Từ Đại hội X của Đảng tới nay, ngoài nhiệm vụ tập hợp quần chúng, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện những chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, UBMTTQ Việt Nam tỉnh còn thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Công tác này tuy đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục.
Năm 2015, UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ giám sát các nội dung: Công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư của các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát về chương trình tổng rà soát thực hiện chính sách đối với người có công cách mạng; hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong các doanh nghiệp. |
Theo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, thời gian qua, đơn vị này đã tham gia giám sát một số lĩnh vực như thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Qua đó, đoàn đã có những nhận xét, đánh giá, kiến nghị xác đáng.
Cụ thể, trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh, ngoài xã Bình Kiến đạt 19/19 tiêu chí có 31 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên tập trung ở TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa và Tây Hòa; có 51 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí ở TX Sông Cầu và các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đông Hòa; có 6 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có 1 xã đạt 3 tiêu chí là Ea Trol (huyện Sông Hinh). Với kết quả này, đoàn giám sát cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế. Nhiều đề án vẫn còn nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng, quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường; khả năng đóng góp của người dân có hạn, nhất là miền núi và vùng sâu; người dân khó tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước… nên chưa tạo được nguồn lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Địa phương chưa chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ về chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Ngân sách Trung ương hỗ trợ còn thấp, phân bổ chậm trong khi ngân sách của địa phương rất hạn hẹp, thiếu khả năng đầu tư cho chương trình; việc ban hành những chính sách ưu tiên, thu hút nguồn vốn đầu tư; vốn vay ưu đãi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở vùng nông thôn chưa được triển khai rộng rãi… Từ đó, đoàn đã có những kiến nghị và đề xuất đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh. Đối với Chính phủ, cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, quy định ở một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đảm bảo khả năng thực hiện đạt tiêu chí ở từng vùng, miền. Đoàn kiến nghị với Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí nhà ở dân cư, hướng dẫn rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đảm bảo chất lượng và phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp… cùng nhiều kiến nghị đối với các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Phó chủ tịch, Trưởng đoàn giám sát của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, hiện nay công tác giám sát và phản biện xã hội đang gặp một số khó khăn nhất định. Trước hết là chính sách luật pháp chưa đầy đủ, còn thiếu các văn bản pháp luật hướng dẫn, quy định cụ thể. Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X; đến cuối năm 2013, Bộ Chính trị mới ban hành Quyết định 217 về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội, nhưng đến nay vẫn chưa có một hướng dẫn hay quy định nào cụ thể hóa quy chế này để thực hiện. Đội ngũ cán bộ thực hiện giám sát và phản biện xã hội còn thiếu và yếu, nhất là kiến thức về pháp luật chưa được đào tạo bài bản. Hiện lực lượng làm công tác này có 3 chuyên viên nhưng không ai tốt nghiệp ngành Luật, trong khi đội ngũ này là chiếc cầu nối giữa Đảng với dân và chính quyền, là người đại diện tiếng nói của nhân dân. Một khó khăn nữa là Mặt trận hiện đang thiếu các điều kiện về phương tiện và kinh phí cho các hoạt động này. Nếu có kinh phí, cơ quan Mặt trận có thể mời các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực của các hội khoa học tham gia cho công tác phản biện thì chắc chắn sẽ đạt kết quả cao hơn.
“Trong thời gian tới, công tác giám sát, phản biện xã hội rất cần sự quan tâm của các cấp ủy đảng tạo điều kiện về nhiều mặt để Mặt trận có thể vượt qua khó khăn, làm tốt hơn nhiệm vụ này”, ông Thái nhấn mạnh.
HÀ ANH