Thứ Tư, 27/11/2024 15:30 CH
Đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
Thứ Sáu, 15/08/2014 17:40 CH

Một phiên họp toàn thể của Quốc hội - Nguồn: TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 15/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

 

Về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo luật, tiếp thu các ý kiến đề nghị rà soát lại các quy định trong dự thảo luật, đối chiếu với Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành và các nội quy, quy chế để quy định cụ thể hơn về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; đối với hoạt động của Quốc hội chỉ giữ lại những quy định có tính nguyên tắc, khái quát, Ủy ban Pháp luật đã có sự thay đổi về bố cục để thể hiện rõ hơn tổ chức và hoạt động của Quốc hội. 

 

Cụ thể, Chương I (dự thảo trình Quốc hội) được tách thành 2 chương (Chương I và Chương V), trong đó Chương I quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Chương V quy định về kỳ họp Quốc hội. Chương V (dự thảo trình Quốc hội) được tách thành 2 chương (Chương VI và Chương VII), trong đó Chương VI quy định về Ban công tác đại biểu, Ban dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp, Chương VII quy định về Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và kinh phí hoạt động của Quốc hội để phân định rõ vị trí của các cơ quan này. 

 

Bố cục các mục trong mỗi chương về Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội,… để phân định rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động chủ yếu của các chủ thể trong luật. 

 

Dự thảo luật sau khi chỉnh lý gồm 8 chương, 104 điều, tăng 2 chương và giảm 8 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội. Nội dung quy định về đại biểu Quốc hội (Chương II), nhiều ý kiến tán thành quy định về đại biểu Quốc hội trong dự thảo luật, nhưng cũng có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo chưa làm rõ vai trò của đại biểu; cơ chế hoạt động của đại biểu Quốc hội còn nặng về hành chính; quyền hạn của đại biểu chưa rõ ràng; số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tuy có tăng nhưng chưa đáng kể… 

 

Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ ít nhất là 35% lên 40% (Điều 24); Phân định rõ tính chất hoạt động của đại biểu Quốc hội là hoạt động chuyên trách và không chuyên trách; Thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; Thể hiện rõ các quyền của đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp ghi nhận như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, trình kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền tham gia làm thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; Quy định cụ thể chế độ lương, phụ cấp cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội.

 

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai có ý kiến cho rằng tại khoản 2, điều 79 Hiến pháp đã quy định rõ: “đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo”. Theo đại biểu, nội dung “hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo” đối với cử tri là một quy định hay, cần được cụ thể hóa trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

 

Về giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, điểm e, khoản 2 điều 7, dự thảo luật quy định, Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua các hoạt động, trong đó có việc thành lập ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định và xem xét báo cáo kết quả điều tra của ủy ban. 

 

Với quy định này, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng đây là vấn đề tồn tại rất nhiều năm và chưa có cơ chế để thực hiện quy định này. Đại biểu đề nghị cụ thể hóa quy định tại điều 70 của Hiến pháp, nêu rõ ủy ban lâm thời điều tra được thành lập theo quy trình, thủ tục nào?

 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị dự thảo luật cần thiết kế quy định khi nào thì thành lập ủy ban lâm thời để điều tra; điều kiện để thành lập ủy ban lâm thời điều tra để thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội tại điều 7.

 

Nội dung quyết định các chính sách cơ bản của nhà nước tại điều 8 của dự thảo luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước nêu phân vân, vì đã từ lâu, Quốc hội vẫn quyết định nhiều vấn đề chính sách xã hội như về bình đẳng giới, bảo hiểm xã hội... nhưng chưa thấy đưa vào dự thảo luật. Vì thế tại khoản 3 điều 8, bên cạnh việc quyết định về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; chính sách cơ bản về đối ngoại cần bổ sung nội dung quyết định chính sách xã hội.

 

Tại buổi làm việc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Chương IV); Ban công tác đại biểu, Ban dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp...

 

Theo TTXVN, Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek