Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Từ ngày 11-15/8/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 30 tại Hà Nội, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội. Tham dự phiên họp các đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, gồm: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Thú y và 10 dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, gồm: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.
Về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: Tiêu chuẩn số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; hồ sơ người ứng cử; số người được bầu tại các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Hội đồng bầu cử quốc gia; các tổ chức phụ trách bầu cử; quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử; vận động bầu cử…
Về dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sử đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: tên gọi của dự thảo luật; phạm vi điều chỉnh và mục đích kiểm toán; đối tượng kiểm toán của kiểm toán nhà nước; giá trị của báo cáo kiểm toán; quy định và bảo đảm tính độc lập của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động; các hành vi bị cấm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan; địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm toán nhà nước; Tổng kiểm toán nhà nước, Phó tổng Kiểm toán nhà nước; tổ chức của Kiểm toán nhà nước…
Về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án luật; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án luật; nghĩa vụ quân sự; thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ; Hội đồng nghĩa vụ quân sự tạm hoãn gọi là nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ; quyền lợi của hạ sĩ quan, chiến sĩ tại ngũ…
Về dự án Luật Thú y: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: phạm vi điều chỉnh của dự án luật; nguyên tắc hoạt động thú ý; chính sách của Nhà nước về hoạt động thú y; hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y, trách nhiệm quản lý nhà nước về thú y; vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; thẩm quyền công bố dịch; chương trình khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm động vật, giữa động vật và người; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; quản lý thuốc thú y…
Về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: Bảo đảm hoạt động đầu tư; lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện; ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư; phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thủ tục thông báo đầu tư; cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư ra nước ngoài; bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật; thẩm quyền quyết định chủ chương đầu tư trong nước và quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài...
Về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: áp dụng Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan; ngành, nghề và điều kiện kinh doanh; doanh nghiệp xã hội; đăng ký thành lập doanh nghiệp; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; doanh nghiệp nhà nước; nhóm công ty…
Về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: Quy định chức vụ tương đương; cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đối với chức vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; quy định quân hàm cao nhất của chỉ huy trưởng, chính ủy bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh và tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh; quy định số lượng cấp phó ở một số chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng …
Về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: công dân phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân; quy trình, thủ tục phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng; quy định số lượng cấp phó ở một số chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng…
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: thời điểm chuyển quyền sở hữu, quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, chính sách nhà ở xã hội, quỹ phát triển nhà ở xã hội; thời hạn sử dụng nhà ở chung cư, sở hữu chung nhà chung cư…
Về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án luật; các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; mục tiêu giáo dục nghề nghiệp; tổ chức và hoạt động của cơ sở dạy nghề; việc thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp; cơ chế đấu thầu, đặt hàng đào tạo nghề nghiệp của Nhà nước; chính sách phân luồng học sinh theo học nghề nghiệp; việc miễn giảm học phí và hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề nghiệp; chính sách đối với nhà giáo; chính sách ưu tiên đối với người tốt nghiệp các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp…
Về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: Đơn yêu cầu thi hành án; thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; xác minh điều kiện thi hành án; miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách nhà nước; thi hành án khi có thay đổi giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án và thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản; thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm…
Về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; chế độ hưu trí và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội; giao thẩm quyền thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội và quy định về chi phí quản lí bảo hiểm xã hội; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: Đại biểu Quốc hội; vai trò của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội; vai trò của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội: Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp; Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội…
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về mẫu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm về việc thực hiện các nội dung quy định tại điều 5 của Nghị quyết số 35/2012/QH13 và khung chương trình kệnh truyền hình Quốc hội.
Theo TTXVN