Thứ Tư, 20/11/2024 22:31 CH
Đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp:
Quy định chưa chặt chẽ (*)
Thứ Năm, 13/11/2014 07:48 SA

Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã (Phú Yên) phát biểu thảo luận tại kỳ họp Quốc hội - Ảnh: N.TUẤN

Tại buổi thảo luận dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII; đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) tham gia phát biểu về vấn đề này. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu bài phát biểu trên.

 

Về dự án luật này, tôi cơ bản nhất trí cao với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chất lượng dự án luật sau khi đã được hoàn chỉnh.

 

Tuy nhiên, khi Hiến pháp và một số các dự án luật gần đây Quốc hội đã thông qua có hiệu lực, tôi thấy có một số các quy định trong dự thảo luật chưa đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất với Hiến pháp. Một số quy định trong dự án luật này tôi e rằng quy định như vậy cũng sơ hở, dễ dẫn đến quản lý thất thoát, có thể những tồn tại trong quản lý vốn nhà nước vừa rồi lặp lại. Tôi xin phát biểu 6 vấn đề.

 

Vấn đề thứ nhất, về khái niệm "vốn nhà nước" tại Khoản 8, Điều 3 là khái niệm rất dài, trong đó, có 2 thành tố tôi cho rằng quan niệm đã cũ.

 

Thứ nhất, vốn nhà nước hình thành từ các khoản phải nộp ngân sách được trích để lại. Đây là quan niệm cũ, bây giờ theo Hiến pháp, tất cả các khoản nộp ngân sách phải có dự toán; thu, chi phải có dự toán. Luật Ngân sách của chúng ta đang sửa theo hướng là không có cái gì để lại, cơ bản là nộp hết vào ngân sách, sau rồi ta mới tính toán. Thực hiện Hiến pháp ta làm như vậy, nên không có phần trích để lại.

 

Thứ hai, quyền sử dụng đất và quyền sử dụng tài nguyên của quốc gia là do nhà nước giao. Có lẽ không còn có chuyện, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài nguyên là nhà nước giao, đây cũng là quan niệm cũ ở thời kỳ bao cấp. Bây giờ, theo Luật Đất đai, Luật Khoáng sản (sửa đổi), đất là cho thuê đất, không giao, tài nguyên cũng không giao, mà đấu thầu quyền khai thác khoáng sản. Nếu chúng ta có giao thì ít ra cũng phải giao với cơ chế như giao cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia sử dụng quyền khai thác dầu khí để liên doanh, nhưng lãi thu về cũng phải chia với ngân sách, phải rõ nghĩa vụ nộp ngân sách, là cùng chia, không giao như ngày xưa, đây là quan điểm cũ. Tôi đề nghị cân nhắc không nên đưa 2 yếu tố này trong khái niệm về vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo luật này.

 

 Vấn đề thứ hai, về huy động vốn. Điểm a, Khoản 3, Điều 23 quy định: “Việc huy động vốn bảo đảm tổng nợ bao gồm cả phần bảo lãnh của công ty con, không quá 3 lần vốn chủ sở hữu”. Tôi e rằng 3 lần có lẽ so với vốn chủ sở hữu cũng là cao. Hiện nay, theo báo cáo gần nhất của Chính phủ về sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp nhà nước, tổng nợ khoảng gần 2 lần, chúng ta thấy tài chính doanh nghiệp đã rất lỏng lẻo, độ an toàn thấp. Tôi nghĩ có lẽ nên quy định 2 lần, nó cũng sẽ tạo ra một áp lực không lớn đối với khu vực các ngân hàng cho vay vốn dài hạn. Buộc doanh nghiệp của chúng ta phải có một thói quen tích cực, sáng tạo đi ra thị trường vốn, vay vốn bằng cổ phiếu, trái phiếu. Không có một nước nào như nước mình, điều kiện rất thuận lợi nhưng doanh nghiệp ra thị trường vốn bằng cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn rất ít, cứ nhăm nhăm vào lĩnh vực tín dụng, như vậy rất rủi ro. Tôi muốn có lẽ quy định trần chỉ 2 lần là phù hợp.

 

Vấn đề thứ ba, quy định về đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp tại Khoản 1, Điều 28, quy định như vậy tôi cho rằng chưa chặt chẽ. Khoản 1, Điều 28 quy định việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải phù hợp với chiến lược và quy hoạch 5 năm đầu tư và hàng năm của doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta không có một ràng buộc gì ở đây về mặt pháp luật, dẫn đến đầu tư phân tán ra ngoài ngành. Tôi cho rằng Khoản 1, Điều 10 rất quan trọng, đây chính là khung. Tôi đề nghị bổ sung một đoạn vào cuối Khoản 1, Điều 28 này là phải phù hợp với phạm vi đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 10. Ta ràng buộc lại là cho doanh nghiệp đầu tư nhưng phải đầu tư trong phạm vi quy định pháp luật, không đầu tư ra ngoài ngành, phải đầu tư vào ngành chính, như vậy sẽ chặt chẽ hơn.

 

Vấn đề thứ tư, về sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài quy định tại Khoản 3, Điều 29. Theo tôi, quy định như vậy còn chưa chặt và chưa rõ thẩm quyền. Khoản 3, Điều 29 quy định "Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư ra nước ngoài", quy định như vậy có lẽ cũng dẫn đến sơ hở. Hiện nay, cơ quan đại diện chủ sở hữu chúng ta chưa rõ là ai.

