phê bình của những cán bộ có chức, có quyền… làm cho cấp dưới và quần chúng “Dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình”. Tự phê bình và phê bình vốn đã mang tính chiến đấu, ngày nay tính chiến đấu đó càng đòi hỏi cao hơn. Không thể dung nạp hiện tượng độc đoán, gia trưởng, hữu khuynh, né tránh của cán bộ, đảng viên trong tự phê bình và phê bình.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ nào không dám công khai nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.

 

Thiết nghĩ, trong đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các tổ chức Đảng cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, duy trì thường xuyên tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW6 (2), tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị; rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống; chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, tệ tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, theo như ước mơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại, người thầy kính yêu của Đảng, dân tộc và nhân dân ta.

 

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek