Anh Nguyễn Văn Mỹ, ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) hiện có 12 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Sau khi thu hoạch tôm, đến mùa mưa anh nuôi tiếp vụ cua, năm nay anh thu gần 900 triệu đồng.
Những ngày qua, 4 giờ sáng anh Mỹ đã thức giấc ra hồ nuôi cua. Công việc đầu tiên của anh Mỹ là đến miệng cống (nơi xả nước từ hồ ra mương), nơi anh đặt lờ để bắt cua, tôm đất.
Trong số 12 hồ đất, thì có 3 hồ gò (hồ ở trên cao), vụ này anh thả nuôi cua 9 hồ, mỗi hồ rộng 6 sào (3.000m2), sau một thời gian nuôi cua, khi trời mưa to trong hồ có nước bạc (nước ngọt), hồ nước mặn chuyển sang nước lợ, vì vậy tôm đất tự sinh sản. Hồ nuôi của anh Mỹ ở vùng nuôi thôn Phước Lộc (xã Hòa Tâm) là hồ đất chứ không phải là hồ trải bạt, khi thủy triều lên nước biển theo mương tràn vào hồ, thủy triều rút thì nước trong hồ xả ra, vì vậy hồ thay nước thường xuyên, tôm đất ăn thức ăn tự nhiên lớn dần. Anh Mỹ cho biết: “Sau 2 tháng nuôi cua, tôm đất sinh sản tự nhiên trong hồ cũng lớn dần. Những ngày qua, giá tôm đất 200.000 đồng/kg, trung bình 1 đêm, cua, tôm đất chui vô lờ bắt bán kiếm khoảng 1 triệu đồng”.
Nuôi cua vụ này, theo anh Mỹ chỉ là nuôi “mót” (nuôi tăng vụ) vì hiện nay là mùa mưa nên kết thúc vụ nuôi tôm thẻ chân trắng. Nuôi cua chỉ tốn tiền mua con giống còn thức ăn thì đi dọc theo bờ mương cào ốc quắn thả vào hồ cho cua ăn. Tuy nhiên, thời điểm này cua rớt giá chỉ còn 90.000 đồng/kg, còn năm ngoái giá cua lên đến 150.000 đồng/kg. Cũng thời điểm này năm ngoái, mỗi hồ nuôi cua của anh kết thúc vụ nuôi 3 tháng thu hoạch 1 tạ cua, trừ chi phí lãi 14 triệu đồng, còn năm nay giá cua giảm nên lãi 8 triệu đồng; nhưng nhờ số lượng nuôi nhiều với 9 hồ nuôi, ước tính năm nay anh thu lãi 72 triệu đồng. Hiện nay, cua của anh có trọng lượng từ 0,2 đến 0,3kg/con, với giá hiện nay mỗi con cua bán trung bình được 20.000 đồng.
Theo anh Mỹ, nuôi cua vụ này còn làm sạch môi trườngđáy ao trước khi thả nuôi tôm. Kết thúc vụ thu hoạch cua, bước vào vụ thả tôm chỉ tháo cạn nước đáy ao, nạo vét bùn, đắp lại những nơi xung yếu, lấp hết lỗ rò rỉ, gia cố cống, làm đăng lưới chắn quanh cống và phía trong ao. Còn nuôi tôm thẻ chân trắng, vì là hồ đất nên một năm thả nuôi 2 vụ và nhờ nguồn nước được thủy triều tác động nên độ mặn, lợ thay đổi liên tục nên tôm thẻ chân trắng phát triển nhanh. Mặt khác, nuôi tôm thẻ chân trắng ở hồ đất sử dụng nước thủy triều nên hoàn toàn không cần sử dụng các hóa chất, kháng sinh... để kích thích hay phòng bệnh tôm. Do vậy, tôm thẻ nuôi ở đây không có dư lượng kháng sinh, đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Nuôi tôm thẻ chân trắng không nên thả mật độ dày, gây ra ngạt và hạn chế sự sinh trưởng của tôm. Thông thường anh thả khoảng 50 con/m2 mặt nước, thời gian nuôi khoảng 90 ngày là thu hoạch. Bên cạnh đó phải thường xuyên kiểm tra để giữ ổn định lượng nước, độ mặn của ao nuôi (lấy nước thủy triều từ biển vào), vì vậy, tôm của gia đình anh vụ nào cũng phát triển tốt. Năm 2014, với 12 hồ nuôi, gia đình anh đã thu được 7 tấn tôm thẻ chân trắng, với giá bán 130.000 đến 140.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh thu nhập trên 800 triệu đồng.
Ông Lê Công Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tâm, cho biết: “Anh Mỹ là nông dân sản xuất giỏi của xã. Không chỉ anh Mỹ mà nhiều người dân xã Hòa Tâm đang phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng và cua. Thời gian đầu, đa số bà con chưa nắm vững kỹ thuật nuôi tôm thẻ nên năng suất đạt thấp, chỉ hòa vốn hoặc thu lãi rất ít. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, năm nay bà con đồng loạt thả tôm thẻ chân trắng đạt năng suất gần 6 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay. Nông dân ở xã Hòa Tâm đang phát triển mạnh nghề nuôi cả về quy mô diện tích, năng suất, sản lượng.
MẠNH HOÀI NAM