 

Nếu từ nay đến năm 2020, chúng ta không có quyết tâm chính trị, xác định rõ nó là một cơ quan chuyên trách thì chắc là nó sẽ thực hiện được như thực hiện theo quy định của nghị định của Chính phủ như hiện nay. Hiện nay, Chính phủ giao tiếp cho các bộ, ngành. Các bộ lần lượt thành lập các vụ quản lý doanh nghiệp của mình, 4 đến 5 bộ có doanh nghiệp là thành lập hết. Nếu không quyết định được thì chắc là sắp tới cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn là các bộ, ngành. Như vậy, đầu tư ra nước ngoài rất phân tán. Tôi nghĩ nó không phù hợp với thẩm quyền quyết định thu, chi ngân sách theo Hiến pháp.

 

Tôi cho rằng, đã dùng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài ta phải coi đó là một khoản chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước, thẩm quyền phải phù hợp với quyết định của Hiến pháp, cao nhất là Quốc hội. Nếu Quốc hội ủy quyền thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng lắm là Thủ tướng Chính phủ, không có một cơ quan đại diện chủ sở hữu nào khác để xem xét đầu tư ra nước ngoài, như thế ta làm mới chặt được, mới đúng thẩm quyền, không vi hiến. Đầu tư ra nước ngoài là dùng tiền của dân để đầu tư thì đúng là chi đầu tư của ngân sách. Đây là vấn đề quy định phải thận trọng hơn, chặt chẽ hơn.

 

Vấn đề thứ năm, về quy định nhà nước thu phần lợi nhuận còn lại sau khi nộp thuế, tôi băn khoăn, bây giờ chúng ta giao vốn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng là thực hiện hết nghĩa vụ, nộp thuế, trích quỹ, lợi nhuận còn lại. Chính sách của nhà nước chúng ta trước đây là để lại, bây giờ ta thu về, tôi cũng băn khoăn. 3 năm vừa rồi chúng ta thu về, nhiều doanh nghiệp băn khoăn, lại đúng vào thời điểm phải tái cơ cấu mạnh, vốn cần nhiều để đổi mới công nghệ, lãi suất vay ngân hàng lúc thì cao, bây giờ thấp nhưng ngân hàng cũng đắn đo vì đó là vấn đề rủi ro. Cho nên cũng cân đong, đo đếm, tái cơ cấu doanh nghiệp làm sao được, khó lắm, phần vốn lợi nhuận còn lại một ít lại thu nốt. Tôi băn khoăn việc này là ta thu phần còn lại hay ta thu một phần. Tôi đề nghị điểm này cần phải quy định rõ hơn. Khoản 3, Điều 34 nên sửa lại thành nhà nước thu vào ngân sách nhà nước một phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật và giao cho Chính phủ hướng dẫn. Như vậy phần này là phần thu vào Ngân sách thì rõ hơn, chứ còn theo Khoản 3 có lẽ chưa rõ lắm mà thu vào cái gì. Hiện nay chúng ta đang thu vào quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp mà SCIC quản lý thì 3 năm vừa rồi Quốc hội quyết định thu vào ngân sách. Bây giờ chúng ta thu vào đâu thì có lẽ cũng phải quy định cho rõ. Tôi nghĩ có lẽ để thực hiện đồng bộ, đúng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước hiện nay và sắp tới là ta thu vào ngân sách, còn sử dụng sau này ta tính.

 

Vấn đề thứ sáu, điểm rất lớn tôi kiến nghị với Quốc hội, rất đồng ý với đề nghị của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, tên thì bỏ đoạn sản xuất, kinh doanh. Nhưng tôi muốn khi đã bỏ sản xuất, kinh doanh thì có lẽ ta nên mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung thêm một chương rất quan trọng mà hiện nay và sắp tới không biết sẽ được điều chỉnh bằng luật nào, chính là việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng ở địa phương, tức là thuộc quyền và trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Đây là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, vô cùng quan trọng và bức thiết nhưng chúng ta chưa có pháp luật điều chỉnh. Hiện nay, toàn bộ khu vực địa phương thì tất cả các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý. Trước đây về kinh doanh thì nhiều địa phương đã sắp xếp, đã nộp vốn về Trung ương rồi. Còn lại một số tỉnh là những tỉnh lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác bây giờ đang băn khoăn là ta sẽ tiến hành tiếp tục cải cách, ta cũng nộp tiền về Trung ương như các địa phương khác hay là ta xin chuyển đổi cơ chế. Tôi cho rằng yêu cầu bức xúc của địa phương nào cũng thế thôi, cũng rất bức xúc về đầu tư hạ tầng cơ sở. Tôi nghĩ nếu chúng ta mở rộng phạm vi điều chỉnh khi đó cần bổ sung thêm một chương về đầu tư vốn nhà nước vào cơ sở hạ tầng công cộng ở địa phương thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương bổ sung thêm một số các quy định, trong đó có quy định rất quan trọng, đó là tạo một cơ chế để tái cơ cấu phần vốn mà hiện nay địa phương đang đầu tư vào kinh doanh thương mại, chuyển sang đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Đây là việc quan trọng, địa phương nào cũng muốn. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tại sao lại giữ lâu như vậy. Đây là yêu cầu rất bức xúc của tất cả địa phương, nhất là chính quyền địa phương cấp tỉnh. Như vậy, hiệu quả sử dụng và pháp luật chúng ta đồng bộ thống nhất hơn. Bây giờ thì mỗi địa phương xin Thủ tướng Chính phủ một cơ chế cũng không đâu vào đâu cả.

---------------

(*) Đầu đề do tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek