Bên hành lang Hội thảo Cải cách hành chính để hội nhập và phát triển hôm qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đã trả lời báo chí xung quanh đề án cơ cấu lại Chính phủ. Ông Phúc cho biết:
- Có 2 yếu tố khiến chúng ta phải điều chỉnh lại tổ chức bộ máy Nhà nước. Chính phủ không thể "vừa đá bóng, vừa thổi còi", tức là vừa làm chính sách vừa tổ chức thực hiện. Nhiệm vụ hàng đầu của việc cơ cấu lại là làm rõ chức năng: Chính phủ chỉ làm chính sách, pháp luật, ban hành cơ chế, tiêu chuẩn chung cho xã hội, sau đó là hướng dẫn, thanh tra và kiểm soát; những mảng còn lại chuyển giao cho xã hội, doanh nghiệp sẽ rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc (Ảnh: TTO)
Bộ máy hành chính do vậy sẽ được gọn nhẹ đi rất nhiều. Đó là nguyên do thứ nhất của việc tổ chức lại, ghép lại rất nhiều cơ cấu để thực hiện mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Thứ hai, khi hội nhập kinh tế quốc tế cũng đòi hỏi chúng ta phải tự điều chỉnh để có cơ cấu, thể chế tương thích. Có thể thấy ở các nước châu Âu hùng mạnh cơ cấu cũng chỉ có 12-13 bộ, còn các nước khác cũng chỉ khoảng 20 bộ.
* Cụ thể Chính phủ khóa 12 sẽ có bao nhiêu bộ, thưa ông?
- Hiện nay cũng đã có phương án nhưng tôi chưa thể nói cụ thể vì vẫn còn tiếp tục phải bàn nhưng chắc chắn sẽ tinh gọn hơn rất nhiều, không phải là 26 bộ, ngành như hiện nay. Từ năm 1999 đến 2002, khi sắp xếp Chính phủ mới, đã "dẹp" bớt nhiều đầu mối, từ 49 xuống còn 39 bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ.
Sắp tới, các cơ quan trực thuộc Chính phủ sẽ chỉ còn các cơ quan sự nghiệp như Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN, các cơ quan nghiên cứu khoa học. Còn các tổ chức sự nghiệp có tính chất quản lý Nhà nước khác đều ghép về các bộ để đảm bảo thu gọn. Cũng phải nói thêm, chúng ta phải cơ cấu lại đó là bắt buộc như đã nói, nhưng cũng không thể nôn nóng vì rằng để có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như hiện nay phải qua 2 lần sáp nhập với 6 bộ.
* Cái khó ở đây là gì, thưa ông?
- Đây là quá trình "quyết liệt" lắm. Không có gì dễ dàng cả, về mặt tâm lý, khi ghép vào, nhiều người sẽ mất tổ chức, mất vị trí và đó chính là trở ngại lớn nhất của cải cách hành chính - động chạm đến quyền lợi của từng cá nhân. Nếu không vì lợi ích chung của đất nước mà cứ quanh quẩn với lợi ích cục bộ của mình, cơ quan mình thì không ai thích cả.
Nhưng chúng ta phải bắt đầu từ việc phân công lại chức năng, nhiệm vụ để mà làm: đã là bộ, ngành quản lý lĩnh vực thì chỉ ban hành chính sách, toàn bộ việc thực thi chuyển cho xã hội. Ví dụ sắp tới, việc công nhận một kỹ sư đủ năng lực hành nghề xây dựng không phải là Bộ Xây dựng mà đang cố gắng để chuyển giao cho Tổng hội Xây dựng. Nhà nước cũng chỉ định ra tiêu chuẩn hành nghề luật sư còn việc cấp chứng chỉ hành nghề chuyển cho Hội luật gia, tương tự thẻ nhà báo do Hội nhà báo cấp...
* Chủ trương sẽ giảm bớt các bộ kinh tế chuyên ngành, có thể hình dung việc sáp nhập cụ thể sẽ thế nào?
- Tháng 7 tới sẽ rõ. Tinh thần chung là giảm các bộ kinh tế chuyên ngành và hình thành các bộ kinh tế tổng hợp.
* Thống nhất quan điểm đa ngành thì dễ nhưng thực hiện thì có vẻ ngược lại?
- Thì đúng rồi, như trên tôi đã nói, nó là vấn đề lợi ích. Chẳng hạn hiện giờ có 5 cơ quan sẽ có 5 lãnh đạo, giờ ghép vào làm một: phân công ai làm lãnh đạo đây? Bảo làm sao mà dễ dàng được. Từng có nhiều bài học để chúng ta rút ra rằng, muốn cải cách hành chính triệt để và thành công phải tính tới thiệt thòi của bộ phận chịu tác động của việc cải cách này. Tôi nói đơn giản, một người đang có quyền mà đột nhiên mất quyền, mất vị trí làm việc (do cải cách, sắp xếp) đó là chuyện rất lớn, nên chúng ta phải làm sao cho thấu đáo, không thể tùy tiện. Mà việc này phải đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn lắm mới làm được.
Theo TNO