Nhân hội nghị đối thoại và lễ ký kết vay vốn theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp lần 2 vừa tổ chức tại TP Tuy Hòa, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đã triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Là người tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn có cuộc trao đổi với Báo Phú Yên về nghị định này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn - Ảnh: L.HẢO |
* Đồng chí có thể cho biết quá trình triển khai Nghị định 67 ở Phú Yên?
- Nghị định 67 được Chính phủ ban hành vào ngày 7/7/2014. Nghị định này vừa ra đời, các cấp, ngành, địa phương liên quan đã chủ động phối hợp triển khai một cách đồng bộ, toàn diện từ chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm đến các chính sách hỗ trợ khác. Trong đó, Phú Yên là một trong những tỉnh vào cuộc, triển khai Nghị định 67 sớm nhất.
Cụ thể, ngày 11/7/2014, chỉ vài ngày sau khi Nghị định 67 được Chính phủ chính thức ban hành, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai nghị định này đến các sở, ngành, địa phương liên quan. Sau đó, lãnh đạo tỉnh tiếp tục tham dự hội nghị triển khai Nghị định 67 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào ngày 24/7; tham dự lễ khánh thành tàu câu cá ngừ Yanmar tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) thuộc dự án “Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững” vào ngày 2/8. Mới đây nhất, ngày 8/8, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên tiếp tục triển khai Nghị định 67 đến các doanh nghiệp và ngư dân trên địa bàn tỉnh.
* Trong Nghị định 67, ngư dân cần lưu ý những điểm gì, thưa đồng chí?
- Nghị định 67 có rất nhiều nội dung. Trong đó, Nhà nước phải đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, xây dựng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khơi thông luồng lạch để tàu thuyền công suất lớn vào cảng dễ dàng. Nhà nước còn phải xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống tập trung; các cơ sở chế biến thủy hải sản đạt chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm… Về phần mình, ngư dân có thể đặt hàng đóng mới tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên hoặc tiếp tục nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên để khai thác hải sản xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần. Chủ tàu còn có thể vay vốn lưu động với hạn mức tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần hoặc chi phí cho một chuyến biển…
Tuy nhiên, vì mục tiêu của chính sách là hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo nên điều kiện để ngư dân tiếp cận vốn vay là đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính, phương án sản xuất cụ thể, được UBND tỉnh phê duyệt. Khi ngư dân, doanh nghiệp đăng ký đóng tàu, Nhà nước không ép buộc phải đóng tàu vỏ thép mà có thể đóng tàu vỏ gỗ, vỏ composite… nhưng nhất thiết phải đóng tàu công suất từ 400CV trở lên mới được hỗ trợ. Chủ tàu có thể lựa chọn mẫu tàu để đóng mới tùy vào mục đích sử dụng nhưng phải nằm trong danh mục các mẫu tàu được Bộ NN-PTNT phê duyệt; cơ sở được chọn đóng mới, nâng cấp tàu cá cũng phải đạt chuẩn. Về trang thiết bị trên tàu như dàn câu, thùng cấp đông, máy tầm ngư…, ngư dân, doanh nghiệp phải đầu tư mới, đồng bộ để có thể ứng dụng công nghệ đánh bắt, bảo quản sản phẩm hiện đại nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, tăng nguồn thu nhập cho lao động trên biển.
Ngư dân Phú Yên tìm hiểu về máy tầm ngư hiện đại trong chuyến tham quan tàu vỏ thép tại Khánh Hòa - Ảnh: L.HẢO |
* Sắp tới, tỉnh sẽ làm gì để Nghị định 67 sớm đi vào cuộc sống?
- Theo tôi, Nghị định 67 là nghị định được ban hành trong thời gian ngắn nhất, hợp lòng dân nhất và được mọi người hưởng ứng mạnh mẽ nhất. Để nghị định này sớm đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố ven biển phổ biến nghị định đến tận người dân, chuẩn bị đầy đủ cơ sở để giúp ngư dân tiếp cận với các chính sách nêu trong nghị định. Trong đó, Sở NN-PTNT cần sớm công bố danh sách các mẫu tàu được Bộ NN-PTNT phê duyệt, các cơ sở sửa chữa, đóng tàu thuyền đủ năng lực, uy tín; đồng thời cung cấp thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ đăng ký vay vốn để người dân biết mà thực hiện ngay khi Nghị định 67 có hiệu lực. Về phần ngư dân, bà con cần tích cực tiếp cận các nội dung của nghị định thông qua tập huấn, hội thảo; đặc biệt là qua những chuyến tham quan, học hỏi các đơn vị đã đóng tàu thí điểm ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… để rút kinh nghiệm cho bản thân mình và thực hiện tốt hơn khi muốn vay vốn đóng mới, cải hoán tàu hoặc vay vốn lưu động để vươn khơi bám biển.
* Xin cảm ơn đồng chí!
LÊ HẢO (thực hiện)